Home / Văn mẫu THCS / Văn mẫu lớp 9 / Cảm nhận vẻ đẹp người lính Tây Tiến trong khổ thơ 3

Cảm nhận vẻ đẹp người lính Tây Tiến trong khổ thơ 3

Cảm nhận vẻ đẹp người lính Tây Tiến trong khổ thơ 3

Bài làm

Quang Dũng là một nghệ sĩ đa tài với tài làm thơ, viết văn, vẽ tranh, soạn nhạc.Với một hồn thơ phóng khoáng, hào hoa và lãng mạn. Ông được mệnh danh là nhà thơ của xứ Đoài. Bằng tài năng thơ ca của mình Quang Dũng đã đóng góp rất lớn vào việc diễn tả lại những khó khăn vất vả của những người lính đồng thời khích lệ tinh thần người lính trong thời kì kháng chiến chống Pháp. Bài thơ ” Tây Tiến “được ông sáng tác năm 1948, khi ông rời xa đơn vị cũ, tại Phù Lưu Chanh. Hiện lên trong cả bài thơ là hình ảnh những người lính Tây Tiến với những khó khăn gian khổ mà họ phải trải qua nhưng vượt lên trên tất cả vẫn là sự lạc quan yêu đời , đoạn thơ thứ 3 của bài đã làm nổi bật điều đó:

  • “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
  • Quân xanh màu lá dữ oai hùm
  • Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
  • Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
  • Rải rác biên cương mồ viễn xứ
  • Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
  • Áo bào thay chiếu anh về đất
  • Sông Mã gầm lên khúc độc hành!”

Tây Tiến là một đơn vị thành lập năm 1947, với nhiệm vụ là kết hợp với quân đội Lào để bảo vệ biên giới Việt – Lào, chống lại quân đội Pháp. Thành phần là những thanh niên, học sinh, trí thức Hà Thành với tâm hồn hào hoa, lãng mạn. Địa bàn đóng quân và hoạt động rộng Sơn La, Lai Châu, Hoà Bình, Miền Tây Thanh Hoá và cả Sầm Nứa của Lào. Quang Dũng là đại đội trưởng của đơn vị Tây Tiến. Trên cái nền hùng vĩ, dữ dội mà thơ mộng của núi rừng. Quang Dũng đã xây dựng nên hình ảnh những người lính Tây Tiến với vẻ đẹp vừa oai phong lẫm liệt lại vừa hào hoa lãng mạn. Mở đầu đoạn thơ là một hình ảnh rất độc đáo:

  • “ Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
  • Quân xanh màu lá dữ oai hùm”
Xem thêm:  Đóng vai Vũ Nương kể lại cuộc đời mình

Nếu như ở những khổ thơ đầu hình ảnh người lính hiện lên với nét vẽ gián tiếp nói đến gian khổ thì ở đây điều đó lại được hiện lên với những nét vẽ cụ thể đến trần trụi. Vừa bi tráng lại vừa bi thương, cái bi thương thể hiện qua vẻ ngoài ốm yếu, nước da xanh xao. Những người lính họ phải hoạt động và chiến đấu ở những vùng nước độc, rửa chân thì rụng long, gội đầu thì rụng tóc, chết trận thì ít mà bệnh tật thì nhiều. Hình ảnh đoàn binh “không mọc tóc “ở đây có thể hiểu là những người lính tự cạo trọc đầu để tiện sinh hoạt hằng ngày. Nhưng nguyên nhân chính vẫn là do hậu quả của những cơn sốt rét rừng hành hạ, họ phải sống trong điều kiện thiếu thốn về vật chất, lương thực. Chúng ta cũng có thể bắt gặp hình ảnh này trong rất nhiều bài thơ trong thơ ca kháng chiến chống Pháp hay như trong bài thơ “Đồng chí ” của Chính Hữu:

  • “Tôi với anh biết từng cơn ớn lạnh
  • Sốt run người vầng trán đẫm mồ hôi “

Hình ảnh ” quân xanh màu lá ” là một hình ảnh tả thực những người lính với những thiếu thốn về lương thực, vật chất họ gầy yếu da xanh xao như màu lá. Bên cạnh hình ảnh bi thương là vẻ đẹp hào hùng bên trong họ. Điều đó đã được thể hiện rõ qua thân hình ốm yếu với tâm hồn của họ. Tất cả làm lên khí chất, tâm thế của người lính ” giữ oai hùm”. Toát lên khí chất anh hùng, trong hoàn cảnh thiếu thốn đủ thứ như thế họ vẫn lạc quan yêu đời. Ẩn sau khí phách oai phong lẫm liệt đó là một tâm hồn hào hoa lãng mạn:

