Phân tích khổ 1 bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử
Bài làm
Bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” chính là một trong những sáng tác tiêu biểu của thi sĩ Hàn Mặc Tử. Ông là nhà thơ tiêu biểu cho phong trào thơ Mới, một nhà thơ với phong cách thơ dịu dàng xen lẫn nét buồn man mác.
Bài thơ lấy cảm hứng từ bức thư của Hoàng Thị Kim Cúc gửi cho nhà thơ. Tác phẩm còn là tiếng lòng về nỗi nhớ quê hương cùng chút thương xót, tiếc nuối của mối tình dang dở. Hàn Mặc Tử tài hoa nhưng cuộc đời của ông lại gặp nhiều khó khăn, trắc trở. Ông mắc căn bệnh hiểm nghèo và bị mọi người xa lánh. Chính vì vậy ông phải sống cách li tại một nơi và chưa có dịp về thăm lại thôn Vĩ. Chính bức thư của người con gái mà nhà thơ thâm thương trộm nhớ đã gợi về thôn Vĩ Dạ trong lòng tác giả. Trong đó khổ thơ đầu dù chỉ có bốn câu thơ ngắn ngủi nhưng cũng khiến cho người đọc xao xuyến và cảm nhận sâu sắc về sức truyền tải của bài thơ cũng như tình cảm của tác giả:
“Sao anh không về thăm thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền”
Mở đầu bài thơ chính là một câu hỏi tu từ. Câu hỏi mà tác giả đưa ra giống như sự trích dẫn từ câu nói của bà Kim Cúc khi viết thư cho ông. Nó giống như sự trách móc, giận hờn nhẹ nhàng của bà trước sự ra đi của Mặc Tử. Đã bao lâu rồi anh không quay lại thôn Vĩ, không trở lại thăm xứ Huế mộng mơ, nơi mà hai người đã có rất nhiều những kỉ niệm của hai người. Câu thơ mang theo cảm giác bâng khuâng, xao xuyến cho người đọc. Nó vừa là sự trách móc, lại vừa giống như sự mời gọi quay trở lại chốn cũ. Đồng thời câu thơ còn mang theo sự tiếc nối, nhớ nhung da diết của nhà thơ. Hàn Mặc Tử nay xa quê nhưng chưa một lần trở về, nỗi nhớ như đang thúc giục. Câu hỏi giống như người khác hỏi nhưng cũng chính là lời tự vấn chính mình của tác giả.
Như chúng ta biết thì thôn Vĩ là một vùng thôn quê bình yên, thơ mộng. Là chốn nên thơ của xứ Huế và được hiển diện một phần nào đó qua hai câu thơ tiếp theo:
“Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc”
Hàng cau vốn là một hình ảnh đặc trưng quen thuộc của thôn Vĩ, của xứ Huế và còn của cả đất nước Việt Nam. Hàng cau mọc thẳng, vút lên cao vượt trội hơn so với nhiều loài cây khác trong vườn. Nó giống như dang chào đón những người tới thăm nơi đây từ xa vậy. Đi kèm và làm nổi bật lên khung cảnh thôn Vĩ chính là màu nắng. Hình ảnh nắng mới lên như làm bừng sáng cả bức tranh. Đó không phải là ánh nắng gay gắt của trưa hè mà là cái nắng ban mai vẫn còn trong trẻo, tinh khôi. Chỉ với một câu thơ nhưng đã cho người đọc sự hình dung về bức tranh thiên nhiên vừa gần gũi, vừa đẹp đẽ lại rạng ngời trong buổi sớm mai hồng của thôn Vĩ.
Đến câu thơ thứ ba, nhà thơ Hàn Mặc Tử đã phác họa bức tranh vùng thôn quê Vĩ Dạ với vẻ đẹp được mở rộng chứ không chỉ có hàng cau cao nữa:
“Vườn ai mướt quá xanh như ngọc”
Giống như một sự gieo vui đầy ngạc nhiên và ngỡ ngàng của tác giả khi thấy sức sống căng tràn của khu vườn. Tác giả đã sử dụng từ ngữ rất đắc địa “mướt quá”, “xanh như ngọc” để khắc họa vẻ đẹp của khu vườn. Một khu vườn tràn đầy sức sống, một bức tranh đẹp đẽ, nên thơ. Câu thơ khép lại khổ thơ đầu chính là sự xuất hiện của con người giữa thiên nhiên tươi đẹp ấy:
“Lá trúc che ngang mặt chữ điền”
Chúng ta đã bắt gặp hàng cau với ánh nắng sớm mai, màu xanh ngọc bích của cả khu vườn và đến câu thơ này ta lại bắt gặp một hình ảnh về một loài câu quen thuộc đó chính là lá trúc. Lá trúc là một loại lá nhỏ nhắn gợi lên sự mảnh mai, thanh tú. Trong khi đó “mặt chữ điền” là một khuôn mặt vuông vắn, phúc hậu. Vẻ đẹp của thiên nhiên gắn liền và làm nền cho vẻ đẹp của con người. Đó là vẻ đẹp kín đáo, dịu dàng của người thôn Vĩ.
Chỉ với một vài nét chấm phá ở khổ thơ thứ nhất thì nhà thơ Hàn Mặc Tử đã vẽ nên bức tranh thiên nhiên rất tươi đẹp của xứ Huế. Qua đó tác giả không chỉ ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên và con người xứ Huế mà còn bày tỏ tình cảm của mình với nơi đây.