Home / Văn mẫu THPT / Văn mẫu lớp 12 / [Văn 12] Cảm nhận về tuổi thơ của trẻ em ngày xưa và hôm nay

[Văn 12] Cảm nhận về tuổi thơ của trẻ em ngày xưa và hôm nay

NLXH Văn 12: Cảm nhận về tuổi thơ của trẻ em ngày xưa và hôm nay

Bài làm:

Khi có ai đó hỏi về tuổi thơ của bạn, có nghĩa là bạn đã đủ lớn để thấu hiểu và suy xét. Cũng như các bạn, tôi từng là một đứa trẻ sống bằng tình cảm và hành động do cảm tính. Từng trải qua tuổi thơ với những đoạn kí ức có lúc hiện rõ có lúc nhạt màu. Từng mơ mộng và nhiều tưởng tượng rồi cũng từng khóc cho những giấc mơ cổ tích không thành. Nhưng tôi chỉ là một đứa trẻ đến từ quá khứ nhìn cuộc sống của những đứa trẻ ở hiện tại bằng đôi mắt ngỡ ngàng, ngưỡng mộ nhưng có lúc lại chua xót, cảm thông. Có lẽ vì tuổi thơ của chúng tôi ngày xưa và tuổi thơ của các bạn bây giờ khác nhau quá chăng?

Tuổi thơ của chúng tôi, những người gắn bó với đồng ruộng, thôn quê hay ít nhất cũng không xa lạ với mảnh vườn, luống rau có cái nhìn cuộc đời qua cánh diều, còn những đứa trẻ ngày nay lại nhìn đời qua màng hình vi tính. Nếu ai đã từng khờ dại khi tin có người ngồi trong chiếc radio và nói, chuồn chuồn cắn rốn sẽ biết bơi, con cóc nghiến răng là ra hiệu sai bảo trời mưa thì đó là chúng tôi, những đứa trẻ của thế hệ 9x, 8x và xa hơn nữa. Ngày đó, chúng tôi được thỏa thích tắm mưa, lội sông, bắt cá đồng những ngày nước nổi. Được hái hoa lục bình cho mẹ, được học cách nhổ một củ co, được theo cha đi bẫy chim, câu cá. Mùa nắng, chúng tôi nhặt những cọng rơm khô ngoài đồng, bó lại hình tròn rồi chơi trò đá bóng. Nghỉ hè, lũ bạn gần nhà í ới gọi nhau tìm lá dừa, lá chuối dựng thành những ngôi nhà bé nhỏ. Chúng tôi đứa đóng vai mẹ, người đóng vai con cứ thế bước vào cuộc đời rất tự nhiên.

Xem thêm:  Phát biểu cảm nghĩ về nhân vật anh thanh niên trong “Lặng lẽ Sa pa” của Nguyễn Thành Long

Tuổi thơ của trẻ em hiện nay so với chúng tôi thì đầy đủ hơn, tiện nghi hơn và thông minh hơn, còn hạnh phúc hay không chúng ta có bao giờ lắng nghe chúng nói. Chúng có cơ hội nghe nhiều hơn, thấy nhiều hơn cuộc sống xã hội thông qua các chương trinh thời sự, tin tức trên mạng, được kết nối với cả thế giới mới lạ trong đó có những người tốt và kẻ xấu, có nhiều điều đáng học hỏi nhưng cũng có thứ cần tránh xa. Cái thế giới ảo ấy cả người lớn chúng ta còn có lúc không giữ được mình huống hồ gì chúng là những đứa trẻ. Tuổi thơ của trẻ con bây giờ được cha mẹ bảo bọc, chăm lo tuyệt đối, có khi tôi cứ ngỡ như họ muốn nuôi dạy con trong điều kiện vô trùng. Chúng chỉ mỗi nhiệm vụ học, học và học. Hết học ở trường rồi về học thêm, luyện toán, luyện văn, luyện đàn, hát…Ngay cả những ước mơ riêng tư nuôi dưỡng tâm hồn chúng, ta cũng can thiệp.

Trẻ em thời đại nào cũng thế, cũng đều dễ cười và dễ khóc, cũng đều dễ giận rồi dễ thứ tha. Bao giờ chúng cũng mong muốn được khám phá cuộc sống, hi vọng được nhớ đến, được yêu thương và được thể hiện mình. Chỉ có cuộc đời là thay đổi, quan niệm và những mong muốn của người lớn không giống như xưa, họ đặt lũ trẻ vào vòng tay yêu thương, che chở tuyệt đối để rồi cũng bằng vòng tay ấy họ siết chặt ước mơ và tự do của những chú chim non khao khát bầu trời cao rộng. Người tạo ra những mối nguy hiểm khiến cuộc sống ngày một không an toàn là người lớn chúng ta, người chạy theo những lo lắng, bất an cũng là chúng ta. Phải chăng chính chúng ta đã kì vọng quá nhiều vào các con mình để rồi vô hình chung khiến chúng cảm thấy cuộc sống quá nặng nề. Tôi may mắn có một công việc tiếp xúc nhiều với những đứa trẻ, cũng chính vì thế tôi khiến mình bận rộn với những trăn trở chưa thể giãy bày. Có nhiều em nói với tôi “con không có tuổi thơ”. Tôi nhìn vào đôi mắt thơ ngây của chúng mà xót xa. Ai lại không có tuổi thơ? Chỉ là tuổi thơ chúng ta đã có những gì. Và câu trả lời tuổi thơ chúng ta có những gì nằm ngay trong cách sống, cách dạy và cách đặt niềm tin của người lớn. Tôi cũng là người mẹ, cũng đã kì vọng và mơ ước về đứa con tương lai của mình. Vâng, đó là những đứa trẻ tương lai với một siêu năng lực vừa ngoan ngoãn, lễ phép vừa thông minh, học giỏi vừa có một tài năng nào đấy như thần đồng. Nhưng đứa trẻ hoàn hảo kia không phải con chúng ta thật sự. Con chúng ta luôn phạm lỗi, luôn thiếu soát vì chúng là những đứa trẻ bình thường. Người lớn chúng ta thật bất công khi bắt chúng phải hoàn hảo bằng việc học giỏi, đàn giỏi, toán giỏi, anh văn giỏi…mà chúng ta lại quên rằng ngày xưa khi bằng tuổi con chúng ta, các bạn chắc đã như thế? Ngay khi chúng ta đã trưởng thành, làm cha mẹ, ai bảo mình là bậc cha mẹ hoàn hảo? Thế mà chúng ta lại kì vọng con mình hoàn hảo, chẳng phải vô lý lắm sao?

Xem thêm:  Nhận xét về kết cấu truyện trong truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao

Đừng chỉ nghĩ cho chúng ăn no, ăn ngon, mặc đẹp và trang bị cho chúng đủ loại đồ chơi thông minh, học đủ các môn trí tuệ là chúng cảm thấy hạnh phúc. Nếu yêu trẻ, hãy để chúng có khoảng trời của tuổi thơ. Khoảng trời thật sự thuộc về chúng, để ở đó chúng có thể chơi những trò chơi thuộc về lứa tuổi của mình, mơ mộng những giấc mơ thần tiên và học cách mỉm cười, học cách chia sẻ, học cách vượt qua thất bại. Chúng có thể làm bạn phật ý vì sự tinh nghich, ương bướng, mạo hiểm…nhưng chính những điều ấy sẽ nuôi chúng lớn khôn.

Mỗi người chúng ta chỉ sống được một đời và cũng chỉ trải qua một lần tuổi thơ, thế nên không ai có quyền được cướp đi tuổi thơ của người khác ngay cả chính con mình. Đừng đem những giấc mơ dang dở của bản thân gán vào đứa trẻ, bắt chúng phải thực hiện ước mơ của chúng ta. Hãy để chúng tự cố gắng vì ước mơ của chính chúng.

Theo Dethihay.com

Check Also

thay co1 310x165 - Phân tích tác phẩm Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh

Phân tích tác phẩm Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh

Đề bài: Phân tích tác phẩm Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh Bài …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *