Tả cây xương rồng mà em nhìn thấy.
Hướng dẫn
Ở quê em, cây xương rồng được xem là cây hoang dại. Dọc đường làng, cứ một quãng lại có ba bốn bụi xương rồng. Hàng rào phía sau nghĩa trang liệt sĩ xã em cũng được trồng nhiều xương rồng.
Cây xương rồng cao ngang đầu người. Gốc cây bạc thếch, sần sùi. Mỗi cây có nhiều cành, đứng xa nhìn tựa như những bàn tay trẻ con. Những cành mới mọc có màu xanh bóng mượt; chỉ cần lấy một vật nhọn như cái đinh, cái kim găm nhẹ vào, tức thì mủ (nhựa) xương rồng ứa ra, màu trắng tinh, tỏa ra một mùi hắc nồng rất độc. Cành xương rồng có nhiều cạnh gần giống như khế, từng chùm gai li ti trắng nhọn mọc lên tua tủa. Lá xương rồng như những vỏ hến màu xanh nhạt mọc trên những cạnh lồi của cành phía trên ngọn. Xương rồng phát triển trong mùa xuân. Cuối tháng ba, trong nắng mới, xương rồng trổ hoa. Hoa xương rồng có bốn năm cánh, màu vàng thẫm; mỗi đóa hoa xòe nở chỉ bằng chiếc cúc bấm. Hoa xương rồng thuộc loài hoa “hữu sắc vô hương”, chẳng mấy ai ngó tới. Em chưa nhìn thấy quả xương rồng bao giờ.
Bờ rào xương rồng có nhiều gai nhọn để ngăn trâu bó phá phách. Ong bướm chim chóc cũng chẳng bao giờ đoái hoài đến cây xương rồng. Có điều lạ, em vẫn thấy bố em đi cắt xương rồng về, tỉa hết gai nhọn, nướng trên lò than, làm thuốc xông chân, xông lưng cho bà. Bà vẫn nói: “Cây xương rồng qúy lắm đấy! Nhờ nó mà bà ngủ được, đỡ nhức xưởng …”. Thế mà lâu nay, em vẫn cứ tưởng xương rồng là một loài cây vô tích sự.
Theo Baivanhay.com