  • “Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
  • Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”

” Mắt trừng ” là đôi mắt mở to nhìn kẻ thù thề sống chết với kẻ thù. ” Gửi mộng qua biên giới” là mộng giết giặc lập công. ” Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm ” là nhớ về Hà Thành nơi có những người thân yêu nhất của các anh, nhớ về những người đẹp chốn Đô thành. Đó như tiếp thêm động lực để các anh cầm chắc tay súng chiến đấu chống lại kẻ thù bảo vệ Tổ quốc. Những người lính đấy họ là những thanh niên, trí thức học sinh họ lên đường bằng khát vọng tuổi trẻ. Trên con đường chiến đấu khó khăn đó, có rất nhiều những sự hi sinh mất mát:

  • “Rải rác biên cương mồ viễn xứ
  • Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”

Quang Dũng đã không hề né tránh hiện thực, nhưng cái hiện thực ấy đã được nâng lên bằng đôi cánh lãng mạn. Sử dụng hàng loạt những từ ngữ Hán- Việt ” biên cương “, ” viễn xứ” những từ ngữ đó gợi lên sự cổ kính trang trọng. Trong cuộc chiến đấu gian khổ đó có rất nhiều người lính phải bỏ mạng nơi chiến trường khốc liệt, những nấm mồ của họ nằm ” rải rác” nơi biên cương lạnh lẽo. Nhưng trên hết tất cả ” chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh ” cho dù biết trước sự hi sinh là không thể tránh khỏi, hay việc chứng kiến những sự ra đi của đồng đội những người lính vẫn quyết tâm ” đi chẳng tiếc đời xanh “. Tuổi trẻ ai chả cần cho mình khát vọng tình yêu thanh xuân mơ mộng nhưng chết cho Tổ quốc chính là chết cho lý tưởng thiêng liêng. Cũng chính lí tưởng thiêng liêng ấy mà khi hi sinh họ cũng thật cao đẹp:

  • “Áo bào thay chiếu anh về đất
  • Sông Mã gầm lên khúc độc hành”
Xem thêm:  Bình luận chứng minh câu nói Bàn tay ta làm nên tất cả Có sức người sỏi đá cũng thành cơm

Thực chất những người lính Tây Tiến hi sinh họ chỉ có một manh chiếu để che thân nhưng bằng ngòi bút tài hoa của mình, bằng nghệ thuật nói giảm nói tránh, Quang Dũng đã khoác lên cho họ chiếc áo bào, đồng thời điều đó thể hiện sự trang trọng, và vô cùng hào hùng. Các anh về với đất mẹ, đất mẹ chở che cho các anh, ôm các anh vào lòng như những đứa con của mình. Các anh hoá thân mình vào quê hương xứ sở, làm nên dáng vóc của Tổ quốc. ” Sông Mã gầm lên khúc độc hành ” tiếng ” gầm ” của dòng sông Mã tiễn các anh vào cõi bất tử. Tiếng gầm ấy hoà cùng muôn vàn âm thanh của sông núi tạo nên khúc nhạc bi tráng, tiễn các anh về cõi vĩnh hằng.
Với việc sử dụng các từ ngữ Hán – Việt kết hợp với nghệ thuật đối lập, nói giảm nói tránh, đã gợi lên sự nghiêm trang, trang trọng về sự hi sinh của những người lính Tây Tiến. Đồng thời cho ta thấy được sự oai phong và tâm hồn lãng mạn của họ.
Khép lại đoạn thơ nhưng lại mở ra trong lòng người đọc biết bao cảm xúc. Qua đoạn thơ ta thấy được những sự khó khăn của những người lính gặp phải nhưng trên hết họ vẫn luôn lạc quan, lãng mạn. Quang Dũng không chỉ thể hiện thành công nỗi nhớ mà còn rất thành công trong nghệ thuật xây dựng cảm hứng lãng mạn của mình. Qua đó đã khơi gợi lên tình yêu đất nước thầm kín trong mỗi người con đất Việt.

Check Also

7142 1494911290049 1014 310x165 - Phân tích đoạn thơ Thúy Kiều báo ân báo oán trích Truyện Kiều của Nguyễn Du

Phân tích đoạn thơ Thúy Kiều báo ân báo oán trích Truyện Kiều của Nguyễn Du

Đề bài: Phân tích đoạn thơ Thúy Kiều báo ân báo oán trích Truyện Kiều …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *