Đề bài: Vai Trò Của Cây Cối Trong Việc Bảo Vệ Môi Trường Sống
Bài làm
Con người sống, tồn tại, làm việc, giải trí hằng ngày trong một môi trường sống trong sạch. Một trong những yếu tố tạo nên sự trong sạch đó chính là rừng.
Không phải ngẫu nhiên mà trái đất được gọi là hành tinh xanh. Với diện tích lớn là biển, rừng và tầng ô-dôn bao quanh, trái đất với điều kiện lí tưởng ấy là nơi bắt nguồn cho sự sống – một điều mà chưa hành tinh nào có. Đặc biệt là rừng – một yếu tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống con người.
Rừng là gì? Đó là một quần lạc sinh địa, trong đó sinh vật rừng, đất và khí hậu tạo thành một thể thống nhất, có quan hệ tương hỗ chặt chẽ với nhau. Nó được tạo nên bởi nhiều thành phần mà cây là thành phần chính. Vậy thì tại sao, rừng lại có ảnh hưởng lớn như vậy đến cuộc sống của con người?
Như chúng ta đã biết, thành phần chính của rừng là cây xanh. Mà cây xanh lại có tác dụng rất lớn đối với môi trường sống. Không đơn thuần là tạo bóng mát, làm đẹp phố phường mà hơn hết cây xanh điều hòa khí hậu, giúp cho không khí trong lành, làm sạch bầu khí quyển. Hãy thử tưởng tượng xem, nếu như trái đất này không có cây xanh thì chắc chắn xung quanh ta sẽ chỉ là một bầu không khí bụi bặm, ô nhiễm nắng, nóng hoặc mưa lạnh giá, hạn hán, ngập lụt sẽ giày xéo lên cuộc sống của người dân. Nói cách khác, không có cây xanh, sự sống của con người sẽ chấm dứt.
Cuộc sống con người không chỉ được quyết định ở yếu tố vật chất mà nó còn bị ảnh hưởng bởi điều kiện tự nhiên khách quan. Trong đó, xói mòn đất là một hiện tượng tự nhiên thường xảy ra nơi những vùng đất trọc ít cây bao phủ. Xói mòn làm cho lớp đất mặt bị rửa trôi, tạo thành những khe rãnh, gây lũ lụt, đất lở trôi…ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống con người. Rồi hiện tượng gió, gió mạnh ảnh hưởng lớn đến cây rừng làm giảm 30-90% sự đồng hóa thực vật, gió nóng làm giảm khả năng thụ phấn của cây, gièm cát vùi lấp đồng ruộng, nhà cửa… Tất cả những thiên tai khủng khiếp đó đều có thể được ngăn chặn hoặc giảm bớt bằng cách trồng cây xanh. Rừng điều hòa khí hậu, điều tiết dòng chảy trên mặt đất, bảo vệ, cải tạo, làm tơi xốp đất, giữ nước cho sản xuất, hạn chế sức phá hoại của gió, ngăn sự di chuyển của cát vào sâu đất liền, ngăn chặn gió bão làm hại mùa màng. Không chỉ thế, rừng còn là nguồn cung cấp cho con người gỗ, củi, hoa quả và các sản vật khác. Có thể nói, rừng đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống mỗi con người.
Không chỉ là yếu tố, thành phần chính trong hoàn cảnh sống của con người mà rừng còn là môi trường sống của rất nhiều loài động vật quý hiếm. Rừng có các loại cây từ thấp lên cao. Ở mỗi tầng là một môi trường hoàn cảnh thích nghi riêng biệt với từng loài vật. Nào thỏ, hươu, nai, hổ,khỉ đến voi….đó là những loài động vật rất quý hiếm mà môi trường sống duy nhất của chúng là rừng – thiên nhiên hoang dã.
Trong rừng có rất nhiều loài gỗ quý hiếm như đinh, lim, sến, táu, hao…rồi các loại thuốc quý như sâm, tam thất rất có lợi cho sức khỏe. Hay có những khu rừng được con người trồng lên để phục vụ cho công nghiệp như rừng cao su. Bên cạnh đó, rừng còn là môi trường sinh thái trong lành, một địa điểm du lịch lý thú, một danh lam thắng cảnh tuyệt vời với đầy bí ẩn, hoang dã và tràn đầy hấp dẫn, lôi cuốn. Ảnh hưởng lớn và có tính chất quyết định đến sự sống con người, rừng còn rất có ích với các lĩnh vực khác như nông nghiệp, công nghiệp, du lịch, dịch vụ…Hiểu rõ được những lợi ích và ảnh hưởng của rừng ta mới thấy rõ vị trí và tầm quan trọng của nó như thế nào.
Đất nước ta với ba phần tư diện tích là rừng, đồi núi – một điều kiện thiên nhiên tuyệt vời. Vậy mà giờ đây, diện tích rừng đó còn lại bao nhiêu? Không hiểu rõ tầm quan trọng của rừng, rất nhiều người đã chặt phá cây bừa bãi, nhất là những người dân thiếu hiểu biết “đốt nương làm nương rẫy” khai phá rừng một cách vô ý thức. Nhưng cũng có những người biết được lợi ích của rừng, hiểu được sự sai trái trong hành động của mình nhưng vẫn chặt trộm, khai thác rừng trái phép để kiếm lợi về mình. Hậu quả của việc chặt phá, khai thác bừa bãi, đốt rừng, phá rừng ấy thật không thể tưởng tượng được. Ta từng tự hào về cách rừng U Minh rộng lớn, phong phú nhưng chỉ vì thiếu ý thức, công tác quản lý kém mà hàng nghìn héc ta rừng bị phá hủy, thiêu rụi trong ngọn lửa, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống và thiệt hại hàng trăm tỉ đồng của nhà nước. Những vùng đồi xanh đẹp đẽ xưa kia, những cánh rừng nguyên sinh xưa kia giờ đây chỉ còn là những quả đồi trọc, những khu rừng thứ sinh. Tiếp theo đó là những thảm họa thiên nhiên liên tục xảy ra, nào hạn hán, lũ lụt… làm thiệt hại bao tiền của và đau đớn hơn là lấy đi tính mạng của không ít những người dân vô tội. Mất rừng đồng nghĩa với việc môi trường sống của con người đang dần bị tàn phá, hủy hoại. Những loài động vật hoang dã cũng mất đi môi trường sống của mình.
Hiểu rõ tầm quan trọng, thấy rõ những hậu quả của việc tàn phá rừng, chúng ta càng thêm phần yêu quý và biết bảo vệ rừng hơn. Hiện nay, Đảng và chính quyền nhà nước ta đã có những biện pháp thích hợp và quản lý chặt chẽ trong việc khai thác rừng. Bằng cách khai thác hợp lý kết hợp với việc tái tạo rừng, nhiều khu rừng đã được phục hồi “phủ xanh đồi trọc”
Tác động của con người tới tái sinh tự nhiên là rất lớn bởi trong tái sinh tự nhiên thường gặp hoàn cảnh bất lợi, ảnh hưởng đến sự nảy mầm của hạt, sự sinh trưởng của cây con. Để khắc phục người sản xuất phải chủ động tạo ra hoàn cảnh sống thích hợp bằng cách chặt phá những cây cành mọc quá rậm, phát bớt bụi rậm để hạt dễ tiếp xúc nảy mầm và xới đất xung quanh gốc. Là học sinh, sinh viên chúng ta có thể góp sức nhỏ của mình trong công cuộc cải tạo rừng bằng cách tuyên truyền tầm quan trọng của rừng, hậu quả của việc khai thác trái phép và có thể trồng cây quanh nhà để góp phần làm trong sạch không khí, môi trường sống trong xóm làng.
Hãy yêu quý và bảo vệ rừng để trái đất của chúng ta mãi là hành tinh xanh. “Tổ quốc Việt Nam yêu dấu, có sạch đẹp mãi được không. Điều đó tùy thuộc hành động của bạn, chỉ thuộc vào bạn mà thôi”. Xin được lấy câu thơ của Tố Hữu làm kết cho bài viết này:
“ Đẹp vô cùng Tổ quốc ta ơi!
Rừng cọ đồi chè, đồng xanh ngào ngạt
Nắng chói sông Lô, hò ô tiếng hát
Chuyến phà dào dạt bến nước Bình Ca”