Phân tích vẻ đẹp bức tranh tứ bình trong bài thơ Việt Bắc
Bài làm
Thơ là cây đàn muôn điệu của tâm hồn, của nhịp thở con tim. Xưa nay thơ vẫn là cuộc đời, là lương tri, là tiếng gọi con người hãy quay về bản chất thực của mình để vươn lên cái chân, thiện, mỹ, tới tầm cao của khát vọng sống, tới tầm cao của giá trị sống. Đến với bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu trong mỗi con người luôn nồng nàn một lòng yêu nước. Và điểm sáng xuyên suốt bài thơ chính là bức tranh tứ bình đúng như có ý kiến đã từng nói: “ Thi trung hữu hoạ”.
Bài thơ “Việt Bắc” được tác giả viết trong những ngày tác giả đóng quân ở vùng Việt Bắc. Bài thơ thể hiện tình quân dân gắn bó, thiết tha sâu sắc, khi chia tay kẻ ở người đi biết bao lưu luyến, lúc chia tay được tác giả viết lên thành những vần thơ nhiều cảm xúc, nghẹn ngào tâm tư tình cảm. Đặc biệt bài thơ còn xúc động lòng người khi tác giả phác họa lên một bức tranh tứ bình về thiên nhiên con người Việt Bắc vô cùng tươi đẹp. Mở đầu đoạn tứ bình là hai câu chủ đề :
- “Ta về, mình có nhớ ta
- Ta về, ta nhớ những hoa cùng người”
Mình và ta vốn là cách gọi quen thuộc xuyên suốt cả bài thơ chứa đựng những ân tình, nỗi lưu luyến nhớ thương cứ giăng mắc như tơ vươn quấn quýt. Nỗi nhớ của người đi luôn hướng đến “ hoa cùng người” . Hoa có thể hiểu là hoa chuối đỏ tươi ha y hoa mơ nở trắng rừng nhưng cũng có thể hiểu hoa là hình ảnh cho vẻ đẹp của thiên nhiên, cảnh sắc. Trong đoạn thơ của Việt Bắc, cảnh vừa làm nền cho con người xuất hiện, vừa là một phần nỗi nhớ của người ra đi bên cạnh nỗi nhớ sâu đậm với con người.
Khác với bức tranh tứ bình truyền thống tả cảnh theo trình tự: xuân, hạ, thu, đông, bốn mùa của Việt Bắc hiện ra trong hai thời điểm quá khứ và hiện tại nơi lưu giữ những kỉ niệm sâu sắc, đẹp nhất về thiên nhiên và con người Việt Bắc.. Thiên nhiên Việt Bắc hiện lên rất bình dị, gần gũi, mỗi mùa có một vẻ đẹp riêng.
Mở đầu bức tranh Việt Bắc giữa mùa đông qua sự phác hoạ tinh tế cả về hình khối, màu sắc và ánh sáng:
- “Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
- Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng”
Mùa đông đến là sương giá đến, là tiết trời trở lạnh và con người chìm trong giá rét. Tố Hữu dùng sự tương phản đối lập giữa “rừng xanh” một gam màu trầm tĩnh và lạnh lẽo, đối lập với hình ảnh hoa chuối đỏ tươi, là một gam màu nóng, ấm áp và có sức mạnh xua đi lạnh giá. Người chiến sĩ trên bước đường hành quân, dõi mắt ra xa và trông thấy những nõn búp chuối đỏ tươi, vươn mình trong tiết trời giá lạnh, thực là một hình ảnh đẹp đẽ của thiên nhiên như những bàn tay vẫy gọi đầy lưu luyến. Sự phối hợp khéo léo giữa ánh sáng và màu sắc khiến bức tranh mùa đông càng trở nên rực rỡ Và con người ta như được tiếp thêm chút sức mạnh, tinh thần lạc quan để tiếp nối hành trình gian truân của mình. Hình ảnh con người bước đến đèo mới đẹp làm sao, ánh nắng chiếu vào chiếc dao gài ở thắt lưng, sáng lên lấp lánh. Với con dao đi giữa rừng, với vóc dáng lồng lộng trên đèo cao đầy nắng, tầm vóc con người như được lớn lao, mạnh mẽ, rắn rỏi hơn giữa núi rừng hùng vĩ làm tăng thêm sự cảm phục, ngưỡng mộ trong lòng người đi.
Việt Bắc khi xuân tới tiếp tục hiện ra trong nỗi nhớ người đi:
- “Ngày xuân mơ nở trắng rừng
- Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang”
Thiên nhiền của Việt Bắc lại mở màn bằng hình ảnh những cây mơ bung nở hoa trắng, tô điểm cảnh sắc Việt Bắc đẹp đến nao lòng, thanh khiết và trong trắng như người dân nơi đây, hình ảnh hoa xuân đầy sức sống, tràn trề. Trong một bài thơ khác Tố Hữu đã từng có những câu thơ xao xuyến ấn tượng về ho mơ nơi rừng núi:
- “Ôi sáng xuân nay, xuân 41
- Trắng rừng biên giới nở hoa mơ.”
