Bài văn kể về kỉ niệm về người thầy (cô) hay nhất
Hướng dẫn
Kể về một kỉ niệm đáng nhớ giữa mình và thầy (cô) giáo cũ.
Bài làm
Ngày ấy, có được cây viết máy Hero của Trung Quốc là niềm mơ ước lớn lao của bất cứ đứa học trò nào. Cả khối lớp bảy trường tôi chỉ có khoảng năm đứa con nhà khá giả là có được diễm phúc ấy. Thế mà vào ngày sinh nhật của tôi, tôi lại được ba mẹ tặng cho một cái. Khỏi phải nói niềm sung sướng và kiêu hãnh của tôi khi mang cây viết đến lớp.
Khoảng một tuần sau – tôi còn nhớ hôm ấy là thứ bảy – ra chơi vào tôi rụng rời cả tay chân: cây viết của tôi đã không cánh mà bay. Cả lớp lập tức xôn xao, đứa bò xuống gầm bàn, ngăn cặp, đứa rũ tung sách vở của tôi xem cây viết có lẫn vào không. Tôi cũng máy móc làm theo mấy bạn, mặcdù nhớ chắc chắn rằng trước khi ra khỏi lớp mình đã cất cây viết vào hộp. Đúng lúc đó thì cô Hoa bước vào lớp.
Sau khi nghe các tổ báo cáo tình hình xong, cô Hoa bảo tôi đứng lên kể chi tiết về sự việc cho cô nghe. Tôi hăm hở kể tất cả: nào là cây viết hiệu gì, màu gì, ai cho, thường hay để đâu, mất vào lúc nào…
Thằng Kiệt nhanh nhảu:
– Cô cho xét cặp hết lớp mình là ra liền đi cô!
Cô Hoa hình như không nghe thấy lời nó:
– Ra chơi hôm nay có ai ở lại canh lớp?
– Dạ Thảo và Mai ạ.
Mai đứng lên:
– Thưa cô, em định ở lại canh lớp với Thảo cho vui, nhưng Thảo nói em cứ ra ngoài sân chơi đi, để mình Thảo ở lại canh lớp được rồi.
Lập tức trong lớp nổi lên tiếng nhao nhao:
– Xét cặp Hồng Thảo đi cô… Xét cặp Hồng Thảo đi cô…
Xung quanh tôi, đám bạn dang dồn mắt về phía Hồng Thảo, chỉ chờ cô ra lệnh là sẽ lục tung chiếc cặp kia ngay lập tức mà cô Hoa thì vốn nổi tiếng là cô giáo nghiêm khắc nhất trường.
Mặt Hồng Thảo hết đỏ bừng lên rồi lại tái mét đi. Nó run rẩy lắp bắp:
– Em không lấy đâu cô… Không phải em…
– Thôi, các em, hết giờ rồi, sau tiết này cô còn bận họp giáo vụ. Thứ hai cô sẽ giải quyết tiếp – Cô Hoa đột ngột lên tiếng rồi bước ra cửa, nhanh đến nỗi cả lớp ngơ ngác không kịp đứng dậy chào.
Sáng thứ hai, sau giờ chào cờ, bao giờ nhà trường cũng dành khoảng mười lăm phút cho cô giáo chủ nhiệm dặn dò lớp. Cô Hoa bước vào, gật đầu ra hiệu cho chúng tôi ngồi xuống:
– Lớp mình tuần qua hạnh kiểm và học lực đều tốt, cô không cần nhắc nhở gì thêm. Còn về chuyện cây viết của Nga…
Cả lớp chăm chú nhìn cô. Tôi liếc sang Hồng Thảo, taynó run run bám chặt lấy mép bàn.
– Hôm thứ bảy cô họp xong thì bác lao công có đưa cho cô một cây viết, bảo rằng bác nhặt được khi quét lớp mình. Có phải cây viết của em đây không?
Tôi nhìn vào tay cô. Nắp vàng… thân xanh… chữ Hero lấp lánh… đúng là cây viết của tôi rồi. Tôi sung sướng nói:
– Thưa cô, đúng rồi. Em cảm ơn cô.
– Em về chỗ đi. Lần sau nhớ giữ gìn dụng cụ học tập cẩn thận.
Cô đi rồi, tôi còn nghe trong lớp bàn tán:
– May quá không thì mất rồi.
Tội nghiệp vậy mà cứ nghi cho Hồng Thảo.
Hôm ấy ra về lớp tôi lại ríu rít bên nhau, đám con gái cứ luôn miệng trò chuyện với Hồng Thảo như để bù sự lạnh nhạt hôm trước. Bất giác tôi thấy lòng mình vui vui và nhẹ nhõm kì lạ.
Nhưng có một điều mà tôi biết, mà cả Hồng Thảo cũng biết là cây viết mà cô Hoa đưa cho tôi hôm ấy chỉ giông hệt, chứ không phải là cây viết của tôi. Ngay từ khi viết dòng chữ đầu tiên, tôi đã nhận ra điều đó.
Sau năm học lớp bảy, tôi theo gia đình chuyển đi nơi khác. Bao nhiêu năm xa cách, không ngờ tôi và Hồng Thảo lại có cơ hội ngồi bên nhau. Nhắc lại chuyện xưa, Hồng Thảo mỉm cười:
– Thế mà cho đến nay mình vẫn chưa nói được lời cảm ơn cô về chuyện ấy. Nga có thể tưởng tượng được không, mình đã định nghỉ học vì xấu hổ bởi hành động dại dột ấy.
– Còn mình, mình cũng biết ơn cô đã dạy cho mình một cách ứng xử trong cuộc sống.
Ôi, sao mà chưa bao giờ như lúc này, tôi nhớ cô giáo của tôi đến thế!
Kể lại kỉ niệm với một người thầy.
Bài tham khảo
Bước chân ta đi qua trển cát để lại dấu
Con sóng xô bờ xóa đi để lại thời gian
Người thầy đi qua đời ta để lại kí ức…
Kí ức khó mà phôi pha dù năm năm, mười năm, hai mươi năm hay nhiều hơn nữa. Kí ức vẫn còn hiện hữu trong ta, có thể buồn, có thể vui, có thể đậm nét hay có thể mong manh nhòa nhạt nhưng chưa bao giờ biến mất.
Có ai đó đã nói rằng lũ học trò qua sông sẽ quên người lái đò. Có lẽ chỉ một vài thôi chứ không phải là tất cả, phải không? Một mai nào đó, trong chúng ta có người lên đỉnh vinh quang, có người bình dị với phấn trắng bảng đen hay cũng có khi lại bằng lòng với lẽ thường nhật của cuộc sống, nhưng chắc chắn một điều là kí ức về người thầy luôn theo họ, dẫu thời gian có phai mờ. Bởi lẽ, những gì mà họ nhận được từ nơi người thầy là tri thức giúp họ nên người – phần quan trọng hơn cả.
Hầu như trong mỗi chúng ta ai cũng một thời trải qua khoảng ấu thơ với bạn bè, trường lớp, thầy cô. Rồi, chúng ta tự tìm cho chính mình một hình ảnh người thầy sâu sắc nhất trong miền nhớ của mình. Người thầy ấy có thể là ông là bà, là cha là mẹ hoặc có thể là một người nào đó ta kính trọng. Thế nhưng đa phần, tuổi học sinh vẫn hay dành tình cảm của mình cho hình ảnh của người thầy đầu tiên nâng tay ta tập viết, hoặc như là cô giáo chủ nhiệm ngày xưa, cô dạy Văn, thầy Toán, thầy Sử hay cô dạy Địa chẳng hạn.
Ở trong tôi lại thấp thoáng kí ức về một người thầy. Thầy là giáo viên dạy môn thể dục những năm tôi học cấp III. Có những điều tôi hay tự băn khoăn với chính mình, trong các môn học thì nếu nói ra môn thể dục chẳng phải là môn chính, nó là mônhọc tôi đã học ngay từ khi chập chững.
