Em hãy lập dàn ý bài: Phân tích nhân vật cụ Mết trong “Rừng xà nu” của nhà văn Nguyễn Trung Thành.
I/ Mở bài
– Tác giả, tác phẩm
– Góp phần thể hiện chủ đề tác phẩm và làm đậm thêm chất sử thi cho truyện ngắn chính là nhân vật cụ Mết – kiểu nhân vật già làng tộc trưởng vốn rất quen thuộc trong các thiên anh hùng ca Tây Nguyên, là biểu tượng cho sức mạnh truyền thống, tinh thần bất khuất kiên cường của nhân dân Tây Nguyên, là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho dân làng và thế hệ con cháu.
II/ Thân bài
- Ngoại hình
– Ngay khi vừa xuất hiện, ấn tượng về một vị già làng mạnh mẽ đã thể hiện trong chi tiết “một bàn tay nặng trịch nắm chặt lấy Tnú như một cái kìm sắt”. Những nét vẽ ngoại hình về một cụ già “quắc thước … mắt sáng và xếch ngược, vết sẹo ở má bên phải vẫn láng bóng … ngực căng như một cây xà nu lớn” đã khắc họa hình ảnh của một già làng sắc sảo, kiên nghị, vững chãi, tiềm tàng sức mạnh thể chất, tràn trề uy lực tinh thần, có sức lôi cuốn, thuyết phục mạnh mẽ với cộng đồng.
– Hầu như nét miêu tả nào ở cụ Mết cũng có tính cá biệt: cách nói như ra lệnh, ngôn ngữ giản dị mà dứt khoát thể hiện sự quyết đoán của những người đứng đầu ; việc cụ không bao giờ khen, khi vừa ý nhất cũng chỉ nói “được” là tính cách của những người luôn yêu cầu cao ở người khác cũng như ở chính mình ; đặc biệt ấn tượng ở cụ Mết chính là giọng nói, đó là “tiếng nói ồ ồ đội vang trong lồng ngực”, tiếng nói ấy hoặc “vang” khi hô hào dân làng Xô Man nổi dậy, hoặc “trầm và nặng” như tiếng vọng của núi rừng, như lời phán truyền của quá khứ khi kể chuyện về cuộc đời Tnú, về lịch sử oanh liệt của làng, tiếng nói ấy tha thiết trang nghiêm khi nhắc nhở dân làng và con cháu: “Nghe rõ chưa các con? Rõ chưa? Nhớ lấy, ghi lấy!…”
2, Vẻ đẹp tâm hồn, tính cách
2.1, Cụ Mết là người có tình yêu sâu sắc và gắn bó với dân làng Xô-man.
– Khi Tnú đi xa về, cụ dẫn anh ra máng nước đầu làng dội rửa, bằng việc ấy, cụ như muốn nhắc nhở người con xa quê: dù có đi tới phương trời nào cũng phải ghi nhớ và trân trọng nguồn cội thiêng liêng của quê hương.
– Nói chuyện với Tnú, cụ luôn tự hào khẳng định bằng cách nói tuyệt đối, có phần hơi cực đoan, thái quá, cách nói quen thuộc của lòng yêu: “Không có gì mạnh bằng cây xà nu đất ta”, “Gạo người Strá mình làm ra ngon nhất rừng núi này”. Với cụ Mết thì quê hương hiện lên thật đẹp đẽ và lớn lao, thiêng liêng và thân thuộc, từ dòng nước trong nguồn, hạt gạo trên nương cho tới những cánh rừng xà nu bạt ngàn, mạnh mẽ và cường tráng.
– Cụ luôn tâm niệm và dặn dò con cháu: “Cán bộ là Đảng. Đảng còn, núi nước này còn”. Như vậy, có thể nói lòng trung thành với Đảng và cách mạng của cụ Mết cũng xuất phát từ tình yêu sâu sắc với rừng núi quê hương với con người Tây Nguyên.
2.2, Bên trong con người có vẻ ngoài quắc thước, nghiêm nghị ấy lại là một trái tim trĩu nặng tình thương yêu đối với dân làng.
