So sánh bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng và Đồng chí của Chính Hữu để thấy được tuy có những điểm khác nhau nhưng có điểm chung là đều có tư tưởng cao đẹp cống hiến cho đất nước
Bài làm
Chiến tranh đã qua đi, những hạt bụi thời gian có thể phủ dày lên hình ảnh của những anh hùng vô danh nhưng văn học với sứ mệnh thiêng liêng của nó đã khắc tạc vĩnh viễn vào tâm hồn người đọc hình ảnh những người con anh hùng của đất nước, họ đã dùng máu và nước mắt của mình tô lên hai chữ “độc lập” của dân tộc. Cùng viết về người lính với tư tưởng cao đẹp cống hiến cho đất nước nhưng bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng và “Đồng Chí” của Chính Hữu lại mang những màu sắc riêng.
Những người lính trong hai bài thơ có hoàn cảnh xuất thân khác nhau nên dẫn đến tính cách khác nhau. Người lính Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng là những người thanh niên tri thức Hà Nội, cất bút nghiên để lại trang sách sau lưng lên đường theo tiếng gọi của Tổ Quốc. Bởi thế thẳm sâu bên trong người lính Tây Tiến là một tâm hồn lãng mạn:
- “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”
Trong hoàn cảnh chiến đấu đầy khó khăn thử thách họ nhớ tới những người con gái mà họ yêu để thi vị hóa, cân bằng hóa thực tại. Họ đắm mình vào những cảnh sắc thiên nhiên, nhìn cảnh rừng núi Tây Bắc hùng vĩ trữ tình, ngòi súng chếch cao tưởng như súng đang ngửi trời.
- “ Heo hút cồn mây, súng ngửi trời
- Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
- Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”
Những người lính trong bài thơ Đồng chí của Chính Hữu không xuất thân là những người trí thức mà họ xuất thân từ những người nông dân ở những nơi làng quê mộc mạc chất phác:
- “Quê hương anh nước mặn đồng chua
- Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá
- Tôi với anh đôi người xa lạ
- Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau”
Họ là những người nông dân từ những nơi quê nghèo, đất cày sỏi đá, nước mặn đồng chua. Họ vừa chất phát, vừa hồn hậu. Nếu ngày trước họ chỉ biết đi cày, làm lụng ruộng nương nhưng vì đất nước, vì căm thù giặc họ cũng “mặc kệ” ngôi nhà không cho gió lung lay để ra trận. Bỏ giếng nước gốc đa, bỏ tấm áo vải nâu trầm, người lính nông dân khoác lên mình màu áo xanh bộ đội, tay bỏ cày cầm súng giết giặc trả thù cho quê hương. Sự khác nhau thứ hai của những người lính trong hai bài thơ là vẻ đẹp về ngoại hình.
Người lính Tây Tiến được nhà thơ Quang Dũng vẽ lên nét đẹp ngoại hình bằng bút pháp lãng mạn:
- “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
- Quân xanh màu lá dữ oai hùm
- Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
- Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”
Không chỉ khó khăn trên chiến trường chiến đấu, những câu chuyện về bệnh tật và nơi khí hậu khắc nghiệt cũng được đưa vào trong thơ của Quang Dũng.Căn bệnh đáng sợ khiến cả binh đoàn bị rụng hết tóc được Quang Dũng khai thác hết sức chân thực của người lính Tây tiến, dù khó khăn khắc nghiệt nhưng tinh thần chiến đấu chưa bao giờ kết thúc. Hình ảnh quân xanh màu lá là những hình ảnh gầy gò ốm nhưng không hề yếu mà vẫn dữ oai hùm. Mắt trừng gợi cho ta liên tưởng đến sự căm thù giặc của những anh hùng tây tiến. Những ánh mắt hiện lên lửa hy vọng và tinh thần chiến đấu oai hùng, không một chút phó mặc cho số phận, cũng có thể đó chính là sự thức trắng không ngủ được vì lo cho biên giới hoặc mở mắt để nhớ những bóng kiều thơm kia.
Khác với người lính Tây Tiến, người lính nông dân của Chính Hữu có vẻ đẹp ngoại hình với những nét mộc mạc hồn hậu. Đó là những miếng áo rách, quần vá:
- “Áo anh rách vai
- Quần tôi có vài mảnh vá
- Miệng cười buốt giá
- Chân không giày
- Thương nhau tay nắm lấy bàn tay!”
Hình tượng người lính trong bài thơ Đồng chí của Chính Hữu được tác giả viết với bút pháp hiện thực. Người lính hiện lên với tất cả các dáng vẻ chất phác lam lũ của người nông dân mặc áo lính. Họ là người của tứ xứ, của những làng quê nghèo đói gặp nhau trong lí tưởng cứu nước. Họ hiện lên không những giản dị mà chứa chan tình yêu thương. Ngoài dẫu dẫu có rét, quần áo dẫu có nát thì càng là cái cớ cho tình đồng chí trở nên keo sơn ấm áp hơn.
Ở Tây Tiến dù không có những câu thơ thể hiện trực tiếp tình cảm đồng chí của những người lính nhưng ta vẫn thấy lấp lánh một thứ tình cảm đẹp mà những người lính dành cho nhau, một thứ tình thân keo sơn đến lạ. Nó keo sơn đến mức người lính Tây Tiến nguyện:
- “Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy
- Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi”
Còn người lính nông dân được nhà thơ Chính Hữu miêu tả tình đồng chí một cách trực tiếp. Đối với họ tình đồng chí là những người không hẹn quen nhau, đều đến từ những nơi xa lạ nhưng:
- “Súng bên súng, đầu sát bên đầu
- Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ
- Đồng chí!”
- Hay
- “Thương nhau tay nắm lấy bàn tay!
- Đêm nay rừng hoang sương muối
- Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
- Đầu súng trăng treo”
Chung nhau một cái chăn là một cặp đồng chí; áo anh rách vai, quần tôi có vài miếng vá là một cặp đồng chí; đêm nay giữa rừng hoang sương muối đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới là một cặp đồng chí. Lạ thay, súng và trăng cũng là một cặp đồng chí: Đầu súng trăng treo. Cặp đồng chí này nói về cặp đồng chí kia, nói được cái cụ thể và gợi đến vô cùng. Súng và trăng, gần và xa, Tôi với anh hai người xa lạ, Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau. Súng và trăng cứng rắn và dịu hiền. Súng và trăng, chiến sĩ và thi sĩ. Súng và trăng là biểu hiện cao cả của tình đồng chí.
Từ đây ta có thể thấy được những vẻ đẹp khác nhau của người lính thời kì kháng chiến chống Pháp qua hai bài thơ Tây Tiến và Đồng Chí. Bằng tài năng nghệ thuật của mình, Quang Dũng và Chính Hữu đã xây dựng những vẻ đẹp riêng cho những người lính của mình. Tuy nhiên, chính những nét điểm riêng ấy lại làm nên một nét đẹp chung cho người lính thời kì kháng chiến chống Pháp nói riêng và người lính Việt Nam nói chung. Dù họ có là ai, ở đâu, xuất thân như thế nào thì họ ra đi đều với mục tiêu bảo vệ đất nước, chọn hi sinh để đổi lấy hạnh phúc cho dân tộc. Họ ra đi với một lí tưởng cao đẹp:
- “ Rải rác biên cương mồ viễn xứ
- Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”
- “Đêm nay rừng hoang sương muối
- Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
- Đầu súng trăng treo”
Và vì thế Tây Tiến và Đồng Chí cũng như những tác phẩm văn học viết về người lính sẽ luôn là những tượng đài bất hủ hình ảnh người lính cụ Hồ trong lòng bạn đọc trong mỗi thế hệ công dân Việt Nam cũng như trong dòng chảy miên viễn của thời gian.