Viết bài làm văn số 5: Văn thuyết minh – Ngữ văn 10
Hướng dẫn
VIẾT BÀI LÀM VĂN SỐ 5: VĂN THUYẾT MINH
I- ĐỀ BÀI THAM KHẢO
Viết một bài văn thuyết minh ngắn để giới thiệu về:
1.Một danh lam thắng cảnh của đất nước quê hương.
2.Một loại hình ca nhạc (hay sân khấu) mà anh (chị) hằng yêu thích.
3.Một ngành thủ công mĩ nghệ (hoặc một đặc sản, một nét văn hoá ẩm thực) của địa phương mình.
4.Một lễ hội ghi lại những nét đẹp của phong tục truyền thống hoặc thể hiện khí thế sôi nổi của thời đại.
II- HƯỚNG DẪN
1.Tìm hiểu đề
-Đề bài yêu cầu tạo lập kiểu văn bản nào? (thuyết minh).
-Tương ứng với kiểu văn bản ấy, sử dụng phương thức biểu đạt nào là chủ yếu?
-Đối tượng biểu đạt là gì? Nội dung cần biểu đạt ra sao?
-Để thực hiện yêu cầu của đề bài, Cần chuẩn bị những tri thức và kĩ năng gì?
2.Lập dàn ý
a.Mở bài: Mở bài theo kiểu trực tiếp hay gián tiếp? Xác định những nội dung cần biểu đạt trong phần mở bài tuỳ theo từng cách. Giới thiệu về đề tài, chủ đề của bài văn. Giới thiệu khái quát về đối tượng thuyết minh.
b.Thân bài:
Triển khai nội dung cần biểu đạt (nêu luận điểm và đưa ra những dẫn chứng giàu sức thuyết phục về vị trí địa lí, về những vẻ đẹp riêng,… của danh lam thắng cảnh; về đặc trưng của loại hình ca nhạc hay sân khấu,…)
c.Kết bài: Đưa ra nhận định, đánh giá tổng quát về nội dung biểu đạt.
*Chú ý: Để bài văn thuyết minh vừa chuẩn xác lại vừa hấp dẫn, cần:
-Đọc, nghe, quan sát, tham khảo, sưu tầm tài liệu về những lĩnh vực liên quan đến bài làm để lựa chọn những nguồn tri thức không chỉ chính xác, phong phú, sâu sắc mà còn mới lạ, đặc sắc và lí thú.
-Tìm đọc những bài thuyết minh hay, hấp dẫn để học tập cách tạo nên sự lôi cuốn của một quá trình trình bày, giới thiệu.
3.Gợi ý cho từng đề bài
Cũng như ở bài viết số 4, các đề bài ở bài viết số 5 này đều đưa ra yêu cầu tạo lập văn bản thuyết minh. Trong bài viết của mình, có thể sử dụng nhiều phương thức biểu đạt khác nhau nhưng chủ yếu vẫn là phương thức thuyết minh.
a.Đề 1: Cần giới thiệu và thuyết minh được:
-Thắng cảnh đó là gì? ở đâu? Có điểm gì nổi bật? (giới thiệu khái quát)
-Lần lượt thuyết minh các đặc điểm của danh lam thắng cảnh ấy (chú ý giới thiệu vị trí địa lí, nguồn gốc phát tích, mô tả những nét riêng, nêu ý nghĩa tâm linh hoặc kinh tế của nó,…). Có nhiều cách giới thiệu, tuỳ vào đặc trưng của từng danh lam thắng cảnh (giới thiệu theo lịch sử hình thành và phát triển, theo vị trí địa lí, theo cấu trúc quần thể, giới thiệu bằng các truyền thuyết, các câu chuyện dân gian,…).
-Danh lam thắng cảnh ấy trong mắt du khách được đánh giá như thế nào?
-Về lâu dài, danh lam thắng cảnh ấy sẽ có định hướng phát triển ra sao để vừa đem lại giá trị kinh tế, vừa giữ được những nét đặc trưng và mãi là niềm tự hào của người dân nơi đây?
b.Đề 2:
-Loại hình ca nhạc hay sân khấu định giới thiệu là gì??(quan họ, tuồng, chèo, hát ví, hát xoan, hát trống quân, hò mái nhì, hò mái đẩy, hò đánh cá, đờn ca tài tử, nhạc tiền chiến, kịch nói,…)
-Trong tổng thể văn hoá nó thuộc về văn hoá dân gian hay văn hoá hiện đại? Điểm đặc biệt nhất của loại hình ca nhạc hay sân khấu đó là gì? (ví dụ: Quan họ là những câu hát giao duyên tình nghĩa thường dùng nhiều trong mùa lễ hội, với cái “khí chất” hồn nhiên, trong sáng, tình cảm, vừa khoẻ khoắn lại vừa lắng sâu,…)
-Giới thiệu cụ thể về đối tượng:
+ Loại hình ca nhạc (sân khấu) đó xuất phát ở đâu? (quan họ là của vùng Kinh Bắc, hát xoan của vùng Phú Thọ, hò mái nhì, mái đẩy của xứ Huế,…). Vùng đất ấy có đặc điểm như thế nào?
+ Nét sinh hoạt văn hoá đó thường diễn ra ở đâu? (trong lao động hay trong mùa lễ hội,…)
+ Đặc điểm nội dung các câu hát, điệu hát là gì? Cách phối khí ra sao? Trang phục của người diễn có gì đặc biệt?,…
-Đánh giá vai trò, vị trí của loại hình ca nhạc (sân khấu) đó trong đời sống văn nghệ nói riêng và đời sống tinh thần của dân tộc nói chung.
-Trách nhiệm của chúng ta trong việc gìn giữ và phát huy sản phẩm văn hoá tinh thần đó là gì?
c.Đề 3:
-Ngành thủ công (hoặc đặc sản, hoặc nét văn hoá ẩm thực) mà anh (chị) muốn giới thiệu là gì? Nó là sản phẩm của quê hương anh (chị) hay của vùng quê khác?
-Đánh giá khái quát vai trò của nó đối với xã hội (ngành thủ công) hoặc đối với kho tàng văn hoá ẩm thực nói chung.
-Giới thiệu về vùng quê có nghề truyền thống hay có đặc sản, có nét văn hoá ẩm thực đó.
-Giới thiệu cụ thể về đối tượng:
*Với ngành thủ công, có thể thuyết minh về:
+ Nguồn gốc hình thành nghề thủ công đó (nên lựa chọn các truyền thuyết hoặc những câu chuyện cũ để kể một cách tóm lược).
+ Sản phẩm của ngành thủ công đó là gì? Có vai trò như thế nào trong đời sống?
+ Miêu tả lại công đoạn sản xuất (chú ý những “bí quyết nhà nghề” có tính đặc trưng trong quá trình tạo ra sản phẩm).
+ Nghề thủ công ấy trong thời hiện đại có những thay đổi ra sao? (ví dụ sự can thiệp của máy móc, công nghệ vào quá trình sản xuất như thế nào?,…).
-Với các loại đặc sản hay với nét văn hoá ẩm thực, có thể thuyết minh về:
+ Quá trình tạo nên sản phẩm (cũng cần chú ý những “bí quyết” riêng).
+ Cách thưởng thức sản phẩm đó như thế nào để nó thực sự trở thành một nét văn hoá?
-Đánh giá chung về ý nghĩa và vai trò của đối tượng vừa được thuyết minh.
d.Đề 4:
-Giới thiệu tên, địa danh, thời gian mà lễ hội diễn ra.
-Điểm độc đáo của lễ hội là gì? (ví dụ hội chợ Viềng (Nam Định), mỗi năm chỉ họp có một phiên,…)
-Giới thiệu cụ thể về lễ hội:
+ Nguồn gốc của lễ hội (gắn với những sự tích hay sự kiện gì đặc biệt).
+ Miêu tả tóm tắt những nghi thức và các trò chơi có tính truyền thống trong lễ hội. Chú ý nêu những ý nghĩa của các nghi thức trong lễ hội.
+ Nét đặc trưng của ìễ hội này (để phân biệt với các lễ hội khác) là ở những điểm gì?
+ Lễ hội trong thời hiện đại đã có những thay đổi ra sao?
-Lễ hội trong con mắt của du khách đã gây được sự hứng thú ra sao? Du khách tìm về lễ hội với những jnục đích gì?
