Home / Văn mẫu THPT / Văn mẫu lớp 10 / Phân tích bức tranh tâm trạng của Thúy Kiều ở lầu Ngưng Bích (Truyện Kiều-Nguyễn Du)

Phân tích bức tranh tâm trạng của Thúy Kiều ở lầu Ngưng Bích (Truyện Kiều-Nguyễn Du)

Phân tích bức tranh tâm trạng của Thúy Kiều ở lầu Ngưng Bích (Truyện Kiều-Nguyễn Du)

Hướng dẫn

Bức tranh tâm trạng của Thúy Kiều qua 8 câu thơ cuối đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích (Truyện Kiều-Nguyễn Du)

  • Mở bài:

Truyện Kiều là kiệt tác văn học bất hủ của nền văn học Việt Nam từ xưa đến nay. Thiên tài Nguyễn Du viết Truyện Kiều và khoảng thời gian sau khi đi xứ Trung Quốc trở về. Sau khi ra đời, tác phẩm nhanh chóng được nhân dân say mê đón nhận. truyện Kiều trở thành một phần tinh thần, ăn sâu vào trong đời sống văn hóa của dân tộc.

Đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích tái hiện chân thực bức tranh tâm trang của Thúy Kiều khi bị “giam lỏng” ở lầu Ngưng Bích. Đặc biệt ở 8 câu thơ cuối, tâm trạng đau đớn, tuyệt vọng được đẩy lên đến cực đỉnh, thể hiện tài năng khắc họa tâm lí con người của thiên tài Nguyễn Du.

  • Thân bài:

Sau khi biết mình bị Mã Giám Sinh lừa bán vào chốn lầu xanh, Kiều uất ức rút dao toan tự vẫn. May thay, Tú Bà kịp thời can ngăn. Sợ mất đi vốn liếng, Tú Bà bèn lựa lời khuyên giải, dụ dỗ hết mực. Mụ vờ chăm sóc, thuốc thang, hứa hẹn khi nàng bình phục, sẽ gả cho người tử tế; rồi đưa Kiều ra giam lỏng ở lầu Ngưng Bích, đợi thực hiện âm mưu mới.

Vừa mới bước vào đời đã vấp phải thói đời giả trá, lừa lọc khiến nàng vô cùng đau đớn. Vừa tủi thân mình lại vừa giận số kiếp bạc bẽo. Ở lầu Ngưng Bích cô vắng, quạnh hiu nàng không nguôi nhớ nhung da diết. Mở đầu là bức tranh đặc tả tâm trạng của Thúy Kiều ở lầu Ngưng Bích qua cảnh vật đìu hiu, hoang vắng đến thê lương.

* Nhìn ra cửa biển xa xa:

“Buồn trông cửa bề chiềm hôm

Thuyền ai thấp thoánh cánh buồm xa xa!”.

Không gian nghệ thuật được miêu tả dưới con mắt nhìn của Thúy Kiều. Tại lầu Ngưng Bích cảnh đẹp nhưng mênh mông, hoang vắng và lạnh lẽo. Không một biện pháp tu từ, mà gói trọn cả một tâm trạng thầm buồn “buồn trông”, một không gian buồn “cửa bể”, một thời gian đượm buồn chiều hôm của một người đang lẻ loi, ngóng đợi.

Ngay bây giờ đây, hơn lúc nào hết, nàng cần có người bạn tâm giao để giải bày tâm sự nhưng tất cả chỉ là vô vọng. “Thuyền ai thấp thoáng”, giống như một niềm tin an ủi đối với Kiều trong lúc cô đơn. Dù sao nàng vẫn còn trông thấy những hoạt động sống. Nơi biển khơi xa “thuyền ai” thấp thoáng tưởng như để hỏi nhưng không phải. Đó là tiếng kêu đau thương, là sự với tìm trong vô vọng. Nàng cố tìm một điểm tựa để nương náu tinh thần cho bớt chơi vơi. Thế nhưng càng tìm kiếm càng thấy xa vắng hơn.

Một cánh buồm thấp thoáng nơi cửa biển là một hình ảnh rất đắt để thể hiện nội tâm nàng Kiều. Trước mắt nàng đó là hình ảnh một “cánh buồm” nhỏ bé, cô đơn, lẻ loi giữa mênh mông trời nước, bơ vơ trên mặt biển lúc “chiều hôm” vừa ập xuống… Nàng ngước nhìn xa xa phía chân trời góc bể, không thấy gì hơn ngoài cánh buồm thấp thoáng nơi khơi xa.

Từ “xa xa” gợi lên khoảng cách xa đến vô vọng. Cánh buồm là hình ảnh của con người, là nơi nương tựa tinh thần thế nhưng nó ở xa quá. Có mà như không có. Cánh buồm còn là biểu tượng của kẻ đến người đi, mang theo tin tức, đồng cảm, sẻ chia cùng con người. Tưởng như nó sẽ làm cho không gian bớt rộng, trở nên gần gũi và ấm áp hơn. Nhưng ngược lại, cánh buồm ấy chỉ thấp thoáng càng làm cho mặt biển mênh mông trở nên rộng đến vô cùng.

Xem thêm:  Phân tích nhân vật Trương Sinh – Chuyện người con gái Nam Xương

“Cánh buồm xa xa” lúc ẩn, lúc hiện, nhạt nhòa mờ ảo dần, vuột khỏi tầm mắt của Kiều. Con thuyền kia đang lệnh đênh trên mặt biển bay chính là hình ảnh Kiều bơ vơ, lạc lõng nơi đất khách quê người. Phải chăng thân phận nàng Kiều rồi đây cũng trôi nổi, không bến bờ neo đậu. Cảnh tượng ấy đã khơi gợi nỗi buồn trống vắng trong tâm hồn Kiều khi nghĩ đến cố hương và bóng dáng những người mến thương, yêu dấu. Không biết đến bao giờ mới trở về sum họp. Câu hỏi ấy cứ xoắn chặt lấy tâm trí nàng…

Một cánh buồm nhỏ nhoi, đơn độc giữa biển nước mênh mông trong ánh sáng le lói cuối cùng của mặt trời sắp tắt. Cũng như Kiều trong không gian vắng lặng của hiện tại nhìn về phương xa với nỗi buồn nhớ da diết về gia đình, quê hương. Con thuyền gần như mất hút, vẫn còn lênh đênh trên mặt biển khi mà những con thuyền khác đều đã cập bến, biết bao giờ mới tìm được bến bờ neo đậu. Cũng như Kiều còn lênh đênh giữa dòng đời, biết bao giờ mới được trở về sum họp, đoàn tụ với những người thân yêu.

Câu thơ mang dáng dấp một câu hỏi như xoáy mãi vào tâm can người đọc bao thế hệ, để lại trong ta những nỗi niềm day dứt, trăn trở. Nàng Kiều hỏi rồi lại tự mình càng đau đớn, càng xót xa hơn. Những từ tượng hình “thấp thoáng”, “xa xa” gợi lên hình ảnh mơ hồ của con thuyền hay chính là nỗi nhớ mong vô vọng. Âm điệu thơ rã rời, trầm lắng hẳn…

* Nhìn dòng nước chảy:

Trong tầm nhìn gần hơn, có biết bao hình ảnh thiên nhiên chợt ùa vào trong mắt Kiều. Trên dòng nước uốn quanh, bông hoa lững lờ trôi, bất giác nàng nghĩ đến phận mình:

“Buồn trông ngọn nước mới sa

Hoa trôi man mác biết là về đâu?”

Đọc câu thơ ta hình dung một “ngọn nước” đổ mạnh, cuốn theo nó là cánh hoa bé nhỏ trôi về phương trời vô định. Cánh hoa bọt bèo kia hay chính là thân phận nàng Kiều chìm nổi, lênh đênh giữa dòng đời mênh mang. Cánh hoa ấy đang bị vùi dập như cuộc đời “bạc mệnh” của Thúy Kiều. Hình ảnh “hoa trôi”, “về đâu” gợi cảm ấy khiến cho Kiều “man mác” buồn khi chạnh nghĩ đến thân phận bèo mây nổi trôi theo dòng đời chấp chới.

Trước mắt, Kiều vẫn chưa biết mình sẽ đi đâu về đâu giữa biển đời rộng lớn này. Số phận nàng dường như một ẩn số với bao điều tăm tối. Còn gì đau đớn, xót xa hơn khi con người ta đã bị mất quyền làm người, tồn tại mà như bị phủ nhận, bị lãng quên. Nỗi đau trong lòng nàng Kiều nghe sao tê tái, thê lương.

