Làm sáng tỏ ý kiến: Bình Ngô đại cáo là tác phẩm thể hiện tinh thần yêu nước sâu sắc
Hướng dẫn
Đề bài: Có ý kiến cho rằng Bình Ngô đại cáo là tác phẩm thể hiện tinh thần yêu nước sâu sắc, bằng những dẫn chứng cụ thể, anh chị hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.
I. Dàn ý chi tiết
1. Mở bài
Khẳng định ý kiến “Bình Ngô đại cáo là tác phẩm thể hiện tinh thần yêu nước sâu sắc”: bài cáo còn thể hiện tinh thần yêu nước sâu sắc của tác giả nói riêng và của toàn thể nhân dân ta nói chung
2. Thân bài
- Tinh thần yêu nước thể hiện qua tư tưởng nhân nghĩa: yêu nước thương dân trước hết phải trừ bạo, muốn cho dân có một cuộc sống ấm no
- Tinh thần yêu nước sâu sắc được bộc lộ qua việc vạch trần âm mưu và tội ác của giặc minh: Cuộc sống của nhân dân ta khi bị giặc Minh đô hộ là một cuộc sống thực sự thảm khốc
3. Kết bài
Kết luận: Như vậy, qua bài “Đại cáo bình Ngô” này, chúng ta đã thấy được đây là một tác phẩm thể hiện tinh thần yêu nước sâu sắc của nhân dân.
II. Bài tham khảo
Bản “thiên cổ hùng văn” – Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi được coi như một “bản tuyên ngôn độc lập thứ hai” của dân tộc Việt Nam. Bên cạnh giá trị về tư tưởng nhân nghĩa và tinh thần nhân đạo, bài cáo còn thể hiện tinh thần yêu nước sâu sắc của tác giả nói riêng và của toàn thể nhân dân ta nói chung.
Trước hết trong tinh thần yêu nước, tác giả không quên nhắc tới tư tưởng nhân nghĩa của nhân dân ta:
“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”.
Theo ông, yêu nước thương dân trước hết phải trừ bạo, muốn cho dân có một cuộc sống ấm no, yên ổn và hạnh phúc thì phải tiêu diệt kẻ thù của nhân dân, diệt trừ những kẻ hung bạo đày đọa và làm khổ nhân dân. Đất nước có được độc lập và yên bình thì cuộc sống của nhân dân mới mong ấm no, hạnh phúc. Quân giặc giày xéo lên đất nước, không gì khác chính là giày xéo lên người dân, đày đọa và cướp đi cuộc sống của nhân dân.
Lo cho nước nhà ắt phải lo cho dân, yêu nước tức là yêu dân, thương nước cũng là thương dân, nước với dân phải là một. Trị vì đất nước phải lấy dân làm đầu, tất cả vì dân nhân. Một đất nước phải có dân, và dân phải có đất nước. Trong bài cáo này, tác giả Nguyễn Trãi đã nêu lên tư tưởng nhân nghĩa không chỉ là một phạm trù đạo đức nữa mà trở thành một chân lí, hay một đường lối chính trị lấy dân làm gốc. Tư tưởng nhân nghĩa và yêu nước phải gắn liền với đấu tranh xâm lược:
“Như nước Đại Việt ta từ trước…
Song hào kiệt đời nào cũng có”.
Đoạn thơ xuất phát từ chính tấm lòng yêu nước mà khẳng định đất nước Đại Việt là một đất nước có bờ cõi, cương vực và ranh giới rõ ràng. Tồn tại song song với các triều đại của phương Bắc từ lâu đời, so sánh bốn triều đại lớn của nước ta với bốn triểu đại của Trung Quốc, không hề thua kém phần nào. Hơn nữa nước ta có truyền thống bản sắc văn hóa lâu đời hàng ngàn năm, nó là những điểm riêng biệt và không thể nhầm lẫn hay gộp vào bất cứ văn hóa nào. Dù thời thế có thay đổi nhưng hào kiệt anh hùng đời nào cũng có, đó là một điều khẳng định nước ta là một quốc gia có chủ quyền độc lập, tự do.
Bài cáo này đã có phần mới mẻ và chi tiết hơn, hay hơn so với “Nam Quốc Sơn Hà” của Lý Thường Kiệt, tác giả Nguyễn Trãi đã hoàn chỉnh và chi tiết hơn khái niệm về quốc gia, dân tộc. Không chỉ dừng lại ở ranh giới và tinh thần tự tôn dân tộc để cấu thành một quốc gia độc lập, Nguyễn Trãi còn nêu thêm các nhân tố cấu thành là: nền văn hiến, lịch sử, phong tục tập quán và nhân tài. Nguyễn Trãi nhắc đến bờ cõi, ranh giới lãnh thổ của đất nước không viện theo quy định của trời mà lại nói đến những truyền thống văn hiến ngàn đời, tức là khẳng định nền văn hóa của những con người đã sống trên bờ cõi đó. Một khía cạnh khác để chứng minh rằng bài cáo này đã thể hiện sâu sắc tinh thần yêu nước của dân ta, đó chính là đoạn văn vạch trần âm mưu và tội ác của giặc Minh đối với nhân dân ta.
“Nhân họ Hồ chính sự phiền hà…
Bọn gian tà bán nước cầu vinh”
Câu thơ đã vạch trần âm mưu của quân Minh, chúng chỉ lấy cớ nhà Hồ xâm lược nước ta để đưa ra luận điệu xảo trá “phù Trần diệt Hồ” của chúng. Chúng chỉ nhăm nhe thôn tính nước ta, đồng hóa và biến nước ta thành của chúng, không chỉ tuyên truyền và xuyên tạc những sự thật phi lí, sai trái vào nhân dân mà chúng còn bóc lột và giày xéo nhân dân:
“Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn
Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ”.
Cuộc sống của nhân dân ta khi bị giặc Minh đô hộ là một cuộc sống thực sự thảm khốc, chỗ nào da thịt của nhân dân cũng rớm máu, khắp trời đâu cũng vang tiếng oán than, căm phẫn. Chúng không chỉ vơ vét hết tài sản quý báu mà còn vắt cạn kiệt sức người, bằng việc thu thuế, phu phen và dâng nạp cống vật tìm ở trong rừng, mò ở dưới biển. Hơn thế chúng còn ra tay hủy hoại môi trường sống của người dân. Cái chết của người dân đang chờ họ trong chính con sông và cánh rừng của quê hương, đất nước. Tác giả đã dùng đến những cái vô cùng như trúc của Nam Sơn, nước của Đông Hải để nói đến cái vô cùng của tội ác man sợ của giặc Minh.
Như vậy, qua bài “Đại cáo bình Ngô” này, chúng ta đã thấy được đây là một tác phẩm thể hiện tinh thần yêu nước sâu sắc của nhân dân ta trên nhiều khía cạnh. Đồng thời cũng nhắc nhở chúng ta về luôn gìn giữ và phát huy tinh thần yêu nước đó, bảo vệ và củng cố đất nước thêm giàu mạnh và phồn vinh.
Theo Vanmautuyenchon.com