Cảm nghĩ về một người bạn thân mà em quý mến
Bài làm
Tôi còn nhớ như in cái ngày ấy, ngày tôi theo nội về quê. Phong cảnh miền quê thật là dễ chịu. Từng lối đi, từng bụi chuối, từng gốc tre… tất cả đều chứa chất bao kỉ niệm của tôi và Ái Liên.
Đó là một đứa trẻ miền đồng quê, rất đen, tóc vàng hoe và bù xù, vì vậy người ta vẫn quen gọi nó là Mèo Mun.
Nhà nó cạnh nhà nội tôi, thường thì những đứa trẻ thân nhau qua những trò chơi trẻ nít nên tôi và nó quen thân rất mau. Chỉ có một ngày, cây bưởi hiên nhà là thứ trung tâm của mọi thứ để tôi và nó bày ra các trò chơi: bán tiệm, ru em, đi học… Nhà của Mèo Mun nghèo lắm, lại rất đông người, mẹ ba nó phải làm lụng suốt ngày nên không có thì giờ chăm sóc nó, chính vì vậy mà nó hầu như ở suốt nhà nội tôi, có lúc nội tắm rửa và cho nó ăn cơm. Tôi bằng tuổi với nó nhưng trội hơn nó từ suy nghĩ đến hành động, nhiều lúc có vẻ giống người lớn. Có lần nó bày cho tôi chơi trò kéo xe, tôi vốn có rất nhiều đồ chơi, trong số đó có một chiếc xe ô tô bằng nhựa, còn nó thì không có dẫu một con búp bê. Tôi bảo nó lấy hoa rụng để lên xe rồi kéo. Tôi lấy làm thích trò này, mãi loay hoay kéo qua kéo lại, vô tình quên bẵng con Mèo. Một lúc sau tôi đưa mắt tìm nó. Ô! Nó đâu? Tôi hốt hoảng gọi to: “Mèo… ơi!” Không gian vắng lặng, tôi chạy quanh tìm nó. Thì ra nó ở đây, dưới bụi chuối nhưng sao nó khóc? Tay nó cầm mo cau và dùng sợi dây cô’ “xỏ” vào mo cau, nước mắt lưng tròng. Giờ đây nghĩ lại tôi cảm thấy mình vô tâm đến đáng ghét. Thì ra… thì ra… tôi chợt hiểu:
“Bạn lấy xe của mình mà dùng”. Nó ngước mắt nhìn tôi, đôi mắt đen huyền nháy nháy: “Không, tôi không lấy của bạn đâu, tôi tự làm lấy! Tôi có xe bằng quạt mo nè!”. Tôi quen sung sướng, lại không hiểu nó nhiều, nó nói sao tôi tin vậy, tôi có biết đâu nó đang tủi thân phận vì nghèo, vì không bằng tôi.
Tính nó hay nhường nhịn và vị tha, lúc nào tôi giành chơi thì nó bỏ xuống nhìn tôi mà buồn buồn, những lúc ấy tôi lấy làm sung sướng và tự mãn lắm. Thời gian thấm thoát trôi đi, tôi và nó thân thiết với nhau hơn, nhưng có lẽ nó không còn ở mãi trong tâm trí tôi nếu không có chuyện này… Thời gian thăm nội sắp hết, tôi phải về nhà để chuẩn bị đi học và tôi đã lên lớp năm. Mới sáng sớm, tôi vừa thức giấc đã nghe tiếng con Mèo vang vang: “Diễm ơi, qua đây có chuyện vui mình bày cho chơi nè!”. Vừa ngủ dậy, tôi vội lên tiếng, giọng nhừa nhựa: “ừ, bạn đợi mình chút xíu”. Năm phút sau, tôi đã ra đến đầu cầu sang nhà nó, cây cầu là thân một cây mù u cong queo bắc ngang, đôi với người lớn thì chỉ cần năm sáu bước đã qua bờ bên kia, còn đối với tôi, một con bé mười tuổi, lại không quen đi những nơi cầu lắt lẻo như thê’ này, nên cứ lẫm chẫm từng bước. Con Mèo đang mải mê bên kia cầu với một đống đất sét, nó đâu thấy tôi: “Bạn liệng cây nứa cho mình nắm, mình qua bển với”. Tôi gọi nó. Nó chỉ chỉ vào cục đất. “Thôi Diễm sang đi, mình mắc làm cái này nè”. Đang háo hức với trò chơi mới, tôi đành liều qua cầu. Một bước… hai bước… ba bước… ùm!
Tôi té! Tất cả không gian quay cuồng, xung quanh tôi chỉ còn màu trắng toát của nước. Trước khi tôi nghe văng vẳng giọng của con Mèo: “Diễm ơi! Trời ơi Diễm…!”. Dường như quá run sợ, tôi không còn nghe thấy gì nữa…
“Diễm tỉnh lại đi con!”
Tôi mở mắt lừ đừ nhìn xung quanh. Mái nhà, cái tủ, ai nằm đây? Trời ơi con Mèo nằm bất động với vẻ mặt xanh xao, mắt nhắm bặt. Tôi hiểu ra rồi, khi tôi té, con Mèo nhảy theo… Tôi chực ngồi dậy nhưng nội không cho, “Con Mèo nhảy theo con nhưng không lội được, hai đứa ngập thở rồi chìm”. Tôi nghe như tim mình đau nhói, tôi khẽ nắm lấy tay con Mèo, bàn tay lạnh ngắt, bất chợt nó cựa quậy và thét lên: “Diễm ơi đừng bỏ mình, tại mình không đưa cây… nên Diễm té… Diễm ơi! Chờ mình với Diễm…”.
Tôi nhắm mắt lại, giọt nước mắt nóng hổi rơi trên gò má, lã chã, tôi siết tay nó, mím chặt môi. Trước mắt tôi hình dung ra cảnh con Mèo lao xuống nước cố gắng kéo tôi. Nước sâu, nó yếu dần… yếu dần… chìm hẳn…
Tôi thiếp đi, khi tỉnh lại thấy không gian trông vắng, có cái gì chát chát mằn mặn ở môi mình. Tôi đưa tay vuốt mặt, bàn tay ươn ướt… Ồ không biết tôi khóc lúc nào ấy nhỉ? Giường bên cạnh, Mèo nằm bất động, tôi hô’t hoảng, muô’n la lên nhưng chợt nghe tiếng khọt khẹt, khò khè của Mèo, tôi định thần…
Thì ra Mèo vẫn sống. Tôi mừng khôn xiết!