Tôi đã thấy xót xa cho môn thể dục vào những ngày Nhà giáo Việt Nam, chắc vì ngày đó tôi thấy thầy mình nhìn ngắm lớp lớp học sinh tặng hoa chào hỏi bộ môn chính mà chúng học hằng ngày và quên mất thầy cũng là thầy một bộ môn. Có một ngày 20-11, tôi đã nghĩ thầy buồn vì học trò vô tâm, nhưng hình như không phải vậy.
Cũng ngày hôm ấy tôi gặp lại cô bạn học chung cấp II. Cô là con gái của thầy và đến trường tôi đón thầy, tôi cũng lại thêm một lần nhìn thêm một mảnh ghép nối còn thiếu và cái nghề thầy chọn. Một bức tranh yêu nghề được hiện ra bằng sự cảm phục trong tôi.
Thầy tốt nghiệp ngành thể dục, về dạy trường chúng tôi dễ chừng cũng dưới con số 10 năm. Thầy ngày trước là một tuyển thủ về bóng chuyền, do vậy môn thể thao chính của trường tôi vẫn là bóng chuyền. Tôi không hình dung được lương giáo viên dạy thể dục khác xa với lương giáo viên dạy bộ môn ra sao. Nhưng mỗi sáng, thầy thức dậy sớm để cùng vợ chở rau, củ, quả ra chợ, xong việc thầy đến trường cùng học trò. Tôi luôn thấy thầy đến rất sớm tất bật huấn luyện cho đội tuyển bóng chuyền của trường. Khi hết tiết dạy thầy tất bật ra chợ trông hàng giúp vợ, mỗi chiều về thầy luôn giúp vợ dọn hàng và cồng cồng những vật nặng trên lưng mình. Thầy siêng năng thế nhưng cuộc sống vẫn chỉ là chật vật, thầy lăn lộn với áo cơm và nuôi dạy con. Một đôi lần tôi trộm nghĩ, số thầy sao mà khổ, đời sống thầy khó khăn thế mà cô bạn của tôi lại mắc phải căn bệnh về não. Tôi không biết cô ấy mắc bệnh từ khi nào, suốt năm cuốicấp II tôi hoàn toàn thấy cô ấy khỏe mạnh, đến lớp rồi về nhà. Hiền lành và chăm chỉ! Vậy mà chỉ sau một trận sốt, cô ấy cứ phải nằm viện luôn. Thầy tôi bắt đầu những ngày tháng cơ cực, dạy xong tiết thể dục nào là thầy tranh thủ dọn hàng giúp vợ, rồi tất tả chạy đến bệnh viện chăm sóc con. Suốt ba năm học cấp III, tôi đã chứng kiến thầy gồng mình gánh cuộc sống trên lưng, cố hết sức để chữa bệnh cho con và kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Tôi từng hoài nghi về sức chịu đựng của con người, vì tôi nhìn thấy chính mình rằng tôi rất kém trong việc chịu đau đớn hoặc giả như trước một tai ương nào đó đầu óc non nớt của tôi luôn tính đường tháo lui. Nhưng thầy tôi lại chứng minh rành rọt rằng thầy chẳng bao giờ buông tay để cứu đứa con gái, để cứu gia đình dù rằng đôi khi thầy mỏi mệt. Thầy đã chọn không bao giờ bỏ cuộc trước những người mà thầy yêu thương.
Mà cuộc sống đôi khi tàn nhẫn hơn cách chúng ta cảm nhận nó. Cuối năm cấp III, cô bạn tôi mất. Thầy tôi xuống tóc đi dạy, thầy trầm hơn nhưng mỗi buổi sáng thầy huấn luyện cho đội tuyển vẫn nhen trong mắt thầy một ngọn lửa của sự nhiệt thành. Thầy yêu nghề và yêu học trò của thầy.
