Em hãy bình luận câu tục ngữ Lửa thử vàng gian nan thử sức
Bài làm
Trong cuộc sống để đi tới thành công cần phải có ý chí quyết tâm cao. Nếu vì một chút khó khăn trở ngại mà chúng ta đã lùi bước, chúng ta sẽ không làm được việc gì thành công cả. Để khuyên răn con cháu cần phải có tinh thần phấn đấu cao nên tục ngữ có câu:
“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”
Tinh thần vượt khó là một trong những bí quyết giúp ta thành công trong cuộc sống. Nếu như cuộc đời bằng phẳng cả, chỉ rãi đầy hoa thơm mật ngọt thì sự thành đạt rất dễ dàng và ai cũng làm được việc, lúc đó đâu cần đến nghị lực, lòng quyết tâm cao nữa.
Để hiểu được điều ông cha ta muốn khuyên bảo con cháu, trước hết chúng ta hãy tìm hiểu xem câu tục ngữ có nghĩa gì? Vàng là thứ kim loại quý giá. Vàng càng được thiêu đốt bằng ngọn lửa cao độ chừng nào thì tuổi vàng càng rõ chừng nấy. Vàng được lửa đốt thì vàng càng sáng và mới quyết định được giá trị của nó. Con người cũng vậy, trước gian lao mới biết sức mình. Gặp khó khăn trở ngại mà vẫn vươn tới, tiến lên không lùi bước thì mới đo lường được sức người. Càng chịu đựng gian nan nhiều thì sức người mới dẻo dai, nghị lực càng cao. Có được như vậy thì mới dễ dàng đi đến thành công. Câu tục ngữ trên khuyên ta phải có tinh thần vượt khó, chịu đựng mọi gian nan, có nghị lực cao sẽ dễ dàng thành đạt trong cuộc đời.
Có rất nhiều nhiều người đã thấm nhuần ý nghĩa của câu tục ngữ và khí họ gặp khó khăn đã không hè nản chí. Có rất nhiều tấm gương vượt khó trong cuộc sống mà những người bình thường cần phải học tập. Đó là những con người bị tật nguyền một phần cơ thể, nhưng họ có thể làm được những việc còn hơn cả người bình thường. Đó là những bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn, đói khổ nhưng vẫn là thủ khoa của các trường Đại Học, là người đứng đầu trong các kỳ thi học sinh giỏi. Rất nhiều và còn rất nhiều tấm gương mà chúng ta phải học theo.
Thật vậy, câu tục ngữ đã cho ta một bài học đúng đắn và quý báu. Cuộc sống bao giờ cũng đầy chông gai, đầy vị đắng, nhưng với ý chí, nghị lực ta sẽ vượt qua gian nan thử sức. Trước khó khăn mới biết được người tài. Bởi vì muốn vượt qua được cái khó đó, cái gian lao đó ta phải có sức mạnh, ta phải tài giỏi thực thụ. Đó là điều tất yếu. Phải có tài ta mới có thể vững vàng tiến thân, vững vàng chống chọi với biết bao gian nan trên đường đời…
Muốn thành công thì ta phải có ý chí, nghị lực, phải có tinh thần vượt khó như câu tục ngữ đã từng nhắc nhở: “Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo”. Ta không nên lùi bước, sợ sệt trước hiểm nguy, gian khổ mà ngược lại phải biết vươn tới và tiến về phía trước với tất cả lòng quyết tâm cao. Lúc đó lửa hay gian nan gì cũng phải nhường bước trước ý chí nghị lực của con người. Bác Hồ – vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam – là tấm gương sáng ngời về tinh thần vượt khó, về nghị lực phi thường, về lòng dũng cảm vô song… đối với Bác thì:
“Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên”
Câu tục ngữ là chân lí để sống, để chúng ta rèn luyện nghị lực, tài năng. Vậy mà có những kẻ cậy giàu sang, không lo rèn luyện tài năng. Những loại người này khi đối đầu với khó khăn, thử thách bao giờ cũng thất bại vì họ chưa một lần va chạm, chưa một lần vấp phải những chướng ngại trên đường đời nên họ dễ dàng lùi bước đầu hàng. Như vậy, vàng thật không sợ lửa, cũng như người có tài sẽ chẳng bao giờ sợ gian nan, thử thách. Do vậy, chúng ta từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường phải cố gắng rèn luyện cho mình một kiến thức sâu rộng, một trình độ học vấn khả dĩ để bước vào đời. Có như thế, ta mới có thể trở thành người hữu ích. Đất nước có được những người tài và có nghị lực như thế thì quả thật là niềm hạnh phúc vô cùng.
Tóm lại, gian nan thử thách là lò luyện con người có đủ tài năng và sức chịu đựng. Gian nan càng nhiều thì thành công càng lớn, càng vinh quang hơn. Do đó, muốn đi đến thành công ta không nên chùn bước mà phải vững tin để vươn tới bằng quyết tâm và nghị lực của chính bản thân. Câu tục ngữ mãi mãi là một kinh nghiệm sống, là phương châm, là hành trang để ta bước vào đời.
Câu tục ngữ như một lời khuyên, một lời căn dặn mà ông cha để lại cho con cháu. Với những người có ý thức, lời khuyên đó như một vật báu. Vì nó không chỉ có ý nghĩa động viên khi chúng ta gặp khó khăn và như một động lực để ta vượt qua khó khăn ấy. Triết lý của cha ông để lại thật sâu sắc, nhờ vào câu tục ngữ mà cha ông để lại, rất nhiều người đã vượt qua khó khăn để có một thành công rực rỡ.