Đề bài: Thuyết Minh Về Cây Dừa Có Sử Dụng Biện Pháp Nghệ Thuật & Tự Thuật
Bài làm
Nếu người Pháp tự hào về một đất nước có dòng sông Se-in xanh biếc lững lờ trôi, nếu người Trung Hoa mến yêu xứ sở có đỉnh Ân Cương cao vời vợi, có những Trường Giang, Hoàng Hà cuồn cuộn sóng dâng… thì em cũng gắn bó trái tim mình với một màu đất đẹp núi, đẹp sông, đẹp lòng người nhân hậu. Việt Nam quê hương em, nơi em sinh ra, ngoài có những cánh đồng lúa xanh mướt thẳng cánh cò bay thì còn có hàng dừa rũ tóc xuống ao soi mình duyên dáng. Từ bao đời nay, cây dừa đã đi vào thơ ca, vào cuộc sống của người dân hiền hậu, gắn bó với đời sống con người trước sau nghĩa tình. Ca dao có câu:
“Dừa xanh đứng sừng sững giữa trời
Đem thân mình hiến cho đời thuỷ chung”
Cây dừa là loài cây chủ yếu được trồng ở vùng nhiệt đới, đặc biệt là khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Ở Việt Nam, cây dừa hầu như có mặt khắp đất nước, nhưng dừa tập trung từ Quảng Ngãi đến Cà Mau, đặc biệt là vùng Bình Định, Bến Tre. Có rất nhiều loại dừa khác nhau, trong đó có hai loại chính là dừa cao và dừa lùn. Dừa lùn hay còn gọi là dừa kiểng, thường được trồng làm cảnh trong gia đình hoặc khu vui chơi công cộng. Dừa cao thì được chia ra rất nhiều loại khác nhau như: dừa xiêm, trái thường nhỏ, màu xanh, nước ngọt, thường dùng để uống; dừa bi, trái thường to, màu xanh đậm, thường dùng để chế biến thực phẩm; dừa nếp, trái vàng xanh mơn mởn; dừa lửa lá đỏ, quả vàng hồng; dừa dâu trái rất nhỏ, màu hơi đỏ; dừa dứa, trái nhỏ, màu xanh, nước ngọt, thơm mùi dứa; dừa sáp, cơm dừa vừa xốp, vừa mềm mại lại dẻo như bột đã được nhào sệt, đồng thời lại có màu vàng đục như sáp, chỉ có ở Trà Vinh. Mỗi cây dừa đều bao gồm: thân, lá, hoa, buồng, trái. Thân dừa cao, có những đốt như hổ vằn, thường có màu nâu sậm, đường kính khoảng 45 cm. Cây dừa cao khoảng đến 25m. Còn thân dừa lùn có màu xanh, nhiều đốt, đốt trên cùng là nơi xuất phát những phiến lá ôm lấy thân rồi toả ra. Lá dừa có màu xanh, gồm nhiều tàu, khi héo có màu hơi nâu. Hoa dừa có màu trắng, nhỏ, kết thành chùm. Quả dừa phát triển từ hoa dừa, có lớp vỏ dày bên ngoài, cơm dừa trắng bên trong. Mỗi cây dừa có nhiều buồng dừa, mỗi buồng dừa có rất nhiều quả. Trung bình mỗi buồng từ năm đến mười trái dừa, có loại 120 trái.
Dừa có rất nhiều công dụng. Thân dừa thường dùng để bắc ngang con kênh nhỏ, sông rạch làm cầu, làm máng dẫn nước trên đồng ruộng, làm đũa, vá xới cơm. Sau khi bào bỏ lớp vỏ bên ngoài, người ta lấy thân làm cột, làm kèo xây nhà hoặc sáng tạo ra các mặt hàng thủ công mỹ nghệ. Lá dừa không chỉ dùng lợp nhà, làm phên liếp, chằm nón, mà còn là chất đốt thường dùng để đun nấu phổ biến ở thôn quê. Lá dừa khô bó lại làm đuốc đi trong đêm tối trời. Bông dừa tươi được hái xuống để cắm trang trí, vừa thanh nhã, vừa lạ mắt. Bông dừa già cắt khúc, kết lại với nhau thành giỏ hoa, chụp đèn treo tường có giá trị thẩm mĩ cao. Hoa dừa ở thôn quê thường dùng để trang trí cho cổng chào đám cưới, đám hỏi, để cúng trên bàn thờ. Có thể thấy điều này qua các bức tranh dân gian Đông Hồ hoặc các lễ hội hái dừa ở vùng đồng bằng Nam Bộ. Trái dừa luôn có mặt trong mâm ngũ quả cúng trong ngày Tết cổ truyền.