* Nhìn vào nội cỏ, mặt đất mịt mờ:

Nỗi lòng ấy, tâm sự ấy không chỉ dừng lại ở đó mà tiếp tục lan ra, bao trùm cảnh vật:

“Buồn trông nội cỏ dầu dầu

Chân mây mặt đất một màu xanh xanh”.

Nội cỏ “dầu dầu”,  chân mây, mặt đất “xanh xanh” tuy đầy màu sắc mà ảm đạm vô cùng. Sắc xanh héo úa, mù mịt, nhạt nhòa trải dài từ chân mây đến mặt đất. Cảnh vật úa tàn hay chính cuộc đời, tâm hồn nàng Kiều đang một ngày tàn tạ, héo úa. “Màu xanh xanh” ấy gợi cho Kiều một nỗi chán ngán, vô vọng vì cuộc sống cô quạnh và những chuỗi ngày vô vị, tẻ nhạt không biết kéo dài đến bao giờ. Nàng dường như mất cả nhận thức về thế giới thực tại, tâm trạng rơi vào trạng thái bấn loạn, hoang mang tột độ. Cái “màu xanh xanh” ấy không còn là màu của cỏ cây mà đó là màu của tâm trạng – một tâm trang hoảng hốt và sợ hãi. Có còn đâu cái “xanh tận chân trời” như sắc cỏ trong tiết Thanh minh khi Kiều còn trong cảnh đầm ấm:

“Cỏ non xanh tận chân trời

Cạnh lệ trắng điểm một vài bông hoa”.

Cái màu “xanh xanh” héo hắt, ủ dột, cạn kiệt sức sống như ngọn cỏ vàng trên nấm mộ hoang lạnh của người kỹ nữ Đạm Tiên ngày nào mà nàng đã bắt gặp trong lễ hội Thanh minh năm ấy:

“Sè sè nắm đất bên đường

Dầu dầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh”.

Hình ảnh cánh đồng cỏ “xanh xanh” già cỗi, héo úa trải dài “chân mây mặt đất” mờ mịt, xa xâm quá, phải chăng tương lai phía trước của Thúy Kiều cũng rất mịt mờ cùng quẫn, bế tắc, không lối thoát hay đó cũng chính là nỗi buồn vô tận cho cuộc sống tẻ nhạt, vô vị mà nàng đang phải cắn răng chịu đựng.

* Nhìn vào chính tâm hồn của mình:

Đến hai câu thơ cuối, Kiều như đã rơi vào hoang tưởng, bế tắc tột cùng:

“Buồn trông gió cuốn mặt dềnh

Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi”…

Cái âm thanh “ầm ầm tiếng sóng” ấy hay chính là âm thanh dữ dội của cuộc đời phong ba bão táp đã, đang ập đổ xuống đời nàng và còn tiếp tục đè nặng lên kiếp người nhỏ bé ấy trong xã hội phong kiến cổ hủ, bất công. Thiên nhiên thật là dữ dội, tiếng sóng biển “ầm ầm” quanh bốn phía hòa với những cơn “gió cuốn” gào thét nổi lên khiến cho Kiều vừa buồn, vừa lo sợ hãi hùng khi nàng mường tượng đến chặng đường đầy bão tố đang sấp ập lên cuộc đời mình. Tiếng sóng biển – hay cũng chính là tiếng lòng sóng lòng, tiếng sóng cuộc đời vang lên tiếng gõ cửa của định mệnh, muốn hất tung người con gái đơn côi yếu đuối trên điểm tựa chiếc ghế đờ nhỏ bé, chông chênh.

Thực ra, xung quanh nàng nào đâu có gió, có sóng. Gió cuốn mặt dềnh và tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi là do ảo giác mà ra. Nõi sợ hãi, đau đớn, tuyệt vọng đã hoàn toàn chiếm lĩnh lấy tâm hồn và toàn bộ lí trí của nàng. Giờ đây tất cả đều vô hình, chỉ có nỗi đau hiện hình, xoắn lấy và hành hạ người con gái nhỏ bé đã bất lực trước cuộc đời nghiệt ngã.

Những thành công nghệ thuật của Nguyễn Du trong đoạn trích:

Nguyễn Du đã rất thành công khi khắc họa đậm nét tâm lí nhân vật. Ông đã để cho Kiều nhìn cảnh vật bằng chính tâm trạng của mình nên mỗi cảnh vật đều gợi lên những bất hạnh khổ đau của cuộc đời nàng. Vương trong con mắt người con gái bán mình đang “buồn trông”, mọi hình ảnh vừa chìm, trôi dạt, vừa có cái gì như mờ mịt, nhạt nhòa. Đấy là những hình ảnh thật hay hình ảnh tưởng tượng, huyễn hoặc trong tâm trạng cô thiếu nữa đáng thương.