4.Tham khảo một số bài viết dưới đây
ĐI HỘI CHỢ VIỀNG
Cứ đến độ xuân về, du khách các nơi lại nườm nượp đổ về trẩy hội Phủ Giầy (ngày mồng 8 tháng Giêng), một trong những phủ thờ bà chúa Liễu Hạnh trong “tứ bất tử” ở Việt Nam. Đi hội Phủ Giầy ghé qua hội chợ Viềng. Đó là hội chợ cũng ở xã Kim Thái, huyện Vụ Bản (Nam Định) – nơi người xưa đã gọi là “địa linh, nhân kiệt”, Sự độc đáo của chợ Viềng là mỗi năm họp chỉ có một phiên.
Chợ Viềng xưa và nay
Chợ Viềng họp cả ngày vào mùng 8 tháng Giêng âm lịch hằng năm, nhưng người ở xa thường về từ sớm, rậm rịch họp chợ từ 11, 12 giờ đêm hôm trước, cho đến sáng và hết cả ngày hôm sau. Khách đến từ khắp nơi, trong Nam ngoài Bắc, đông nhất vẫn là người nội tỉnh và kế đến là khách các tỉnh Nghệ An, Thanh Hoá.
Ngày trước, khi chưa có điện, người bán hàng thắp một ngọn đèn dầu tù mù. Những món đồ cũ được bán chủ yếu là để cầu may chứ không để thu lợi như bây giờ. Ở đây người mua hoàn toàn tin tưởng vào người bán và qua chợ Viềng, con người càng thêm gắn bó với nhau.
Chợ Viềng bây giờ đã thay đổi rất nhiều cả ý nghĩa lẫn các loại hàng hoá. Rấí ít những người bán đồ cũ, đồ cổ thực sự, phần lớn là những mẹt hàng sành sớ, đồng thau giả cổ bày bán ở những chỗ càng tối, càng tốt… khiến nhiều người mua nhầm hàng hỏng.
Tiếng là “hội chợ” nhưng chợ Viềng không bán mua những sản phẩm ngoại lai cao cấp, hào nhoáng đắt tiền như ở các hội chợ tỉnh, thành phố lớn. Sản phẩm được đem ra mua bán ở đâv chủ yếu là các cây trồng, vật nuôi, từ cây trồng để lấy gỗ, cây hoa cây cảnh, các loại cây ăn quả, thậm chí cả cây cà, cây chanh, cây ớt. Và sau nữa là đến các vật dụng sản xuất nhỏ của nhà nông. Người ta cộ thể tìm mua ở đây từ cái cày cái cuốc đến các vật dụng nhố như đôi quang thúng, cái đòn gánh cùng trăm ngàn thứ vật dụng linh tinh khác.
Ngoài ra còn có một loại thực phẩm được mua bán rất nhộn nhịp, đó là thịt bê. Bê được thui vàng ươm nguyên cả con, bán rất nhiều dọc các ngả đường đi vào chợ. Có thể nói không ngoa rằng “Trên là trời, dưới là thịt bò bê”. Khách mua ai thích phần nào có thể tuỳ chọn, mà giá lại rất phải chăng, hợp với túi tiền của “người nhà quê”.
Mua, bán… cầu may
Nhiều năm nay người dân quanh vùng vẫn đổ đến chợ Viềng. Họ đi cả gia đình, cùng nhau ngắm nghía hay trả giá mua một món đồ sứ… mới toanh nào đó. Quanh năm, họ sống trong một cuộc sống yên ả, nền nếp, đúng giờ giấc. Đến đêm chợ Viềng, nhịp sống của họ thay đổi hoàn toàn. Họ thức suốt đêm, đi ra khỏi nhà và hoà mình vào dòng người nửa quen nửa lạ. Đối với những người dân đơn sơ như vậy, chợ Viềng của họ vẫn còn mãi. Và chính họ mới là những người khách đích thực của chợ Viềng hằng năm.
Ở chợ phiên này có tục người bán không hề nói thách và người mua cũng không hề mặc cả. Một nét đẹp đáng yêu chỉ phiên chợ này mới có. Hình như sự mua bán ở đây mang nặng một ý thức tâm linh nào đó. Rằng người ta chỉ cần bán hoặc mua được một vật gì đó dù rất nhỏ thì người bán kẻ mua đều gặp nhiều may mắn tốt lành, và cả đôi bên cùng vui vẻ hỉ hả ra về. Chính vì vậy hội chợ Viềng ngày xưa còn có tên gọi là chợ Cầu May.
Khách thập phương về hội chợ phần lớn do nghe danh tiếng của chợ Viềng mà về, nhưng phần đông vẫn là những người có gốc gác hoặc quê quán ở tỉnh Nam đi lấm ăn xa nay nhớ đất Tổ, đất quê tìm về. Nên dù có xa mấy, tận bên kia đại dương, tận Sài Gòn lục tỉnh… cũng nhớ ngày về để dự hội..
(Theo báo Hà Nội mới)
TÌM HIỂU DÂN CA QUAN HỌ
Trong dòng văn hoá và nghệ thuật âm nhạc dân gian chảy từ ngàn xưa, giữa sự đa dạng và đa diện của các dòng dân ca: chèo của Thái Bình, Nam Định, chèo tàu của Hà Tây, hát dặm Nghệ An, Hà Tĩnh, ca trù, ca Huế, dân ca Nam Bộ… vẫn lấp lánh một dòng dân ca riêng biệt, đặc sắc và độc đáo, tựa như:
“Cây trúc xinh tang tình là cây trúc mọc…
Chị Hai xinh chị Hai đứng một mình vẫn xinh ”
Đó là dân ca quan họ vùng Kinh Bắc – Bắc Ninh.
Quan họ vừa như một làn điệu hội tụ “khí chất” của rất nhiều làn điệu dân ca. Cái trong sáng, rộn ràng của chèo. Cái thổn thức, mặn mà của hát dặm. Cái khoan nhịp sâu lắng của ca trù. Cái khoẻ khoắn, hồn nhiên của dân ca Nam Bộ. Nhưng trên hết, quan họ mang “khí chất” của chính quan họ, là hồn của xứ sở quan họ, là “đặc sản” tinh thần của Kinh Bắc – Bắc Ninh.
Nằm kề cận với thủ đô, có diện tích nhỏ nhất nước, với sáu huyện, thị, nhưng khát vọng trí tuệ, khát vọng sống, khát vọng khẳng định mình của Kinh Bắc chẳng nhỏ tí nào. Sách cổ của người xưa từng ngưỡng mộ: “Kinh Bắc nổi tiếng văn nhã”. Đất Kinh Bắc là nơi kết tụ của tài hoa các làng nghề: làng tranh Đông Hồ, làng giấy Đống Cao, làng chạm khắc Phù Khê, làng đồng Đại Bái, làng buôn Phù Lưu… là đất của hàng nghìn di tích lịch sử, danh thắng, của các đình, đền, chùa nổi tiếng. Người Kinh Bắc thông minh, tinh tế. Ở bất cứ thời đại lịch sử nào Kinh Bắc cũng hiến cho đời không ít những danh nhân, nhân tài, kẻ sĩ, các bậc hiền tài… Các cộng đồng làng Kinh Bắc từ đời này sang đời khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác, gắn kết với nhau trong tình làng nghĩa xóm, trong lao động cần cù, trong khát vọng yêu thương, vượt lên thiên tai, địch hoạ, vượt lên gian khó, “thương người như thể thương thân”, “tứ hải giao tình, bốn biển một nhà” như lời dân ca quan họ. Chính cái khát vọng sống của người Kinh Bắc, đất Kinh Bắc đã hoá thân thành những làn điệu quan họ kì diệu “lời thì giao duyên, tình thì anh em”, vừa thực, vừa mơ, vừa giãi bày, vừa khúc chiết, vừa tình tự, vừa sâu sắc…
Các làng quan họ hầu hết ở Bắc Ninh, mà theo các nghệ nhân, từng có tới 49 làng quan họ. Và như sông Cầu không bao giờ cạn, mạch sống của khúc nhạc, lời ca quan họ cũng không khi nào nhạt phai dù đã trải qua bao đời người và bao nhiêu biến động thời thế. Đến bây giờ hội làng quan họ vẫn là nguồn cảm hứng mùa xuân bất tận của xứ Kinh Bắc. Các hội làng gắn bó đặc biệt với hát quan họ, không thể nào có hội làng trên mảnh đất Bắc Ninh mà thiếu vắng sắc màu và âm thanh quan họ. Những hội hè này trải dài từ mồng 4 Tết âm lịch đến 28 tháng 3 âm lịch. Đặc sắc nhất vẫn là hội Lim ở huyện Tiên Sơn (nay là Tiên Du). Vào những ngày hội, nam thanh nữ tú các nơi đổ về, trẩy hội tưng bừng, để được nghe các liền anh, liền chị xiêm y mớ bảy mớ ba, hát đối đáp, hát canh, hát hội hát mừng…
Dân ca quan họ quả là một tài sản vô giá của dân tộc Viêt Nam, nó cần được tiếp tục nuôi dưỡng, trân trọng gìn giữ và lưu truyền lại cho các thế hệ mai sau, ở trong nước và cho cả cộng đồng Việt Nam hải ngoại…
(Theo Ngô Nhật Mai, báo Tuổi trẻ)
BÚN MẮM MIỀN TÂY
Nam Bộ có nhiều món ăn độc đáo, nhưng phổ biến vẫn là món bún. Bún được chế biến thành nhiều món ăn đa dạng về hình thức, phong phú về chất lượng như: bún thịt xào, bún nem bì, bún cà ri, bún riêu cua, bún nước lèo, bún mắm… được mọi người ưa thích, từ giới bình dân cho đến kẻ giàu sang phú quý, nhưng hấp dẫn nhất chắc vẫn là món bún mắm.
Ở Trà Ôn, người bán bún mắm không nhiều như ở miệt Trà Vinh, Sóc Trăng, bù lại có tiếng là ngon. Ngon từ sợi bún nhỏ nhắn, tròn trịa, dài mềm mại đến nước lèo, chất mắm. Cách nấu bún mắm ở đây được thêm thắt đôi chút cho hợp khẩu vị của người ăn. Từ đó bún mắm tự dưng được mọi người xem như món ăn “đặc trưng” nơi đây và cả đồng bằng Tây Nam Bộ.
Nước lèo theo cách gọi chung được nấu chuyên nghiệp cho là đúng “gu” là không xài bột ngọt và đường, chỉ cốt lấy chất ngọt từ con cá lóc, xương heo cùng chất “tinh tuý” ở loại mắm sặc đồng, miệt Cà Mau, thường gọi là “mắm trở” có mùi nặng đặc biệt. Mắm nấu sôi cho cá rã ra, lọc mắm qua rây lấy nước, bỏ xương. Cá lóc làm sạch cắt thành khúc, cùng xương heo thả trong nước lèo. Cá chín vớt ra, xắt thành từng miếng nhỏ dài lối ngón tay. Còn đầu cá no tròn, đùm ruột gan mỡ béo ngậy được xấp chồng lên trong đĩa bàn lớn, chưng cho “bắt mắt”, cặp trứng cá vàng ruộm bỏ trở lại nồi, dùng “dá” khoả đều cho trứng nổi lên trên mặt, cùng sả băm nhuyễn, nấm rơm búp, tép mỡ óng ánh lềnh bềnh càng tăng thêm chất lượng nồi nước lèo.
Khi ăn nồi nước lèo sôi ngùn ngụt được chan vào tô bún cho ngập nước, dùng “dá” chặn bún lại cho nước đổ trở lại nồi, đó là cách làm cho cọng bún mềm và nóng. Sau đó xếp từng miếng cá, lát thịt ba rọi, vài con tép bạc bên trên, kèm theo rau thơm, giá sống, bắp chuối, rau muống chẻ nhỏ, nước mắm ớt nguyên chất, nếu thích vắt thêm tí chanh. Công đoạn cuối cùng là chan nước lèo lại lần thứ hai. Tô bún mắm đã đầy đủ sẩn sàng mời khách. Cũng chưa hết, khách yêu cầu thêm cục xương heo hay cái đầu cá đùm ruột béo ngậy, người bán cũng không từ chối, chỉ cần tính thêm tiền.
XEM THÊM HƯỚNG DẪN PHÂN TÍCH PHƯƠNG PHÁP THUYẾT MINH – NGỮ VĂN 10 TẠI ĐÂY
Theo Baivanhay.com