Home / Văn mẫu THPT / Văn mẫu lớp 10 / Phân tích giá trị hiện thực được thể hiện qua đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ

Phân tích giá trị hiện thực được thể hiện qua đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ

Phân tích giá trị hiện thực được thể hiện qua đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ

Hướng dẫn

Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ mang giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc khi đồng cảm với số phận của con người và lên tiếng tố cáo xã hội phong kiến, chiến tranh phi nghĩa đã đẩy con người vào bi kịch. Anh chị hãy phân tích giá trị hiện thực được thể hiện qua đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ.

I. Dàn ý chi tiết

1. Mở bài

Giới thiệu tác giả và tác phẩm, đoạn trích: Đoạn trích “Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ” được trích trong tác phẩm “Chinh phụ ngâm” của Đoàn Thị Điểm đã thể hiện rõ ràng tâm trạng cô đơn của người vợ nhớ chồng ra trận

2. Thân bài

  • Nỗi buồn, nỗi cơ đơn của những người chinh phụ khi có chồng ra trận: Cuộc sống trong rèm là cuộc sống bị trói buộc trong một không gian chật hẹp, tù đọng
  • Nỗi nhớ thương chồng da diết của những người chinh phụ: Sự gặp gỡ là không thể bởi tin tức thì mịt mờ, khoảng cách thì xa xôi, phiếm chỉ “đường lên bằng trời”, “xa vời khôn thấu”
  • Phản ánh quyền được sống, được hưởng hạnh phúc: Đó chính là những dự cảm về ý thức cá nhân của người chinh phụ và liên hệ tới quyền sống, quyền được hưởng niềm vui, hạnh phúc của lứa đôi chốn nhân gian.
  • Hiện thực chiến tranh phi nghĩa của xã hội phong kiến: ý nghĩa hiện thực tố cáo những cuộc chiến tranh phi nghĩa đã đẩy bao nhiêu người trai ra trận và hệ quả là biết bao số phận chinh phụ héo hon tựa cửa chờ chồng
Xem thêm:  Phân tích bài Thu hứng của Đỗ Phủ để thấy cảnh và tình của tác phẩm

3. Kết bài

Ý nghĩa đoạn trích: Đoạn trích “Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ” cũng như toàn bộ tác phẩm “Chinh phụ ngâm” là một tiếng kêu thương của người phụ nữ chờ chồng, nhớ thương chồng nơi chinh chiến xa xôi.

II. Bài tham khảo

Đoạn trích “Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ” được trích trong tác phẩm “Chinh phụ ngâm” của Đoàn Thị Điểm đã thể hiện rõ ràng tâm trạng cô đơn của người vợ nhớ chồng ra trận. Tác phẩm đã thể hiện nghệ thuật miêu tả tâm trạng bậc thầy của tác giả, đồng thời là nghệ thuật diễn Nôm đặc biệt xuất sắc của Đoàn Thị Điểm.

Tâm trạng nổi bật trong 36 câu thơ là nỗi cô đơn, trống vắng của người chinh phụ. Đầu tiên, đó là sự ý thức về con người khi chiếu ứng với cảnh vật, đặt trong tương quan giữa thời gian và không gian. Nhân vật trữ tình xuất hiện như có như không, tuy tỉnh táo trong từng bước đi, từng động tác buông thả rèm nhưng lại quên tất thảy, thờ ơ với mọi thứ:

“Dạo hiên vắng thầm gieo từng bước,

Ngồi rèm thưa rủ thác đòi phen”

Người chinh phụ “ngồi rèm thưa” mà trông ra ngoài ngóng đợi tin chồng mà chẳng thấy đâu. Cuộc sống trong rèm là cuộc sống bị trói buộc trong một không gian chật hẹp, tù đọng. Cuộc đời người chinh phụ dường như đã mất hết sức sống, con người đã bị “vật hóa” tựa như tàn đèn cháy đỏ kết lại đầu sợi bấc, con người bây giờ chỉ là “bóng người” trống trải, hiện thân của kiếp hoa đèn tàn lụi. Ngay đến cảnh vật và sự sống ở bên ngoài cũng đã nhuốm màu buồn, nhuốm vẻ tang thương, vô cảm và chập chờn bất định “gà eo óc gáy sương”, “hòe phất phơ rủ bóng”. Dòng thời gian tâm lý của nhân vật cũng đã chuyển hóa thành sự chờ đợi mòn mỏi, thời gian chất chứa đầy tâm trạng đơn côi, không còn thấy sự sống và bóng dáng hoạt động của con người.