– Khi Tnú khi về thăm làng sau ba năm đi lực lượng, cụ Mết đã đón anh bằng tấm lòng yêu thương nồng hậu của một người cha: quyết định anh ở nhà cụ trong đêm về làng, động viên khích lệ anh: “Ngón tay còn hai đốt cũng bắn súng được” – cụ đã đem đến cho Tnú, người con bất hạnh của dân làng Xô Man, một cảm giác ấm áp của gia đình khi trở về làng. Ngồi ăn cơm với Tnú, nhìn hai bàn tay cụt đốt của anh, “ông cụ đặt chén cơm xuống giận dữ”, đó là biểu hiện sâu sắc nhất của nỗi đau đớn xót thương cho Tnú, nỗi căm giận kẻ thù tàn bạo không thể nguôi ngoai.
– Khi kể cho dân làng nghe về cái chết của vợ con Tnú, dù câu chuyện đã xảy ra tới ba năm, cụ cũng không kìm nổi sự tiếc thương, đau đớn và xúc động, cụ “vụng về trở bàn tay lau một giọt nước mắt” như muốn che giấu lòng mình. Nhưng chính cử chỉ vụng về ấy đã bộc lộ trái tim nhân hậu và tình yêu sâu sắc của cụ với dân làng.
– Nhận được gói muối quý giá từ những người đi xa về cụ luôn chia đều cho các bếp trong làng, để dành cho những người đau ốm – vị mặn của những hạt muối nhỏ bé cũng là vị mặn đậm đà của tình yêu thương trong trái tim người già làng.
2.3, Trong vai trò của một già làng thời đánh Mỹ, cụ Mết kiên cường, vững chãi như một cây xà nu lớn và cụ Mết chính là chỗ dựa tin cậy của dân làng
– Cụ Mết luôn giữ cho mình tình yêu, niềm tin và lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, với cách mạng. Câu nói “Cán bộ là Đảng. Đảng còn, núi nước này còn” cho thấy tình cảm của cụ với cách mạng, với Đảng thật thiêng liêng thấm thía khi nó có cội nguồn từ tình yêu “núi nước” quê hương.
– Trong làng, cụ cũng là người đứng đầu biết nhìn xa trông rộng, biết lo cho cuộc chiến đấu chung của dân làng. Cụ động viên dân làng lo dự trữ lương thực để có thể đủ ăn tới ba năm bởi “đánh Mỹ phải đánh dài”.
– Cụ cũng đã thể hiện vai trò của một già làng tỉnh táo, sáng suốt để có thể kiềm chế nỗi đau đớn và căm hờn ngay trong giây phút khốc liệt nhất, tìm ra con đường đúng đắn nhất lãnh đạo dân làng nổi dậy cầm vũ khí tiêu diệt kẻ thù. Trước cái chết của vợ con Tnú, trước cảnh Tnú bị bắt trói, tra tấn dã man, cụ Mết đau đớn nhưng tỉnh táo, không để tình cảm chi phối. Cụ nhắc đi nhắc lại: “Tao cũng chỉ có hai bàn tay không. Tao quay vào rừng… tìm bọn thanh niên… tìm giáo mác”. Chính lý trí sáng suốt cần thiết của một già làng, một người đứng đầu, là người chịu trách nhiệm với sự sống, cụ Mết cùng với cộng đồng chiến đấu và đã chiến thắng quân giặc tàn bạo.
– Với trí tuệ sắc sảo của một người đứng đầu, cụ Mết không chỉ nhắc tới sự kiện đau thương và chiến thắng oanh liệt của dân làng trong đêm ấy như một kỷ niệm, cụ đã khái quát, đúc kết và khắc sâu quy luật tất yếu của cuộc chiến tranh cách mạng: “Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo”. Chân lý ấy đã được rút ra từ chính những trang sử đầy máu và nước mắt của làng Xô Man, thông qua giọng kể “trầm và nặng” của già làng, nó sẽ trở thành lời phán truyền thiêng liêng của lịch sử cho các thế hệ con cháu.
III/ Kết luận
Cụ Mết là một hình tượng nhân vật đẹp gợi nhớ hình ảnh những già làng, tộc trưởng trong sử thi, thần thoại, truyền thuyết, trong những bản trường ca Tây Nguyên xưa.
-Khẳng định sự thành công của tác giả là đã xây dựng được nhân vật cụ Mết là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại,..và là một thành công lớn về nghệ thuật của tác giả Nguyễn Trung Thành.