Thuyết minh về Chùa Lôi Âm – Bài 1
Theo các nguồn tư liệu chùa Lôi Âm được xây dựng vào khoảng thế kỷ XV, năm Quang Thuận thời Lê Thánh Tông (1460-1469). Chùa Lôi Âm gồm một gian, một trái nhà Thượng điện, nơi thiêu hương (hóa vàng). Thời phong kiến qua các triều đại Lê, Mạc chùa trải qua 3 lần trùng tu. Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, chùa Lôi Âm là địa bàn tập trung của Trung đoàn 98, bộ đội chủ lực vùng Đông Bắc.
Chùa ngự trên núi Lôi Âm cao 503m là ngọn núi cao nhất ven vịnh Hạ Long. Nằm bên hồ Yên Lập, trước hồ có tên là hồ Vạn Nho thuộc thôn Vạn Nho, huyện Hoành Bồ, từ năm 1975 để tạo nguồn nước tưới tiêu cho các địa phương lân cận đập Yên Lập đã được hình thành sau này thành hồ Yên Lập. Không chỉ là ngôi chùa thiêng chùa Lôi Âm còn có phong cảnh đẹp hữu tình, chùa ở vào thế đầu gối sơn – chân đạp thủy, phía trước có long chầu hổ phục, bên tả che, bên hữu đỡ; trên đỉnh núi có chợ trời, bàn cờ tiên, sau chùa có giếng Tiên, bốn mùa trong xanh. Năm Tự Đức thứ 3, triều Nguyễn, vua có ra chỉ dụ “Lôi Âm danh sơn Hải Đông”, tạm dịch: Rừng núi Lôi Âm, ở phủ Hải Đông phong cảnh đẹp. “Hải Đông” nay là tỉnh Quảng Ninh. Sách Đồng Khánh Dư địa chí có đoạn: “Tỉnh hạt Quảng Yên có danh sơn là núi Lôi Âm, sông lớn là sông Bạch Đằng. Danh thắng có chùa Lôi Âm, được xây dựng trên núi Lôi Âm”.
Trải qua thời gian chùa Lôi Âm đã bị hư hại, từ năm 2007 chùa đã được khôi phục lại trên nền chùa cũ với kiến trúc hình chữ Công, vì kèo mái trong làm theo kiểu chồng rường giá chiêng, gian bái đường gồm 3 gian hai chái gồm hệ thống hai tầng tám mái và gian giữa (tòa ống muống) gồm 3 gian 2 tầng 8 mái, hậu cung gồm 3 gian 3 tầng 12 mái. Chùa được phục dựng từ nguồn công đức của Phật tử, nhân dân địa phương trong vùng. Những di vật của ngôi chùa cũ còn giữ lại, trong đó tiêu biểu có 14 tháp mộ xây bằng đá xanh và gạch, 2 thống đá, 1 cây hương đá cao 2,48m được chạm hoa sen, hoa cúc, 5 bia đá với những hoa văn trang trí mang đậm dấu ấn mỹ thuật thời đại Lê – Mạc và nhiều chân tảng cột bằng đá với nhiều kích thước, trang trí và để mộc, chó đá, gạch xây, lát nền,… Bên phải chùa là hệ thống vườn tháp thờ các vị sư trụ trì ở các thời kỳ của chùa, bên trái chùa là nhà Mẫu, có kiến trúc hình chữ Nhất, phía sau nhà Mẫu khoảng 200m là Lầu cậu với hệ thống mái che là phiến đá rộng tự nhiên. Ngoài ra, xung quanh chùa vẫn còn những cây muỗm cổ thụ đường kính thân tới hơn 1m và nhiều loại cây lớn khác. Với những giá trị lịch sử vốn có, chùa Lôi Âm đã được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng là Di tích Quốc gia theo Quyết định số 141QĐ/VH, ngày 23/11/1997.
Ngày 27 tháng Giêng Âm lịch là ngày giỗ sư tổ của chùa Lôi Âm cũng là Lễ đầu năm của chùa gồm lễ dâng hương, cầu an, cúng chúng sinh, thả đèn hoa đăng,…tưởng nhớ vị sư tổ trụ trì chùa. Mỗi dịp đầu năm, chùa Lôi Âm đón khoảng hàng chục nghìn lượt du khách, tăng ni, phật tử thập phương đến chiêm bái, lễ Phật.
Thuyết minh về Chùa Lôi Âm – Bài 2
Nét đẹp văn hóa ngàn xưa sau Tết, tiết xuân người dân tự tâm đến dâng hương, tri ân, đáp nghĩa người có công trừ tà, diệt giặc, an dân. Nơi thờ tự từ Nam chí Bắc dịp này mở lễ hội, đáp ứng nhu cầu tâm linh, vãn cảnh của du khách. Một thực trạng đáng buồn là hiện nay, nhiều nơi chùa bị biến thành chợ, cò mồi, mua bán hỗn tạp. Nhưng có một nơi không thế, đó là chùa Lôi Âm.
Chùa Lôi Âm ở phường Đại Yên, thành phố Hạ Long, Quảng Ninh. Ngôi chùa tọa lạc ở khoảnh đất bằng phẳng, rộng lớn, trên lưng dãy núi Lôi Âm cao 503m, như một cao nguyên. Đất này ngày trước sư, vãi còn làm ruộng, cấy lúa và đắp lò gạch tự sản, tự tiêu. Nay vẫn còn hình thù lò gạch cũ, ruộng đồng vẫn nguyên dạng đất trũng, quanh năm õng nước. Sau chùa có giếng Tiên, bốn mùa trong xanh. Suối giải oan, từ đỉnh núi chảy xuống đến chùa chia làm hai nhánh.
Gần chùa Lôi Âm có chùa Hang, còn gọi là lầu Cậu, một phiến đá tự nhiên diện tích 8,5m2, cao 2,2m, chìa ra như ngôi nhà một mái, từ xa nom giống con kỳ đà khổng lồ.
Núi Lôi Âm, ngọn cao nhất vùng đồi ven vịnh Hạ Long. Gần chóp, ở độ cao hơn chùa Lôi Âm 105m, có vạt đất vuông vắn, phẳng phiu, rộng phỏng 5-6 trượng, quanh năm không cây cối cỏ mọc, tương truyền đây là bàn cờ Tiên. Từ chân núi, qua 7 ngọn đèo gồm: 2 ngọn dốc thoải, 5 ngọn đứng hơn; 1 đoạn dốc ngược; một con đường mòn uốn lượn, trong cánh rừng thông và rừng nguyên sinh, thuộc diện rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn, gọi là đường Chúa Ngự dài trên 850m, đưa chân du khách đến cửa chùa.
Chùa Lôi Âm nhìn ra vựng sông Hốt, ven vịnh Hạ Long. Ngày trước, thuyền cập bến sông Yên Lập, du khách chỉ qua thung lũng Vạn Nho rồi leo núi, lên chùa. Thung lũng Vạn Nho nguyên là một vùng đất trù mật của 2 thôn: Vạn Nho và Nghĩa Lộ, có dòng sông Yên Lập uốn quanh, nay chìm sâu dưới lòng hồ Yên Lập. Du Khách đến chùa Lôi Âm, phải đi đò qua mặt hồ Yên Lập. Hồ Yên Lập rộng 182,6km2, độ sâu trung bình 29,5m, chỗ sâu nhất tới 40m, chứa 128.000.000 m3 nước, cấp nước sinh hoạt, trồng cấy cho một số phường xã của thị xã Quảng Yên và thành phố Hạ Long, thành phố Uông Bí. Chính tuyến đường thủy này lại tạo thêm nét đẹp sinh thái, đường đến cửa thiền. Thuyền lướt trên mặt nước trong xanh, qua đảo Canh, hòn Cua… nhiều mỏm núi đất (theo tên gọi địa phương), nhấp nhô trong lòng hồ Yên Lập.
Chùa Lôi Âm xây dựng vào thế kỷ XV, năm Quang Thuận thời Lê Thánh Tông (1460-1469). Theo sách Đại Nam nhất thống chí, chùa Lôi Âm gồm một gian, một trái nhà Thượng điện, nơi thiêu hương (hóa vàng). Thời gian phong hóa, các triều đại phong kiến 3 lần trùng tu lớn. Tấm bia ghi công đức, tạo dựng vào năm Vĩnh Tộ thứ 8 (1626) còn lưu giữ tại đây, vinh danh Chủ sãi, vãi ở các Tổng thuộc huyện Yên Hưng, Hoành Bồ, Hoa Phong… phủ Hải Đông, đạo An Bang công đức trùng tu chùa. Năm Vĩnh Thuận thứ 3 (1660), văn bia công đức ghi: tôn tạo, sơn son thiếp vàng 11 pho tượng. Lần trùng tu thứ 3, nét chữ ghi thời gian mưa nắng mài mòn, không còn rõ niên đại, nhưng phần việc vẫn đọc được rằng: Hương hỏa của các tổng, xã trong vùng chi tu sửa 16 pho tượng và 5 gian thượng điện, tiền đường, hậu đường, nơi thiêu hương khánh tán. Kết cấu kiến trúc chùa theo kiểu “Nội công ngoại quốc” rộng 3.410m2. Cổ vật quanh chùa, còn 14 tháp xây bằng đá xanh và gạch đất nung, 2 thống đá, một cây hương đá cao 2,48m chạm hoa sen và hoa cúc, 5 bia đá vành khung khắc hoa văn trang trí, đậm dấu ấn mỹ thuật thời Lê-Mạc (thế kỷ XVII).
Chùa Lôi Âm nức tiếng linh thiêng, tục truyền “Nửa đêm có chớp chùa Lôi, con ơi tỉnh giấc mang nồi ra sân”. Ý nghĩa, khi có sấm chớp ở chùa Lôi, ắt có mưa to, mang nồi ra hứng nước. Ngày trước công cụ lấy nước trời chủ yếu là nồi niêu, vò chĩnh. Và còn nhiều huyền thoại thần thiêng, trên quả núi địa linh này. Chùa Lôi Âm lại ở một khu rừng, phong cảnh đẹp. Ngay từ năm Tự Đức thứ 3, triều Nguyễn, chỉ dụ “Lôi Âm danh sơn Hải Đông”. Tạm dịch: Rừng núi Lôi Âm, ở phủ Hải Đông phong cảnh đẹp. “Hải Đông” nay là tỉnh Quảng Ninh. Sách Đồng Khánh Dư địa chí có đoạn: “Tỉnh hạt Quảng Yên có danh sơn là núi Lôi Âm, sông lớn là sông Bạch Đằng. Danh thắng có chùa Lôi Âm, được xây dựng trên núi Lôi Âm”. Chùa Lôi Âm giỗ sư tổ vào ngày 27 tháng Giiêng. Lễ kết hợp với Hội diễn ra đến ngày đầu tháng 2, hội gồm: Thi vật, cờ tướng, chọi gà.
Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, chùa Lôi Âm là căn cứ địa của Trung đoàn 98, bộ đội chủ lực vùng Đông Bắc, ông Vũ Mạnh Hùng là Trung đoàn trưởng. Ông Hùng chỉ huy chiến đấu giỏi, nổi danh hổ xám vùng Đông Bắc. Quân Pháp vô cùng sợ hãi, đơn vị thiện chiến tiêu diệt nhiều đồn bốt trên tuyến Quốc lộ số 10 và số Quốc lộ 18. Trận chiến đấu oanh liệt đánh bốt Yên Lập, Trung đoàn 98 tiêu diệt toàn bộ quân địch, thu 20 súng cùng nhiều quân trang. Ông Nguyễn Huy Tăng, Trung đoàn phó hy sinh, đơn vị làm lễ truy điệu tại chùa Lôi Âm và đặt ông nằm lại ngay trên vùng đất thiêng này.
Năm 1997, chùa Lôi Âm được Bộ Văn hóa xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Ngôi chùa cổ kim trầm tích, tiếng thiêng, cảnh đẹp, tự nhiên hương. Khách thập phương mến mộ, chùa đứng trong top đầu, chuỗi đền chùa có số lượng khách lớn ở vùng Đông Bắc. Tiết xuân Ất Mùi, du khách về dự hội, vãn cảnh chùa Lôi Âm “thực mục” cửa thiền không vẩn đục sắc chợ trời, như đây đó ta thường gặp.
Nhà sư Thích Bản Tường – trụ trì chùa Lôi Âm, gắn Đạo với Đời, cùng các vị chức sắc, tăng ni, phật tử kết hợp với chính quyền địa phương, xây dựng nếp sống văn hóa lễ hội, nơi cửa Phật. Chống chùa biến thành chợ. UBND phường Đại Yên đã di chuyển 13 lò nướng gà tự phát, trên đường Chúa Ngự. Vừa chay tịnh cửa thiền, vừa phòng hỏa hoạn rừng thông, bảo vệ môi trường hồ Yên Lập, nguồn nước ăn của bao người. Phương tiện giao thông được sắp xếp hợp lý, từ Quốc lộ 18 rẽ vào bến Đá Gân, qua đoạn đường liên thôn dài 1,5km, có 5 xe điện chuyển tải du khách. 19 con đò máy đưa khách qua lòng hồ, khách mặc đủ áo phao, đò mới nhổ neo rời bến. Đường vãn cảnh không có người ăn xin, cò mồi, kẻ dở phiền nhiễu. Dịch vụ ăn uống, thực khách thưởng thức thương hiệu gà nướng, dứa Đại Yên, nhà hàng phục vụ ở gần Quốc lộ 18, tiện lợi, hợp vệ sinh.
Trong những ngày lễ hội, mỗi ngày, chùa Lôi Âm có gần vạn lượt khách vãng lai, thưởng ngoạn, trật tự – an ninh đảm bảo. Hôm trước lễ hội, một toán 3 tên có tiền án cướp của công đức ở nhiều đền chùa vùng duyên hải, chúng vừa mò đến chùa Lôi Âm đạo tặc bị Công an tóm gọn, ấm lòng tin du khách.
Chùa Lôi Âm giữ gìn phong cảnh, giữ gìn nét đẹp văn hóa ngàn xưa. Không biến chùa thành chợ, nơi từ bi cửa Phật thâm nghiêm, một vùng du lịch tâm linh, du lịch sinh thái cuốn hút bao người, đang tỏa sáng bên vịnh Hạ Long – kỳ quan thiên nhiên thế giới.