Biện pháp đảo ngữ “trắng rừng” chuyển đổi cảm giác đột ngột, như diễn tả một sự chuyển màu vội vàng khi trời chuyển xuân và thật mãnh liệt. Con người lúc này hiện lên không phải đối trọi với thiên nhiên như ở bức tranh mùa đông, mà là thể hiện sự tinh tế, chăm chỉ, và tỉ mỉ với công việc” chuốt từng sợi giang”. Một hình ảnh đẹp và tài hoa biết bao.
Mùa hè Việt Bắc được tái hiện trong nỗi nhớ tràn trề âm thanh và màu sắc:
- “Ve kêu rừng phách đổ vàng
- Nhớ cô em gái hái măng một mình.”
Sang mùa hè tiếng ve kêu là dấu hiệu của mùa hè đã đến. Mùa hè là mùa sôi động, nó khác hẳn với sự ấm áp của mùa đông, sự tinh khôi của màu xuân, khi mùa hè tới rừng núi Việt Bắc râm ran tiếng ve kêu, màu vàng của hổ phách kết hợp với tiếng ve khiến cho thiên nhiên nơi đây. Động từ “ đổ” miêu tả sự chuyển màu đột ngột, nhanh chóng của bức tranh thiên nhiên, đưa đến cảm giác ngỡ ngàng, choáng ngợp trong lòng người. Tiếng ve đã phá vỡ sự tĩnh lặng, thể hiện sự chuyển biến thời gian mạnh mẽ. Cũng như bức tranh đông hay bức tranh xuân con người hiện lên là người lao động thì ở đây là “ cô em gái hái măng một mình”. Em gái là cách gọi thân thương trìu mến, động tác hái măng gợi dáng vẻ cắm cúi, thầm lặng khiến cô gái như càng nhỏ bé hơn giữa mênh mông rừng núi, hai chữ “ một mình” đem đến cảm giác trống trải, cô đơn sau lưng người ra đi. Cảnh phảng phất buồn nhưng vẫn đẹp, một vẻ đẹp tĩnh vắng và trong sáng, vẻ đẹp và nỗi buồn đều làm lưu luyến bước chân người ra đi.
Thu sang, khung cảnh núi rừng chiến khu như được tắm trong ánh trăng xanh huyền ảo lung linh dịu mát
- “Rừng thu trăng rọi hòa bình
- Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung”
Không gian bao la tràn ngập ánh trăng, đó là ánh trăng của tự do, của hòa bình rọi sáng niềm vui lên từng núi rừng, từng bản làng Việt Bắc. “ Rọi” là động từ miêu tả nguồn ánh sáng tập trung soi chiếu xuống một điểm hẹp trong không gian qua đó cũng thể hiện sự soi chiếu rõ nhất nỗi nhớ thương tha thiết của người ra đi. Mùa thu càng làm ngọt ngào hơn với tiếng hát ân tình thuỷ chung, là hình ảnh của cuộc sống hoà bình, tiếng hát vang lên giữa rừng sâu, dưới ánh trăng thanh càng làm đậm lên cảm giác tươi vui, thanh bình và sự hồi sinh sau chiến tranh gợi những tình cảm sâu xa về quê hương đất nước nghĩa tình gắn bó dân tộc.
Với những nét chấm phá đơn sơ giản dị, vừa cổ điển vừa hiện đại cùng với biện pháp đảo ngữ, các động từ, những từ ngữ giàu sức gợi tả,..đoạn thơ trên của Tố
Hữu đã làm nổi bật được bức tranh cảnh và người qua bốn mùa của chiến khu Việt Bắc. Cảnh và người hòa hợp với nhau tô điểm cho nhau, làm cho bức tranh trở nên gần gũi thân quen, sống động và có hồn hơn. Tất cả đã tan chảy thành nỗi nhớ nhung quyến luyến thiết tha trong tâm hồn người cán bộ về xuôi.
“ Thi trung hữu hoạ”- quả đúng là như thế. Đoạn thơ vẽ nên bức tranh về cảnh vật và con người Việt Bắc mà ai đã đọc dù chỉ một lần sẽ không thể nào quên. Nó đem lại cho bài thơ Việt Bắc vốn ấm áp tình người có thêm cái huy hoàng xanh tươi của núi rừng Việt Bắc và nói như Xuân Diệu “Tố Hữu đã đưa thơ chính trị đạt đến trình độ là thơ rất đỗi trữ tình”.