Đọt dừa non hay còn gọi là củ hủ dừa, là một thứ thức ăn độc đáo. Có thể làm gỏi, lăn bột, xào….rất thích hợp với người ăn chay. Tuy nhiên, món này không phải lúc nào cũng có, vì mỗi khi đốn một cây dừa, người ta mới lấy được củ hủ để dùng. Thậm chí ngay cả con sâu sống trên cây dừa (còn gọi là đu ông dừa) cũng là một thứ ăn ngon. Do ăn đọt dừa nên đu ông dừa béo múp míp, người ta chế biến nó thành những món ăn khoái khẩu và bổ dưỡng ở các quán ăn trong thành phố. Tuy nhiên, thứ có giá trị nhất vẫn là trái dừa. Trái dừa tươi được chắt ra lấy nước giải khát, có công năng hạ nhiệt, giải độc. Ngày xưa trong chiến trận, thiếu các phương tiện y tế, người ta còn dùng nước dừa thay thế cho dịch truyền. Dừa khô còn có nhiều công dụng hơn nữa. Nước dừa dùng để kho cá, kho thịt, thắng nước màu. Cơm dừa rám dùng để làm mứt, cơm dừa dày được xay nhuyễn, vắt nước cốt làm kẹo dừa, nấu dầu dừa, làm xà phòng. Bã dừa dùng làm bánh dầu, để bón phân hoặc làm thức ăn cho gia súc. Gáo dừa được sử dụng làm than hoạt tính, chất đốt hoặc các mặt hàng thủ công mĩ nghệ rất được ưa chuộng ở các nước phương Tây. Xơ dừa được đánh tơi ra dùng làm thảm, làm nệm, làm dép đặc trị cho những người bệnh thấp khớp hoặc bện làm dây thừng, lưới bọc các bờ kè chống sạt lở ven sông.
Có thể nói, dừa đã đi vào đời sống của con người Việt Nam từ xa xưa, rất dân dã và mộc mạc. Tuổi thơ còn gì thú vị hơn những buổi trưa hè mắc võng dưới tán lá mát rượi, nghe tiếng lá dừa xào xạc gọi nhau, rồi được thưởng thức những trái dừa ngọt lịm. Các trò chơi như kéo tàu dừa, lấy lá dừa làm kèn, làm thành những con châu chấu, cào cào rất đỗi dễ thương. Lớn lên thì vườn dừa trở thành chốn hẹn hò của các đôi nam thanh nữ tú. Và đặc biệt, dừa đã đi vào văn thơ Việt Nam, là nguồn cảm hứng bất tận của biết bao thi sĩ:
“Tôi lớn lên đã thấy dừa trước ngõ
Dừa ru tôi giấc ngủ tuổi thơ
Cứ mỗi chiều nghe dừa reo trước gió
Tôi hỏi nội tôi: dừa có tự bao giờ?”
Hay:
“Ai đứng như bóng dừa, tóc dài bay trong gió
Có phải người còn đó là con gái của Bến Tre”
Có thể nói, dừa được ví như một hiện thân của con người Việt Nam bất khuất, kiên cường và anh dũng, sẵn sàng đối mặt với mọi gian lao, giữ vững cơ nghiệp ngàn năm của ông cha để lại. Xin được mượn câu thơ sau của nhà thơ Lê Anh Xuân để kết cho bài viết này:
“Dừa vẫn đứng hiên ngang cao vút
Lá vẫn xanh rất mực dịu dàng
Rễ dừa bám sâu vào lòng đất
Như dân làng bám chặt quê hương”