Hướng dẫn Viết bài làm văn số 7: Văn nghị luận – Ngữ văn 10
Hướng dẫn
VIẾT BÀI LÀM VĂN SỐ 7: VĂN NGHỊ LUẬN
I- ĐỀ VĂN THAM KHẢO
Đề 1: Dân tộc ta có truyền thống “Tôn sư trọng đạo”. Theo anh (chị), truyền thống ấy được nối tiếp như thế nào trong thực tế cuộc sống hiện nay?
Đề 2: Có ý kiến cho rằng: Những thói xấu ban đầu là người khách qua đường, sau trở nên người bạn thân ở chung nhà và kết cục biến thành ông chủ nhà khó tính.
Anh (chị) thấy ý kiến này như thế nào?
Đề 3: Hưởng ứng đợt thi đua Xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp do Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phát động, chi đoàn lớp 10A tổ chức hội thảo với chủ đề: Hãy vì một mái trường xanh, sạch, đẹp.
Anh (chị) hãy viết bài tham gia hội thảo đó.
Đề 4: Học bài thơ Thuật hoài của Phạm Ngũ Lão, có bạn cho rằng: Sự hổ thẹn của tác giả là thái quá, kiêu kì. Ngược lại, có bạn lại ngợi ca và cho rằng đó là biểu hiện một hoài bão lớn của người thanh niên yêu nước.
Hãy cho biết ý kiến của anh (chị).
II-HƯỚNG DẪN
1.Tìm hiểu đề
-Đề bài yêu cầu tạo lập kiểu văn bản nào? (Nghị luận).
-Tương ứng với kiểu văn bản ấy, sử dụng phương thức biểu đạt nào là chủ yếu?
-Đối tượng biểu đạt là gì? Nội dung cần biểu đạt ra sao?
-Để thực hiện yêu cầu của đề bài, cần chuẩn bị những tri thức và kĩ năng gì?
2.Lập dàn ý
a.Mở bài:
Mở bài theo kiểu trực tiếp hay gián tiếp? Xác định những nội dung cần biểu đạt trong phần mở bài tuỳ theo từng cách. Giới thiệu về đề tài, chủ đề của bài văn. Giới thiệu khái quát về đối tượng nghị luận.
b.Thân bài:
Triển khai nội dung cần biểu đạt (nêu luận điểm và lần lượt trình bày ý kiến về các luận điểm đó).
c.Kết bài:
Đưa ra nhận định, đánh giá tổng quát về đối tượng nghị luận.
3.Gợi ý cho từng đề bài
Các đề bài ở bài viết số 7 này đưa ra yêu cầu tạo lập văn bản nghị luận. Trong bài viết của mình, các em có thể sử dụng nhiều phương thức biểu đạt khác nhau nhưng chủ yếu vẫn là phương thức nghị luận. Với mỗi đề bài có thể trình bày các ý sau:
a.Đề 1:
-Giải thích ý nghĩa của câu nói “Tôn sư trọng đạo”
+ Thế nào là “Tôn sư”
+ Đạo có nghĩa là gì?
+ Thế nào là “Tôn sư trọng đạo”?
-Chứng minh “Tôn sư trọng đạo” là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta (Cách ứng xử của học trò ngày xưa như thế nào? Ngày nay truyền thống ấy vẫn được phát huy ra sao?).
-Trình bày ý kiến của mình về câu nói:
+ Truyền thống được nêu ra trong câu nói là tốt đẹp, cần được lưu giữ và phát huy.
+ Song trong thời đại mới, việc “Tôn sư trọng đạo” cần phải được xây dựng trên cơ sở tôn trọng và dân chủ. Tôn sư trọng đạo không phải chỉ là một việc làm mang ý nghĩa hình thức. Nó phải xuất phát từ sự tôn kính thực sự của mỗi cá nhân.
-Khẳng định ý nghĩa tốt đẹp của câu nói, đặc biệt là trong cuộc sống hôm nay.
b.Đề 2:
-Giải thích ý nghĩa của ý kiến đã cho.
+ Ba sự so sánh: thói xấu với khách qua đường, thói xấu với người bạn thân và thói xấu với ông chủ nhà khó tính, khác nhau như thế nào về ý nghĩa?
+ Ý nghĩa chung của cả câu nói là gì? (những thói xấu nếu không được sửa chữa kịp thời sẽ trở thành những thói quen rất khó thay đổi).
+ Các thói hư tật xấu đã trở thành những thói quen như thế nào? (lặp lại nhiều lần mà ta không có ý thức sửa chữa, uốn nắn)
-Chứng minh bằng các dẫn chứng mà mình đã gặp trong cuộc sống (miêu tả lại quá trình những thói hư tật xấu trở thành thói quen: thói quen ngủ dậy muộn, các thói quen không tốt trong giao tiếp, trong học tập,…),
-Nêu ra cách giải quyết.
-Khẳng định tính đúng đắn của ý kiến đã nêu ra ở đề bài.
c.Đề 3:
-Khẩu hiệu: Hãy vì một mái trường xanh, sạch, đẹp có ý nghĩa gì?
-Tại sao lại phải đưa ra khẩu hiệu đó? (Vì hiện nay, không chỉ trong nhà trường mà trên phạm vi toàn thế giới, con người đã và đang phải đối diện với hàng loạt những vấn đề bức xúc của môi trường)
-Môi trường (nơi mà chúng ta đang học tập) hiện nay ra sao? (Đã đạt tiêu chuẩn xanh, sạch, đẹp hay chưa? Còn tồn tại những vấn đề gì? Nguyên nhân là do đâu?,…)
-Làm thế nào để ngôi trường của chúng ta ngày càng xanh, sạch, đẹp? (nêu những giải pháp trước mắt và lâu dài).
d.Đề 4:
-Khái quát lại nội dung của bài thơ.
-Do đâu mà có hai quan điểm nêu trên? (bắt nguồn từ “nỗi thẹn” của nhà thơ)
-Sự khác nhau cơ bản giữa hai quan điểm nêu trên là gì? (Cùng đánh giá theo hướng tuyệt đối hoá một mặt của vấn đề)
-Ý kiến của bản thân:
+ Cần phải thấy rằng cách nói của tác giả trong bài thơ là một cách biểu hiện nghệ thuật quen thuộc của thời trung đại, không bao gồm hàm ý “đao to búa lớn”.
+ Hơn nữa, bài thơ ra đời đúng vào cái thời mà “Hào khí Đông A” đang sục sôi hừng hực, mỗi người đều mong góp hết sức mình cho đất nước, non sông. Vì thế có thể coi “nỗi thẹn” của tác giả trong bài thơ là nỗi thẹn đầy trách nhiệm của kẻ trượng phu một lòng vì nước.
XEM THÊM HƯỚNG DẪN PHÂN TÍCH CÁC THAO TÁC NGHỊ LUẬN – NGỮ VĂN 10 TẠI ĐÂY
Theo Baivanhay.com