Cũng sau lần ấy, tôi được biết một bạn trong đội tuyển của thầy có dấu hiệu sử dụng ma túy và điều đáng lạ là môn nào bạn ấy cũng trốn học nhưng duy chỉ môn thể dục là luôn đều đặn, đúng giờ và phát bóng chuẩnxác. Nhân một hôm tôi đi họp đoàn về trễ, trong sân trường chiều tối chỉ còn thầy và các bạn đội tuyển bóng chuyền đang luyện tập. Ngồi từ văn phòng đoàn tôi trông thấy thầy cho đội tuyển nghỉ ngơi và tôi nghe giọng thầy có vẻ nặng nề như trách móc, như đau lòng, như bất lực trước một bài giảng nào đó. Tôi nghe loáng thoáng thầy khóc và cố nói thật lớn cho các bạn trong đội tuyển cùng nghe, thầy đã nói: “Thầy di dạy nhiều năm, nhìn từng lớp học trò trưởng thành. Thầy cám ơn các em mỗi khi lễ tết các em vẫn chăm đến nhà thầy, thầy cám ơn các em luôn biết khi nào đôi giày thể dục của thầy mòn và mua tặng thầy một đôi mới, cám ơn các em trân trọng những tiết học của một môn học không được coi là môn chính, không là môn trọng tâm để thi tốt nghiệp. Thầy cám ơn vì môn thầy các em không trốn tiết bao giờ nhưng chính vì điều ấy hôm nay thầy thấy mình có lỗi. Các em chăm môn thể dục như thế ắt hẳn là chúng ta rất gần gũi nhau, gần gũi như thế mà khi thấy một vài em trong đội tuyển có dấu hiệu vướng vào ma túy, thầy lại không kéo được các em khỏi chất độc ấy. Thầy đã mất đi một người con gần gũi thầy hằng ngày, nay các em gần gũi thầy như con thầy. Lẽ nào thầy lại không hành động gì để giữ các em đừng sa chân vào cái huyệt do chính mình đào lấy. Sự sống vốn không phải là vô hạn, vì nó là có hạn nên các em phải biết dùng nó sao cho có ích nhất. Có ích theo cách của riêng các em. Điều đó cũng thể hiện việc các em hiểu được ý nghĩa của sự sống vậy. Kể từ hôm nay, thầy muôn các em luyện tập chăm chỉ, có sức khỏe để thi tốt nghiệp, và có sức khỏe ý chí để rời xa thứ chất độc đang phá hủy cuộc sống của các em. Thầy mong các em hiểu được lời thầy!”.
Đêm ấy về nhà, tôi thấy thấm thìa câu nói “Ở lâu mới biết lòng người”. Giáo viên chủ nhiệm, hay giáo viên bộ môn mỗi năm mỗi khác. Nhưng ba năm cấp III, đội tuyển bóng chuyền chỉ có một mình thầy huấn luyện. Các bạn đội tuyển đã rất yêu và kính trọng thầy, thời gian đủ để nhận ra sợi dây tình cảm thầy trò là bền chặt là gần gũi và quan tâm. Cũng đêm ấy nhìn lên bầu trời đầy sao tôi đã thì thầm với bạn tôi rằng: “Đúng như lời Kiều nói, thầy Yy – ba của Kiều vừa là một người cha tuyệt vời vừa là một người thầy tròn trịa với đúng nghĩa của nó. Kiều à!”
Thời gian cứ thế trôi qua, thuở cấp III tưởng như gần đâu đây. Thầy thể dục của chúng tôi hiện giờ vẫn ngày ngày đến lớp, ngày ngày giúp vợ mang rau củ quả ra chợ. Đội tuyển bóng chuyền đã thi đấu thành công, tuy không giành hạng nhất nhưng cũng nằm trong lớp. Một sốbạn nghiện ma túy đã từ bỏ ma túy sau lời nói và giọt nước mắt thầy.
Cuộc sống vẫn cứ trôi không ngừng và tháng 11 đang về, tháng dành cho những người thầy người cô. Và cũng vì, những kỉ niệm về thầy dạy Văn của bạn đẹp, những kỉ niệm về cô dạy Toán của bạn hay thì những kỉ niệm về một người thầy dạy thể dục của tôi cũng đẹp mà, phải không.
Theo Dethihay.com