Home / Văn mẫu THPT / Văn mẫu lớp 11 / Tâm sự của Hồ Xuân Hương trong bài thơ Tự tình II

Tâm sự của Hồ Xuân Hương trong bài thơ Tự tình II

Có ý kiến cho rằng: “Hồ Xuân Hương là một phụ nữ nổi loạn, phá phách vì thơ bà cười cợt những định kiến của xã hội phong kiến, những kẻ mũ cao áo rộng mà đạo đức giả, bà cười từ nho sĩ đến tăng lữ và cả vua chúa”. Nhưng có một Hồ Xuân Hương ban ngày phá phách, cười cợt nhưng ban đêm khóc thầm, ngậm ngùi, chua xót. Bài thơ Tự tình II là tâm sự thống thiết của nữ sĩ về cảnh ngộ, số phận của bản thân mình.

Tên gọi bài thơ Tự tình là tự bộc lộ nỗi lòng. Hồ Xuân Hương đã khắc hoạ hiện thực tâm hồn của một người phụ nữ bất hạnh. Mở đầu bài thơ, Hồ Xuân Hương giãi bày tình cảnh cô đơn của mình: “Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn

Trơ cái hồng nhan với nước non”

Có một nhân vật trong đêm khuya đang thao thức, trằn trọc. Thao thức thì mới nghe được trống cầm canh từ xa vọng lại “văng vẳng”. Tiếng trống giữ nhịp thời gian bình thường, đêm nào chẳng vậy! Nhưng với Hồ Xuân Hương lại thành dồn dập. Câu thơ không còn tả không gian, thời gian khách quan nữa mà chứa đầy cảm xúc. Tâm hồn Hồ Xuân Hương muốn yên tĩnh nhưng chẳng yên tĩnh được; muốn tan chảy khi âm thanh trống canh lại ngăn cản. Câu thơ gợi được tâm trạng buồn bực, khó chịu, u uất, bứt rứt. “trống canh dồn” là cảm nhận được thời gian đang hối thúc, đêm tàn, ngày lên người soi mình vào cái lặng im, trống rỗng đã cô đơn lại thắm nỗi trơ trọi. Câu thơ thừa đề xoáy sâu nỗi cô đơn “trơ cái hồng nhan với nước non”. “Hồng nhan” chỉ người phụ nữ đẹp, vậy mà thiếu vắng người tri kỉ trở nên vô duyên, vô phận, Hồ Xuân Hương nói “cái hồng nhan” là đã tiếc thân mình ghê gớm. Ghép chữ “cái” vào “hồng nhan”, lại đảo ngữ đưa từ “trơ” ra phía trước để nhấn mạnh một thiếu phụ cô độc, bẽ bàng. Hồng nhan đáng lẽ phải được quân tử yêu thương, đằng này lại trơ ra với nước non. Nghệ thuật đối khắc hoạ cái tôi bé nhỏ, đối lập với cả vũ trụ, cả thế giới, cả đời. Một cái tôi mơn mởn xuân sắ, rạo rực xuân tình bị bỏ rơi, bị lãng quên thì những đau khổ, bực bội bị đẩy lên đỉnh điểm. Cách ngắt nhịp 1/3/3 như nghẹn tức.

Xem thêm:  Soạn bài từ đồng âm

Hồ Xuân Hương nói rõ hơn sự dở dang đời mình trong tiếng thở dài buồn thảm:

“Chén rượu hương đưa say lại tỉnh

Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn”

Nỗi cô đơn của Hồ Xuân Hương đâu phải chỉ một đêm một ngày mà đã biết bao đêm, bao tháng, bao năm. Để nguôi quên tình cảnh xót xa, người cô phụ tìm đến men rượu. Nhưng cứ say rồi lại tỉnh. Đó là vòng luẩn quẩn, chứa đầy nỗi chán chường, vô vọng vì sự cô đơn đã thấm vào tận máu. Muốn quên mà không quên được, đó mới thực sự là nỗi khổ. Một nhân vật trong truyện ngắn Nam Cao đã triết lý: “ Người ta khổ mà không biết mình khổ thì không khổ”. Còn người cứ nhận thức được nỗi khổ của mình thì dù cố dằn hắt, vùi nén thì càng thắm thiết, nhọc lòng. Ta lại như nhìn thấy người đàn bà uống rượu suông trong đêm vắng, đem chính cái hồng nhan của mình ra làm thức nhắm, để rồi rợn lên, rùng mình, gợi lại về tuổi xuân sắp trôi qua “vầng trăng bóng xế”.

Vầng trăng vừa có thật vừa tượng trưng, vầng trăng bóng xế gợi đêm đã gần tàn, Hồ Xuân Hương thức trắng đêm. Vầng trăng gợi ý nghĩa hạnh phúc, Hồ Xuân Hương cảm xúc về hạnh phúc vẫn chưa tròn đầy. Bà đã chờ đợi, mong mỏi; khát khao nhưng vẫn trăng đã xế lại còn khuyết mà chẳng biết khi nào tròn. Có lẽ Hồ Cuân Hương đã nếm trải đầy đủ những vị chua chát, đắng cay cuộc đời mà sự ngọt ngào hạnh phúc vẫn xa vời, Hai câu thơ là tâm trạng buồn chán, ảm đạm kéo dài; lại như một lời giễu cợt, mình sắp già rồi mà hạnh phúc vẫn thiếu hụt, xa vời; tình duyên vẫn cọc cạch, lẻ loi.

Hai câu luận của bài thơ ta thực đêm trăng nhưng ngụ tình:

“Xiên ngang mặt đất rêu từng đám

Đâm toạc chân mây đá mấy hòn

Nhìn ra không gian đất trời mênh mông, không cùng, Hồ Xuân Hương phát hiện những cảnh vật bé mọn, là rêu, là đá. Từng đám rêu yếu ớt lại cựa quậy, xiên ngang mặt đất để trồi lên, mấy hòn đá vô tri đang nhô lên xé rách cả bầu trời. Dường như đất cũng hẹp mà trời cũng chất khiến các vật vô tri, vô giác muốn phá phách, tung hoành. Nghệ thuật đảo ngữ và dùng động từ mạnh” “xiên”, “đâm” để tạo cảm giác mạnh mẽ, tung hoành. Hình tượng thiên nhiên phản ánh hình ảnh của con người. Với cá tính mạnh mẽ, táo bạo, quyết không cam chịu số phận bi thảm; Hồ Xuân Hương muốn phản kháng để tìm hạnh phúc cho bản thân. Hoàn cảnh đáng buồn không thể làm tê liệt tình yêu cuộc sống của bà. Cái chồi mầm sự sống ấy vẫn cựa quậy muốn thoát khỏi bóng đêm dưới mặt đất để vươn ra không gian đất trời mênh mông.

Đến hai câu kết, dù đã có sự nổ lực, dù phản kháng nhưng khát vọng Hồ Xuân Hương như ngọn cỏ bị hòn đá tảng ngàn năm của lễ giáo phong kiến đè bẹp đến héo úa. Vì thế, tâm trạng Hồ Xuân Hương kết lại thành khối ngao ngán, buồn chán: “Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại / Mảnh tình san sẻ tí con con”. Bà nhận ra mùa xuân của đất trời tuần hoàn “đi” “lại lại” mà tuổi xuân của con người trôi qua không bao giờ quay về. Sự tương phản khắc nghiệt giữa thiên nhiên và cuộc đời con người làm bà hiểu rõ hạnh phcus là cơ hội và buồn thay, cơ hội đó dường như không đến với Hồ Xuân Hương. Với người khác, hạnh phúc là khối tình, là tâm tình, thì với Hồ Xuân Hương tội nghiệp chỉ là mảnh tình san sẻ tí con con. Mảnh tình của Xuân Hương bé như mảnh vỡ. Lại có người hiểu câu cuối là sự gắng gượng đấu tranh, dẫu số phận không mỉm cười, dẫu cơ hội hạnh phúc chưa đến được nhưng Hồ Xuân Hương vẫn khát khao, vẫn đợi chờ một mảnh tình ai đó san sẻ với bà dù là “bé con con”.

Hồ Xuân Hương đã sử dụng nhuần nhuyễn các từ thuần Việt để Việt hoá thể thơ Đường luật, xoá nhoà tính ước lệ tượng trưng, mang lại hình ảnh màu sắc, đường nét của cảnh, của tâm trạng. Những từ chỉ tình thái “dồn, trơ, xế, xiên ngang, đâm toạc”; các tính từ chỉ trạng thái “say, tỉnh, khuyết, tròn” đã diễn tả những cảm nhận sâu sắc về sự đời và số phận.

Xem thêm:  Tóm tắt đoạn trích Lão Hạc trong truyện ngắn cùng tên của tác giả Nam Cao.

Trong thơ ca dân gian và thơ ca trung đại có những tác phẩm viết về thân phận người phụ nữ với sự thương cảm sâu sắc. Đó là:

“Thân em như hạt mưa rào”

“Thân em như giếng giữa đàng”

“Thân em như trái bần trôi”

Rồi có tiếng thở than, oán trách, uất hận của người chinh phụ có chồng đi chinh chiến biền biệt phương xa, của người cung nữ bị vua chúa ruồng bỏ. Hay như Đại thi hào Nguyễn Du đã khái quát:

“Đau đớn thay phận đàn bà

Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”.

Hồ Xuân Hương có một điểm riêng là viết về chính bi kịch của đời mình. Chế độ phong kiến đề cao nam quyền “trọng nam khinh nữ”; “phu xướng phụ tuỳ” đã cắt xén không thương tiếc những tình cảm riêng tư, tình yêu con người. Có những gọng kiềm đã xiết chặt cuộc đời người phụ nữ. Hồ Xuân Hương mạnh mẽ nêu lên những đòi hỏi chính đáng về quyền sống và quyền hạnh phúc. Thơ Hồ Xuân Hương mang một quan niệm nhân sinh mới mẻ, táo bạo, rất tiến bộ về con người và cuộc sống của con người. Hồ Xuân Hương xem xét con người tồn tại trên mặt đất này với tất cả những nhu cầu trần thế, hiện thực. Đọc thơ Hồ Xuân Hương ta thấy trong đó vừa có tiếng cười, vừa có tiếng khóc. Nhưng đối với bà, cười hay khóc đều thể hiện tình cảm yêu đời thiết tha.

Tự tình II như tiếng khóc dài phơi trải nỗi lòng của người phụ nữ khát khao duyên phận, ấm ức duyên tình. Nói như giáo sư Trần Đình Sử “là sự thương thân của một ý thức cá nhân đã thức tỉnh”.

Check Also

unnamed 310x165 - Bình giảng bài thơ Bài ca ngất ngưởng của Nguyễn Công Trứ

Bình giảng bài thơ Bài ca ngất ngưởng của Nguyễn Công Trứ

Đề bài: Bình giảng bài thơ Bài ca ngất ngưởng của Nguyễn Công Trứ Bài …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *