Đề bài: Bình giảng bài thơ Chùa Non Nước của Lê Thánh Tông trích "Hồng Đức quốc âm thi tập”.
Bài làm
Trong phần "Phong cảnh môn" (Môn loại về phong cảnh) của "Hồng Đức quốc âm thi tập" (Hội Tao Đàn) hiện có 66 bài thơ vịnh những danh lam thắng cảnh của giang sơn gấm vóc Đại Việt. Trong đó có bài thơ “Chùa Non Nước” tương truyền là sáng tác của Tao Đàn đô nguyên súy Lê Thánh Tông.
Bài thơ được viết theo thể thơ lục ngôn bát cú (sáu chữ, tám câu). Bao trùm bài thơ là một cái nhìn man mác với bao suy ngẫm về thiên nhiên va cuộc đời:
"Nơi gọi Bồng, nơi gọi Nhược.
Hai bên góp làm Non Nước.
Đá chông hòn thấp, hòn cao.
Sóng trục lớp sau lớp trước.
Phật hư vô cảnh thiếu thừa.
Khách danh lợi, buồm xuôi ngươc.
Vẳng nghe trên gác boong boong,
Lẩn thẩn dưới chùa lần bước.”
Bài thơ chia làm 2 phần. Bốn câu đầu miêu tả cảnh sắc chùa Non Nước. Bốn câu cuối nói lên những suy ngẫm của tác giả về Phật, về con người trong cuộc đời.
Núi Non Nước nằm bên bờ sông Đáy thuộc thị xã Ninh Bình. Xa xưa gọi là Băng Sơn nằm giữa cửa biển. Trong thế kỉ XIII, Trương Hán Siêu đổi tên núi thành Dục Thúy Sơn. Ông có bài thơ "Dục Thúy Sơn khắc thạch" và bài văn "Dục Thúy Sơn linh tế tháp kí” đều nói về núi này. Nguyền Trãi cũng có bài thơ “Dục Thúy Sơn". Từ thời Lê, núi được đổi tên thành núi Non Nước. Từ xa xưa đến nay, trên núi Non Nước vẫn có chùa, người đời gọi là chùa Non Nước, núi, chùa ấy là một trong những cảnh đẹp nổi tiếng trên miền Bắc nước ta.
Hai câu thơ đầu ca ngợi vẻ đẹp độc đáo, vẻ đẹp thần tiên của núi Non Nước. Núi có sông Đáy uốn quanh: cảnh sơn thủy hữu tình, nên thơ và độc đáo: "Hai bên góp làm Non Nước". Hai chữ “góp làm" rất bình dị, rất nôm nói lên bàn tay sáng tạo kì diệu của Hóa công (Trời). Nguyễn Trãi đã từng ví Dục Thúy Sơn là “Cảnh tiên rơi cõi tục", là “Cửa biển có non tiên". Ở đây Lê Thánh Tông lại viết:
“Nơi gọi Bồng, nơi gọi Nhược"
Bồng Lai, Nhược Thủy tương truyền là nơi tiên ở. Núi Non Nước trong cảm nhận của thi nhân mang vẻ đẹp cõi tiên. Một cách viết ước lệ hàm súc gợi lên bao tưởng tượng, biểu lộ một tâm hồn chan hòa tình sông núi.
Hai câu 3, 4 đối nhau. Núi đá chông cao lên, nơi thì “‘hòn thấp" nơi thì "hòn cao" vừa lạ vừa đẹp mắt. Dưới sông, sóng đuổi nhau “lớp sau, lớp trước". Hai chữ ''chồng" và “trục" đăng đối, làm nổi bật cái hồn sơn thúy vừa sống động vừa hài hòa. Cảnh sông núi càng ngắm càng mê say, quyến rũ:
“Đá chồng hòn thấp, hòn cao.
Sóng trục lớp sau, lớp trước.''
Qua vần thơ đẹp, ta cảm nhận được cảnh sắc núi Non Nước, chùa Non Nước là cảnh sơn thủy hữu tình, cảnh tiên kì diệu.
Bốn câu cuối nói lên những suy ngẫm của nhà thơ. Trước hết là suy ngẫm về Phật, về người đời:
“Phật hư vô, cảnh thiếu thừa,
Khách danh lợi, buồm xuôi ngược."
“Hư vô" nghĩa là thế nào? Hư vô nghĩa là trống không. Chùa Non Nước thờ Phật, mà Phật chỉ là hư vô, một thế giới tưởng tượng, trong đó không có cái gì tồn tại. Câu thơ nào cũng ngắt thành 2 vế tiểu đối. Nếu cảnh chùa chiền, cảnh Phật là cõi hư vô, thì trái lại, cảnh thiên nhiên, cảnh sông núi ở đây lại cao, thấp, trước, sau, thiếu, thừa hiển hiện. Trong cuộc mưu sinh, giữa dòng đời xưa nay, xét đến cùng con người (số đông) chỉ là khách danh lợi, tất tả ngược xuôi chẳng khác nào những cánh buồm xuôi ngược trên sông. Sự cảm nhận của nhà thơ về đạo Phật, về đời người giữa cuộc sống thể xác và cõi tâm linh được thể hiện qua những vần thơ thâm trầm, đầy ý vị. Phải chăng đó là bi kịch của kiếp người trong dòng chảy thời gian?
Tiếng chuông boong boong trên mái chùa vẳng lên như làm cho du khách chợt tinh giấc mộng, “lẩn thẩn" dạo bước ngắm cảnh chùa Non Nước. Hai chữ "lẩn thẩn" chứa đầy tâm trạng của một du khách thanh nhàn mang tình sông núi. Bút pháp nghệ thuật lấy động để tả tĩnh rất đặc sắc: tiếng chuông vẳng lén "boong boong" đã làm nổi rõ cảnh chùa Non Nước trên núi cao vô cùng tĩnh lặng, vắng vẻ; du khách tưởng như tinh mộng:
“Vẳng nghe trên gác boong boong,
Lẩn thẩn dưới chùa lần bước."
Bài thơ “Chùa Non Nước" là một thành công đặc sắc và độc đáo về thơ lục ngôn mà Lê Thánh Tông và Hội Tao Đàn để lại cho nền thi ca dân tộc. Bài thơ lại được gieo vần trắc, tạo nên âm diệu trầm bổng, gập ghềnh như leo núi: “Nhược – nước – trước – ngược – bước". Tác giả sử dụng nghệ thuật bình đối và tiểu đối rất thành công. Hình tượng sông núi, sơn thủy, non nước, cảnh Phật và đời người in đậm và bao trùm bài thơ. Ngoài sự suy ngẫm giàu tính nhân bản về Phật và đời người, bài thơ còn thể hiện một tâm hồn thanh cao, giàu tình yêu thiên nhiên đất nước. Đáng quý nhất, đó là tâm hồn của mội ông vua vào hàng minh quân thánh đế của Đại Việt.