Đề bài: Nghị luận câu nói “Bàn tay ta làm nên tất cả Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”
Bài làm
Trong cuộc sống của con người lao động chính là việc để tạo ra của cải vật chất duy trì đời sống của con người, phục vụ những nhu cầu về vật chất cũng như tinh thần. Nhờ sức mạnh to lớn của đôi bàn tay con người mà xã hội của chúng ta ngày càng phát triển tốt đẹp hơn.
Chính vì vậy, người xưa mới có câu “Bàn tay ta làm nên tất cả. Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”
Con người muốn phát triển tồn tại thì cần phải lao động chăm chỉ, miệt mài. Những giọt mồ hôi của con người đổ xuống mới có thể biến những vật vô tri như đất đá, thành những vật hữu ích như lúa, ngô, khoai, sắn…phục vụ cho lợi ích của con người.
Bàn tay là một bộ phận vô cùng quan trọng trên cơ thể con người. Trí óc giúp con người tư duy sáng tạo, nhờ bàn tay và khối óc con người mới có thể tồn tại trong xã hội một cách vững vàng, tạo ra chỗ đứng và vị trí của mình trong cộng đồng người.
Câu nói này nhằm khuyên nhủ con người phải biết chăm chỉ lao động, suy nghĩ bởi trên đời này không có gì là miễn phí cả, cũng giống như câu nói “Có làm thì mới có ăn, không dưng ai dễ mang phần đến cho” thì câu nói “Bàn tay ta làm nên tất cả có sức người sỏi đá cũng thành cơm” nhằm củng cố cho câu nói trên.
Câu nói này muốn khẳng định một chân lý muốn tồn tại, muốn được người khác tôn trọng thì con người cần phẩm chăm chỉ lao động, tự tay mình tạo ra của cải vật chất có như thế con người mới tồn tại được ở trong xã hội.
Những con người muốn thành công, muốn có chỗ đứng trong xã hội thì cần phải học tập chăm chỉ, lao động cần cù miệt mài để tạo nên nguồn vật chất cho gia đình, xã hội có như thế con người mới có thể sống sót tồn tại mà không làm ảnh hưởng tới người xung quanh. Được mọi người xung quanh tôn trọng yêu mến.
Ngoài ra, những đồng tiền do chính sức lao động trí tuệ của mình làm ra bao giờ cũng đáng trân trọng hơn khi tiêu những đồng tiền mà người khác mang đến, dù ít hay nhiều thì tự lực cánh sinh để tồn tại cũng sẽ đáng quý hơn là sống như cây tầm gửi neo đậu vào người khác, đến một lúc nào đó, khi cây mẹ chết đi thì cây tầm gửi cũng không thể tồn tại được trên đời.
Những đồng tiền, lúa gạo do chính mình làm ra khi chúng ta tiêu hoặc sử dụng cũng cảm thấy trân trọng hơn rất nhiều, không dễ gì tiêu pha phóng tay bởi con người làm ra của cải vật chất không hề dễ chút nào.
Câu nói trên của cha ông ta là hoàn toàn đúng đắn, nó đúc kết và trải nghiệm qua nhiều thế hệ sống. Chính vì vậy chúng ta hôm nay cần phải cố gắng noi theo nghiêm túc. Với những học sinh thì cần chăm chỉ học tập tích lũy kinh nghiệm để sau này có thể đóng góp công sức trí tuệ mình tạo ra nhiều của cải vật chất cho gia đình xã hội.
Tuy nhiên trong xã hội chúng ta vẫn có những con người lười lao động muốn sống dựa vào người khác, điều đó khiến cho con người sinh ra tính ỷ lại, lười biếng suy nghĩ và sáng tạo gây gánh nặng cho xã hội. Những con người lười suy nghĩ, lười lao động thường chỉ gây gánh nặng cho xã hội bởi họ sẽ nghĩ nhiều cách kiếm tiền bất chính, như trộm cắp, cướp giật… làm mất trật tự an toàn xã hội.
Chúng ta cần phải kiên quyết, phê phán những người lười biếng, không chịu lao động suốt ngày sống bám vào người khác, làm gánh nặng cho gia đình và xã hội. Những con người này cần được giáo dục, tuyên truyền lối sống tích cực, tạo cho họ những công ăn việc làm phù hợp, kích thích tình yêu lao động trong con người họ, cảm hóa họ để họ hòa nhập với cộng đồng.
Mỗi chúng ta ngay từ khi còn nhỏ cần rèn luyện tu dưỡng bản thân để sau này lớn lên trở thành người có ích cho gia đình và xã hội, không nên học những thói hư tật xấu, không đi theo những bạn bè lêu lổng học thói ăn chơi, sống trụy lạc, ham hưởng thụ lười lao động.