Home / Văn mẫu THCS / Văn mẫu lớp 9 / Cảm nhận khổ thơ đầu bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng

Cảm nhận khổ thơ đầu bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng

Cảm nhận khổ thơ đầu bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng

Bài làm

Quang Dũng là một nghệ sĩ đa tài làm thơ, vẽ tranh, viết văn, soạn nhạc nhưng thành công nhất vẫn là thơ. Ông là nhà thơ nổi tiếng của văn học Việt Nam thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp với một hồn thơ lãng mạn, tài hoa, thơ giàu chất nhạc, chất họa, được mệnh danh là nhà thơ của “Xứ Đoài mây trắng”. Tiêu biểu là bài thơ “Tây Tiến”. Có thể nói tinh hoa của bài thơ được hội tụ lại trong khổ thơ đầu tiên. Khổ thơ đã dựng lên bức tranh thiên nhiên hùng vĩ, mĩ lệ của núi rừng miền Tây, nơi nhà thơ cùng đoàn quân Tây Tiến đã từng hoạt động, chiến đấu.

  • “Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi
  • …Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”

Bài thơ “Tây Tiến” được sáng tác năm 1948 tại làng Phù Lưu Chanh, khi nhà thơ đã rời khỏi đơn vị cũ Tây Tiến, chuyển sang hoạt động tại một đơn vị khác. Bài thơ ra đời từ nỗi nhớ, kỉ niệm, hồi ức của Quang Dũng về đồng đội và địa bàn chiến đấu cũ. Ban đầu bài thơ có tên là “Nhớ Tây Tiến”, sau đó tác giả chuyển lại thành “Tây Tiến”. Việc bỏ đi từ “nhớ” đã vĩnh viễn hóa đoàn quân Tây Tiến, khiến cho hình ảnh người lính Tây Tiến trở thành bất tử trong thơ ca kháng chiến Việt Nam.

Mở đầu bài thơ bằng những dòng thơ chan chưa nỗi nhớ, lời thơ như chợt thốt lên đầy nhớ nhung và tiếc nuối:

  • “Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi
  • Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi”

Dòng sông Mã đã gợi cho nhà thơ nhớ về đoàn quân Tây Tiến, với lời gọi tha thiết ngọt ngào. Tiếng gọi thân thương “Tây Tiến ơi” cùng với từ láy “chơi vơi” mở ra một không gian vời vợi của nỗi nhớ đồng thời diễn tả tinh tế một cảm xúc mơ hồ, khó định hình, cứ lâng lâng khó tả trong lòng người ra đi. Điệp từ “nhớ” như tô đậm cảm xúc toàn bài thơ. Nỗi nhớ “chơi vơi” là trạng thái trơ trọi giữa khoảng không, không thể bấu víu vào đâu, một mình với hoài niệm cứ lửng lơ, sâu lắng, bâng khuâng, tha thiết vọng vào lòng người đọc không thể nào quên.

Xem thêm:  Tả buổi chào cờ ở trường em văn mẫu lớp 5 đặc sắc nhất

Nỗi nhớ bao trùm cả khoảng không gian và thời gian ấy Quang Dũng đã đưa người đọc đến với thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ, dữ dội nhưng cũng thật êm đềm thơ mộng. Đó là những địa danh mà đoàn quân Tây Tiến đã đi qua, “Sài Khao”, “Mường Lát”, “Pha Luông”, “Mường Hịch”, “Mai Châu”:

  • “Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
  • Mường Lát hoa về trong đêm hơi”

Có thể nói mỗi một địa danh biểu trưng cho núi rừng Tây Bắc đều đã trở thành một kỷ niệm khắc sâu vào trong tâm can của nhà thơ không thể phai mờ. Đó cũng là tình cảm thắm thiết sâu nặng, như Chế Lan Viên đã từng viết:

  • “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
  • Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”.

Hình ảnh “sương lấp đoàn quân mỏi” vốn gợi hình ảnh đoàn quân Tây Tiến trở về Mường Lát trong màn sương mờ mờ ảo của núi rừng Tây Bắc. Cảm giác “mỏi” hiện diện trong gân cốt người lính, dường như vẫn còn như mới trong tâm hồn Quang Dũng, điều ấy càng chứng tỏ nỗi nhớ sâu sắc của tác giả, bởi kỷ niệm càng nhỏ bao nhiêu thì nỗi nhớ càng to lớn bấy nhiêu. “Hoa” ở đây có thể hiểu là ngàn hoa của núi rừng, hiện thân cho vẻ đẹp của thiên nhiên, nhưng có lẽ chính xác hơn, thì “hoa” ấy là ánh sáng của ngọn đuốc bập bùng trong đêm tựa đóa hoa lửa trong những đêm hành quân mịt mờ trở về Mường Lát. Hình ảnh ngọn đuốc hoa vừa gợi lên nét lãng mạn, vừa hào hùng của một thời Tây Tiến.