Xem thêm:  Phân tích bài Độc Thanh Ký của Nguyễn Du

Cách sắp xếp trình tự miêu tả ở đây khiến ta cảm thấy được nỗi buồn như đang dồn đuổi nàng… Mỗi cảnh vật đều khơi gợi cho nàng buồn với những cung bậc khác nhau: nỗi buồn vì nhớ mong chờ đợi, nỗi sầu khổ băn khoăn day dứt cho số phận, sự chán ngán thất vọng cho hiện tại và bàng hoàng ghê sợ kinh hoàng khi dự cảm đến tương lai…

Điệp ngữ liên hoàn“Buồn trông” giống như một điệp khúc trong khúc ca sầu thảm, tạo cho ta cảm giác nỗi buồn ấy cứ trở đi, trở lại khôn nguôi, dai dẳng, triền miên, đang ngày một thấm sâu vào tâm hồn Thúy Kiều, nhuộm lên cảnh sắc thiên nhiên, nỗi buồn mênh mang trời đất, thấm đẫm cả không gian, thời gian.

Cảnh được miêu tả từ xa đến gần, màu sắc từ nhạt đến đậm, âm thanh từ tĩnh đến động để diễn tả nỗi buồn man mác, mông lung đến lo âu, kinh sợ, dồn đến bão táp nội tâm cực điểm của cảm xúc trong lòng Kiều. Tất cả là hình ảnh về sự vô định, mong manh, sự dạt trôi bế tắc, sự chao đảo, nghiêng đổ dữ dội. Lúc này Kiều trở nên tuyệt vọng, yếu đuối nhất. Cũng vì thế mà nàng đã mắc lừa Sở Khanh để rồi dấn thân vào cuộc đời “thanh lâu hai lần, thanh y hai lượt”.

Âm điệu trầm lắng của đoạn thơ cùng với cách lựa hình ảnh, sắc màu, âm thanh, đường nét của tác giả trong đoạn thơ này thật dụng công. Tất cả đều phù hợp với tâm trạng  của nhân vật. Đọc đoạn trích, ta thấy hình ảnh con người cứ mờ dần đi, chỉ còn lại tâm trạng nổi bật lên trên khung cảnh thiên nhiên. Từng lời thơ giống như tiếng lòng nàng Kiều đang thổn thức, tái tê.

Toàn bộ đoạn trích kết hợp lại thành một bức tranh mà trong đó tâm cảnh hòa lẫn với ngoại cảnh. Nghệ thuật tả cảnh ngụ tình thật tài hoa, đặc sắc biết bao. Nghệ thuật ấy đã trở nên quen thuộc trong văn chương kim cổ, góp phần vào sự thành công của kiệt tác “Truyện Kiều”. Không chỉ “tả cảnh ngụ tình”, đoạn trích còn dự báo cả tương lai, số phận của nhân vật. Đúng như Kiều âu lo, sau chặng đường “bình yên trước cơn bão tố”, nàng đã rơi vào bẫy của Sở Khanh và Tú Bà để tiếp tục trở lại lầu xanh ô nhục.

  • Kết bài

Qua việc vận dụng ngòi bút miêu tả tinh tế, điêu luyện, chọn lọc hình ảnh tiêu biểu kết hợp với một giai điệu trầm buồn và bằng cả bức tranh thiên nhiên trữ tình tuyệt tác, đoạn thơ đã diễn tả tinh tế, chân thật tâm trạng “ngổn ngang trăm mối” của nàng Kiều trong một “chặng đường yên tĩnh trước cơn bão tố”… Nguyễn Du thực sự là một bậc thầy trong việc sử dụng nghệ thuật “tả cảnh ngụ tình” và nhiêu bút pháp nghệ thuật đặc sắc khác.

Theo Baivanhay.com

Check Also

top 10 anh hot girl hoc sinh cap 2 viet 6 310x165 - Nghị luận xã hội về lòng vị tha

Nghị luận xã hội về lòng vị tha

Đề bài: Nghị luận xã hội về lòng vị tha Bài làm Từ xa xưa, …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *