Lấy nhan đề “Tình đời trong chiếc lá”, viết bài văn cảm nghĩ về “Chiếc lá cuối cùng”
Bài làm
Tình đời trong chiếc lá…
“Chiếc lá cuối cùng” là một truyện ngắn nổi tiếng của nhà văn người Mỹ O. Henry được xuất bản lần đầu vào năm 1907 trong tập truyện “The Trimmed Lamp and Other Stories”. Truyện ngắn đã được đưa vào sách giáo khoa của Việt Nam để giới thiệu với học sinh. Câu chuyện kể về hai nữ hoạ sĩ nghèo Xiu và Giôn-xi sống trong căn gác nhỏ bé phía dưới là phòng của cụ Bơ-men một người hoạ sĩ đã già. Giôn-xi gặp vấn đề về sức khoẻ, cô bị sưng phổi nặng. Nằm trên giường bệnh đầy mệt mỏi, chán chường vô vọng cô đếm từng ngày sống sót của mình. Cô tự nhắn nhủ với mình rằng khi nào chiếc lá thường xuân cuối cùng rụng xuống thì cô sẽ xa rời cuộc sống này mãi mãi. Và trong đêm bão tuyết gầm rú đó ai cũng nghĩ chiếc lá thường xuân mỏng manh kia sẽ rơi. Nhưng nào ngờ đâu chiếc lá đó vẫn ở đó tồn tại và đem lại sức sống cho Gion-xi. Tưởng như đó là phép màu của tạo hoá nhưng đó là bức vẽ mà cụ Bơ-men để lại trong đêm tuyết đó trước khi vào viện. Cụ đã hi sinh sự sống của mình để cứu tâm trí như rơi vào vực thẳm của con người trẻ tuổi kia. Và đúng như cụ nghĩ; Giôn-xi đã lấy lại chính bản thân mình để hy vọng về những tác phẩm mới sẽ ra đời. Chiếc lá đó sẽ mãi ở đó như lời nhắn nhủ của chính người hoạ sĩ đã vẽ lên kiệt tác đó.
Tác phẩm “Chiếc lá cuối cùng” quả thực là một câu chuyện hấp dẫn trong nghệ thuật thể hiện. Tác giả đã khéo léo thể hiện điều đó qua cách tạo dựng tình huống truyện độc đáo đem đến cho người đọc những bất ngờ (hai lần đảo ngược tình thế). Đó là khi Giôn-xi ốm nặng tưởng sẽ không qua khỏi nhưng cuối cùng lại bình phục. Còn cụ Bơ-men đang khoẻ mạnh, bình thường lại nhiễm bệnh sưng phổi và qua đời trong âm thầm, lặng lẽ. Đó còn là cách xây dựng nhân vật độc đáo, ấn tượng thông qua các yếu tố miêu tả cử chỉ, hành động, lời nói của nhân vật ấy. Đặc biệt, truyện còn để lại trong lòng người đọc bao thấm thía sâu sắc từ hình tượng chiếc lá cuối cùng. Chiếc lá ấy đã trở thành bức thông điệp về tình người và biết bao bài học khác. Như vậy, rõ ràng, “Chiếc lá cuối cùng” là một truyện ngắn hấp dẫn thực sự và có sức sống trong tâm hồn bạn đọc.
Chiếc lá dù vốn tưởng chẳng có gì nhưng lại là chìa khoá, là câu cầu nối ý tưởng, là bụi vàng của tác phẩm, là biểu tượng của tình thương, đức hy sinh cao cả… Chiếc lá ấy là tác phẩm hội họa, là kiệt tác của cụ Bơ-men trong đêm mưa rét. Tuổi cao sức yếu mà lại dám đương đầu với thiên nhiên khắc nghiệt. Trong một phút xuất thần, bằng tình yêu thương vô bờ đối với Giôn-xi, bằng sự quyết tâm mãnh liệt để cứu sống một cô gái, cụ Bơ-men đã vẽ thành công tác phẩm, thỏa nguyện những ước mơ ám ảnh cả một đời. Cái chết của cụ đến một cách bất ngờ và gây đau thương cho cả hai cô hoạ sĩ trẻ. Chính tình yêu thương của cụ đã mang lại sức sống, hồi sinh cho Giôn-xi.
Câu chuyện lồng trong ý nghĩa của tình đời còn mang lại bài học về ý chí và nghị lực của con người, của Xiu, Giôn-xi, cụ Bơ-men. Chị Xiu lúc nào cũng kiên nhẫn chăm soc Giôn-xi từng tí một mà không hề bỏ cuộc. Còn Giôn-xi cũng là một nữ hoạ sĩ có ý chí và nghị lực ở chỗ ban đầu cô hoàn toàn tuyệt vọng chỉ biết đặt cược số phận cho chiếc lá mỏng manh nhưng nhờ có bạn bè, tình thương mà nghị lực sống trong cô đã cứu mạng chính bản thân cô.