Xem thêm:  Bài viết số 2 lớp 8

“Khắc chờ đằng đẵng như niên,

Mối sầu dằng dặc tựa miền biển xa.”

Câu thơ đã cho thấy một hiện thực bất như ý không thể che đậy. Trong sự chờ đợi của người chinh phụ, một khoảng thời gian ngắn dài ra như một năm trường, nỗi buồn trào dâng như biển lớn. Đó chính là nỗi lòng của những người chinh phụ nói chung khi có chồng ra trận. Đoạn thơ tiếp theo phản ánh nỗi lòng của người chinh phụ khi nhớ về người chồng. Sự gặp gỡ là không thể bởi tin tức thì mịt mờ, khoảng cách thì xa xôi, phiếm chỉ “đường lên bằng trời”, “xa vời khôn thấu”. Những câu thơ đã khắc họa nỗi nhớ day dứt trong tâm can người chinh phụ, nỗi nhớ càng tăng tiến, rộng mở dõi theo người chồng nơi phương xa, sự dồn nén cảm xúc thành nỗi xót xa, đắng cay nối dài vô tận. Trong nỗi đau buồn ấy, có sự đồng cảm giữa thiên nhiên với tình người:

“Cảnh buồn người thiết tha lòng…

Tuyết dường cưa, xẻ héo cành ngô”

Hình ảnh so sánh “sương như búa”, “tuyết dường cưa” là sự cực tả xao động của thế giới bên ngoài thông qua cách hình dung của người chinh phụ. Nàng đã không còn chịu đựng được ngay ca vẻ bình dị đời thường, bộc phát thành những âm thanh dị thường. Chính tình cảnh của người chinh phụ đã tạo nên những xung đột tình cảm khác biệt nhau, những thất vọng, trái ngang và thất vọng, cả những niềm hi vọng mong manh, những cơn bão lòng không nguôi ngoai. Ở đoạn cuối, người chinh phụ đã vươn tới không gian thoáng rộng hơn với những hiên ngang, ngọn gió, bóng hoa và ánh trăng. Ở đây con người lại biến mất, chỉ còn đơn thuần là cảnh vật, càng thêm vẻ lạnh lùng:

Xem thêm:  Phân tích những câu ca dao than thân, yêu thương tình nghĩa

“Hoa dãi nguyệt, nguyệt in một tấm…

Trước hoa dưới nguyệt trong lòng xiết đâu”

Người chinh phụ nhìn cảnh hoa nguyệt mà chạnh lòng bâng khuâng xót xa cho thân phận mình, tủi cho thân phận mình lẻ loi. Đó chính là những dự cảm về ý thức cá nhân của người chinh phụ và liên hệ tới quyền sống, quyền được hưởng niềm vui, hạnh phúc của lứa đôi chốn nhân gian.

Đoạn trích “Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ” cũng như toàn bộ tác phẩm “Chinh phụ ngâm” là một tiếng kêu thương của người phụ nữ chờ chồng, nhớ thương chồng nơi chinh chiến xa xôi. Trạng thái tình cảm của người chinh phụ mang ý nghĩa hiện thực tố cáo những cuộc chiến tranh phi nghĩa đã đẩy bao nhiêu người trai ra trận và hệ quả là biết bao số phận chinh phụ héo hon tựa cửa chờ chồng. Đồng thời đoạn trích cũng là tiếng nói tình cảm và sự ý thức về quyền sống, quyền hưởng hạnh phúc lứa đôi của người phụ nữ ngay giữa cuộc đời trần thế.

Theo Vanmautuyenchon.com

Check Also

hoaphuong 10 310x165 - Nghị luận xã hội về lòng vị tha

Nghị luận xã hội về lòng vị tha

Đề bài: Nghị luận xã hội về lòng vị tha Bài làm Từ xa xưa, …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *