Soạn bài: Tỏ lòng (Thuật hoài) – Ngữ Văn 10 Tập 1
Hướng dẫn
Xin chào các em! Sau đây, Đề thi hay sẽ hướng dẫn các em soạn văn bản: Tỏ lòng (Thuật hoài) của Phạm Ngũ Lão. Văn bản được biên soạn nằm trong chương trình Ngữ Văn 10 Tập 1. Các em hãy cùng theo dõi nhé!
I. Tác giả, tác phẩm
1. Tác giả
Phạm Ngũ Lão (các em tham khảo phần giới thiệu tác giả trong SGK Ngữ Văn 10 Tập 1).
2. Tác phẩm
* Hào khí Đông A:
Hào khí Đông A là hào khí đời Trần (chữ Đông và chữ A trong tiếng Hán ghép lại thành chữ Trần). Cụm thuật ngữ này từ lâu đã được dùng để chỉ cái không khí oai hùng, hào sảng của thời Trần (thời kì mà chúng ta có những chiến công lừng lẫy khi cả ba lần đều đánh tan sự xâm lược của giặc Nguyên – Mông).
Hào khí Đông A là chỉ cái khí thế hừng hực của niềm vui chiến thắng, chỉ cái khát khao mang tính thời đại mà ở đó ai ai cũng muốn góp sức dựng xây và dang tay bảo vệ cho sự vững bền mãi mãi của non sông đất nước mình.
Hào khí Đông A từ xã hội đi vào thơ văn trở thành sự kết tinh cho những biểu hiện cao đẹp của lòng yêu nước. Có không ít tác phẩm nổi tiếng mang hơi thở của Hào khí Đông A: Thuật hoài (Tỏ lòng) của Phạm Ngũ Lao, Tụng giá hoàn kinh sư (Phò giá về kinh) của Trần Quang Khải, Hịch tướng sĩ văn của Trần Quốc Tuấn,…
II. Hướng dẫn soạn bài
Câu 1:
* Điểm khác nhau giữa câu thơ đầu trong nguyên tác chữ Hán với câu thơ dịch: Hai từ “Hoành sóc” – cầm ngang ngọn giáo được dịch là “múa giáo” nên chưa sát nghĩa và chưa bộc lộ hết sự hào hùng, tư thế hiên ngang, lẫm liệt, mang tầm vóc của vũ trụ của con người cũng như không gian trong câu “Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu”.
* Trong câu thơ thứ nhất:
- Thời gian: kháp kỉ thu
- Không gian: giang sơn (đất nước)
- Con người: một tráng sĩ đang cầm ngang ngọn giáo
Trong câu thơ đầu này, con người xuất hiện trong bối cảnh không gian và thời gian đều rộng lớn. Không gian mở theo chiều rộng của núi sông và mở lên theo chiều cao của sao Ngưu thăm thẳm. Thời gian không phải đo bằng ngày bằng tháng mà đo bằng năm, không phải mới một năm mà đã mấy năm rồi (Kháp kỉ thu). Con người cầm cây trường giáo (cũng đo bằng chiều ngang của non sông), lại được đặt trong một không gian, thời gian như thế thì thật là kì vĩ. Con người hiên ngang ấy mang tầm vóc của con người vũ trụ, non sông, vẻ đẹp ấy được bộc lộ cả bên trong lẫn bên ngoài.
Câu 2:
Câu thơ:
Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu
Câu thơ này có thể hiểu theo 2 cách:
- Thứ nhất: thể hiện sức mạnh cùng với ý chí chiến đấu của quân đội nhà Trần, đội quân hùng mạnh như loài hổ báo – những động vật mạnh nhất của rừng xanh và sức mạnh ấy có thể “nuốt trôi trâu”.
- Thứ hai: sức mạnh và ý chí chiến đấu của quân đội nhà Trần là vô cùng lớn, sức mạnh ấy có thể át cả sao Ngưu trên bầu trời – sức mạnh của vũ trụ rộng lớn, có thể thay đổi cả giang san đất nước.
Câu 3:
“Nợ” công danh mà tác giả nói tới trong bài thơ được hiểu theo nghĩa là: Thể hiện chí làm trai theo tinh thần Nho giáo: lập công (để lại sự nghiệp), lập danh (để lại tiếng thơm). Đồng thời, “nợ” ở đây cũng được hiểu là chưa hoàn thành nghĩa vụ với dân, với nước. => Đáp án là cả 2 nghĩa trên.
Như chúng ta đã biết, trong thời kỳ này, tư tưởng Nho giáo ảnh hưởng rất lớn đến quan niệm và lối sống của con người, đặc biệt là những đấng nam nhi. Sinh ra trong đời, đấng quân tử luôn mang theo mình một món “nợ tang bồng”. Chừng nào chưa lập được công danh, chưa tạo được tiếng thơm là chưa hoàn thành nghĩa vụ đối với dân, với nước.
Câu 4:
Ý nghĩa của nỗi “thẹn” trong câu thơ cuối:
Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ hầu
Nỗi “thẹn” ở đây đã thể hiện vẻ đẹp nhân cách của người anh hùng. Phạm Ngũ Lão là bậc anh hùng của dân tộc, dưới thời Trần ông đã lập rất nhiều chiến công và là đấng quân tử đáng được người đời sau tôn trọng. Nhưng ông vẫn cảm thấy “thẹn” vì chưa có được tài năng mưu lược như Vũ Hầu Gia Cát Lượng để có thể giúp dân cứu nước, “thẹn” vì trí và lực của mình thì có hạn mà nhiệm vụ khôi phục giang sơn, đất nước còn quá bộn bề.
Mặc dù vậy, nhưng nỗi “thẹn” ấy không làm cho hình tượng của Phạm Ngũ Lão nhỏ bé đi mà nó còn khiến người đời thêm hiểu về tấm lòng của ông – luôn muốn được làm những điều tốt đẹp, lớn lao dành cho nhân dân, đất nước.
Câu 5:
Qua bài thơ “Tỏ lòng” cho chúng ta thấy được vẻ đẹp của con người trong thời đại nhà Trần. Hình ảnh con người được đặt ngang với tầm vóc của vũ trũ, mang vẻ lẫm liệt, hào hùng. Họ là những con người luôn hết mình vì dân, vì nước. Mỗi cá nhân đều ý thức tạo nên sức mạnh tập thể, hết mình cống hiến. Chính vì vậy đã tạo nên sức mạnh của thời đại, tạo nên một nhà Trần “bách chiến bách thắng” và hào khí Đông A mà sử sách mãi lưu danh.
Đối với thế hệ trẻ hôm nay, chúng ta học được ở bài thơ cách sống và cách cống hiến cho đời. Để làm được điều đó, ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, chúng ta cần học tập và không ngừng học hỏi, noi theo các tấm gương anh hùng để giúp đất nước ngày càng phát triển hơn nữa.
Theo Dethihay.com