Con đường hành quân ấy còn vô cùng gập ghềnh, hiểm trở, đầy sự hiểm nguy giữa một bên là núi cao với một bên là vực sâu thăm thẳm:

  • “Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm
  • Heo hút cồn mây súng ngửi trời
  • Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống”

Điệp từ “dốc” gợi lên cảnh những đỉnh dốc nối tiếp nhau, hết đỉnh dốc này lại tới đỉnh dốc khác, chẳng biết bao giờ mới hết. Không gian được mở ra ở nhiều chiều: chiều cao đến chiều sâu hút của những dốc núi, chiều sâu của vực thẳm, bề rộng của những thung lũng trải ra sau màn sương. Các từ láy giàu sức tạo hình khiến người đọc hình dung những con đường quanh co, dốc rồi lại dốc, những đỉnh đèo hoang vắng khuất vào mây trời. Hình ảnh “súng ngửi trời” là một nhân hóa táo bạo, đặc tả sự chót vót của dốc núi. Người lính Tây Tiến leo lên đỉnh dốc, cảm tưởng như mũi súng có thể chạm mây. Từ đó, ta cũng thấy được nét tinh nghịch khỏe khoắn, vẫn có thể trêu đùa vô tư sau một chặng đường hành quân vất vả, mệt nhọc của các anh lính Tây Tiến. Cách ngắt nhịp 4/3 của câu thơ “Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống” tạo thành một đường gấp khúc của dáng núi. Như vậy ba dòng thơ liên tiếp trong đoạn thơ đã sử dụng nhiều thanh trắc gợi sự vất vả nhọc nhằn của những người lính Tây Tiến trên con đường hành quân. Nếu như ba câu thơ trên gợi lên một cảm giác gập nghềnh hiểm trở thì đến câu thơ “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi” như một phút lắng lòng của những người lính Tây Tiến bên những ngôi nhà nơi xóm núi như cánh buồm thấp thoáng trên mặt biển trong không gian bình yên và êm ả của mưa giăng đầy thung lũng thành “xa khơi”.
Nhớ về vùng đất nơi đoàn binh Tây Tiến đã từng chiến đấu cũng là nỗi nhớ của nhà thơ về đồng đội:

  • “Anh bạn dãi dầu không bước nữa
  • Gục lên súng mũ bỏ quên đời”
Xem thêm:  Phát biểu cảm nghĩ về ông Sáu trong truyện Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng

Quang Dũng đã dùng cách nói giảm qua hình ảnh “bỏ quên đời” để nói về sự hi sinh: người lính đã ngã xuống vì kiệt sức trên đường hành quân. Nghệ thuật nói giảm đã bình thường hoá cái chết, làm giảm đi sự đau đớn khi nói về cái mất mát, sự hi sinh. Ý thơ buồn mà không bi luỵ bởi con người vượt lên trên hoàn cảnh để chiến thắng gian lao. Bức chân dung kiêu hùng của người lính Tây Tiến phù hợp với không khí của thời đại, của đất nước khi đang bước vào cuộc chiến khốc liệt.
Gian khổ không chỉ là núi cao dốc thẳm không chỉ là mưa lũ thác ngàn mà còn có tiếng gầm của cọp beo nơi rừng thiêng nước độc nơi đại ngàn hoang vu:

  • “Chiều chiều oai linh thác gầm thét
  • Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người”

“Chiều chiều” rồi “đêm đêm” những âm thanh ấy “thác gầm thét”, “cọp trêu người” luôn khẳng định cái bí mật cái uy lực khủng khiếp ngàn đời của chốn rừng thiêng. Chất hào sảng trong thơ Quang Dũng là lấy ngoại cảnh núi rừng miền Tây hiểm nguy để tô đậm và khắc họa chí khí anh hùng của đoàn quân Tây Tiến. Mỗi vần thơ đã để lại trong tâm trí người đọc một ấn tượng: gian nan tột bậc mà cũng can trường tột bậc. Đoàn quân vẫn tiến bước người nối người đi về phía trước. Uy lực thiên nhiên như bị giảm xuống và giá trị con người như được nâng cao
hơn.
Mải chìm trong những ký ức nhưng nhà thơ bỗng sực tỉnh:

  • “Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
  • Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”
Xem thêm:  Đề kiểm tra cuối tuần 18 Tiếng Việt lớp 5

Tây Tiến đã xa, Tây Bắc cũng đã xa lắm rồi, chỉ còn lại kỷ niệm. Nỗi nhớ ở đây được bộc lộ một cách tha thiết, cồn cào, nhớ cả về những bát cơm, hương khói lửa, nắm xôi ấm tình quân dân, đồng thời cũng gợi lên một thời kháng chiến vừa vất vả vừa lãng mạn, thi vị nên thơ.

Qua đoạn thơ trên Quang Dũng không chỉ thể hiện thành công nỗi nhớ về thiên nhiên và miền Tây hùng vĩ mà còn thành công với các biện pháp nghệ thuật như cảm hứng lãng mạn, bi tráng. Sử dụng ngôn từ đặc sắc về địa danh, từ tượng hình, từ Hán Việt, kết hợp hài hòa chất nhạc và họa thơ.

Đoạn thơ đầu bài thơ Tây Tiến đã thể hiện tài hoa và tâm hồn lãng mạn phóng khoáng của nhà thơ Quang Dũng. Qua đoạn thơ, ta cảm nhận được sự gắn bó sâu sắc, nỗi nhớ tha thiết của nhà thơ Quang Dũng về những ngày tháng chiến đấu trong đoàn quân Tây Tiến – một thời mãi mãi để nhớ và tự hào.

Check Also

5247396 image 310x165 - Phân tích đoạn thơ Thúy Kiều báo ân báo oán trích Truyện Kiều của Nguyễn Du

Phân tích đoạn thơ Thúy Kiều báo ân báo oán trích Truyện Kiều của Nguyễn Du

Đề bài: Phân tích đoạn thơ Thúy Kiều báo ân báo oán trích Truyện Kiều …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *