Tả cây bưởi mà em có dịp nhìn thấy
Bài làm 1
Nhà ông bà nội em có một vườn cây ăn quả, gồm nhiều loại cây, trong đó em rất thích những cây bưởi. Đây là giống bưởi Diễn nổi tiếng thơm ngon. Vườn bưởi này được trồng khá lâu rồi, vì ông bà em sinh sống ở đất Diễn đã lâu đời.
Cây bưởi cao khoảng hơn một mét, chia thành nhiều cành nhỏ tỏa ra xung quanh. Thân cây to bằng cổ chân, màu rêu xám. Vỏ cây mốc thếch. Rễ cây đâm sâu xuống lòng đất, hút chất dinh dưỡng nuôi cây. Cành cây như những cánh tay to khỏe, rắn chắc, nâng đỡ tán lá và quả. Lá bưởi to như bàn tay người lớn, hơi dài, thắt lại ở giữa như cái nậm rượu.
Vào mùa xuân, từng chùm hoa trắng muốt, hương thơm thoang thoảng theo gió, lấp ló trong những tán lá xanh mơn mởn. Khi có cơn gió thoảng qua, những cánh hoa trắng rơi lả tả quanh gốc cây. Chúng em thường nhặt hoa bưởi để chơi đồ hàng, hoặc để đầu giường cho thơm. Cuối mùa xuân, hoa kết thành những quả bưởi con. Quả bưởi lớn nhanh như thổi.
Lúc đầu, chúng bé bằng hòn bi, sau đó, to bằng quả chanh, rồi bằng nắm tay người lớn, và bằng quả bóng lúc nào không biết. Mỗi cây bưởi có từ hàng chục, đến hàng trăm quả, trông rất đẹp mắt. Mùa thu là mùa bưởi chín. Lúc đó, từng quả bưởi nặng trĩu cành, màu vàng ươm, có mùi thơm ngọt. Gọt lớp vỏ mỏng bên ngoài, ta thấy xuất hiện lớp cùi trắng ngà, rồi đến múi bưởi tròn căng, mọng nước, nhưng bóc rất dóc vỏ. Tép bưởi không bị nát và chảy nước.
Cây bưởi không chỉ cho ta quả ăn, mà còn có nhiều công dụng khác. Cây bưởi làm cây cảnh ngày Tết, quả bưởi để bày mâm ngũ quả, làm quà cho họ hàng, bạn bè. Lá và vỏ bưởi dùng để gội đầu, làm lá xông giải cảm, hoặc luộc ốc rất thơm. Hoa bưởi để ướp bột sắn, cho ta mùi thơm thoang thoảng, dịu mát. Giống bưởi Diễn rất đặc biệt. Phải đến gần Tết mới được ăn.
Bưởi Diễn, là đặc sản nổi tiếng của đất Diễn. Trước Tết Nguyên Đán khoảng 1 tháng, bà nội em thường trẩy bưởi xuống, bôi vôi vào cuống quả bưởi, để dưới gầm giường, hoặc dưới đất cho bưởi xuống đường. Đến Tết là thời điểm ăn bưởi Diễn ngon nhất. Trông quả bưởi Diễn héo nhăn nheo, xấu xí, nhưng ăn ngọt lịm, thanh mát. Điều đặc biệt nữa là, bưởi Diễn rất thơm, mùi thơm dễ chịu.
Em rất thích thú khi thấy những chú chim non ríu rít nhảy nhót trên cành. Dường như, chúng cũng muốn thưởng thức đặc sản này. Em sẽ chăm sóc vườn bưởi thật tốt, để giống bưởi Diễn đặc sản quê hương em không bị mất dần theo thời gian.
Bài làm 2
Vườn nhà em có một cây bưởi thuộc giống bưởi Đoan Hùng, Phú Thọ. Cây bưởi quý này là do bạn học của anh Quang tặng bố mẹ em. Cây bưởi đã được 5 tuổi, và đã có ba mùa ra hoa kết trái.
Cây cao khoảng 4 mét, sum sê cành lá. Cây đứng ở một góc vườn, cạnh bờ ao. Lá cây tròn to bằng bàn tay và dày, mặt trên xanh thẫm, bóng, mặt dưới xanh nhạt. Đầu tháng giêng, cây bưởi ra hoa. Đứng xa nhìn, thấy cây bưởi như đội lên đâu một mâm xôi nếp cái đầy ụ. Nụ hoa trắng nõn như chiếc cúc áo bạch ngọc; hoa nở xoè năm cánh trắng phau; nhuỵ hoa hình nậm rượu bé tí, vàng ươm. Hương hoa ngào ngạt. Suốt ngày, đàn ong mật kéo đến bay vù vù, bầy bướm lượn vòng bay chấp chới. Trong nắng xuân, trong làn mưa bụi, hoa bưởi rụng trắng một góc vườn.
Mùa xuân dần trôi qua, cây bưởi chi chít quả. Lúc đầu, quả bưởi to bằng quả cà chua, bằng trái bóng bàn, rồi lớn dần bằng nắm tay treo lủng lẳng. Đến tháng sáu, tháng bảy, quả bưởi lớn to tròn bằng đầu đứa trẻ lên hai. Trái bưởi da xanh căng lên óng mượt, đeo trĩu cành.
Tháng tám, dịp Tết Trung thu, bố mẹ hái bưởi đem ra chợ bán. Tép bưởi căng tròn, vị thơm ngon ngọt, đậm đà, ai cũng tấm tắc khen.
Trên mâm ngũ quả bày trên bàn thờ, quả bưởi vườn nhà chiếm một vị trí trang trọng. Trong hương vị Tết dân tộc cổ truyền, anh Quang thường nhắc lại cho chúng em nghe vài kỉ niệm đẹp về người bạn thân thời sinh viên, nay đang công tác ở một tỉnh miền Trung.