Phân tích truyền thuyết thuyết An Dương Vương và Mị Châu- Trọng Thủy
Hướng dẫn
Đề bài: Truyền thuyết An Dương Vương và Mị Châu Trọng Thủy là câu chuyện về quá trình dựng nước và giữ nước của vua An Dương Vương, qua đó tác giả dân gian đã thể hiện thái độ đánh giá công bằng với từng sự kiện, nhân vật lịch sử. Anh chị hãy phân tích truyền thuyết thuyết An Dương Vương và Mị Châu- Trọng Thủy.
I. Dàn ý chi tiết
1. Mở bài
Giới thiệu về truyền thuyết: Truyền thuyết An Dương Vương và Mị Châu- Trọng Thủy là câu chuyện dân gian nổi tiếng về quá trình dựng nước, mất nước của vua An Dương Vương.
2. Thân bài
– Truyện An Dương Vương và Mị Châu- Trọng Thủy trước hết là lời ca ngợi về công lao dựng nước của vua An Dương Vương.
+ dời đô đến Cổ Loa để ổn định và phát triển đất nước, xây dựng thành ốc để thủ thế trước móng ngựa xâm lược của kẻ thù.
+ Công lao của An Dương Vương được trời xanh nhìn thấu.
– An Dương Vương đã nhận được sự giúp đỡ của thần Kim Quy và được dạy cách làm Nỏ thần để giữ nước.
– An Dương Vương cũng tồn tại những hạn chế nhất định, mà hạn chế lớn nhất chính là thái độ chủ quan khinh địch.
–> Ỷ vào Nỏ thần mà An Dương Vương dần lơ là đối với việc đề phòng với kẻ thù.
+ Chấp nhận lời cầu hôn của Triệu Đà mà còn để cho Trọng Thủy sinh sống trong chính cung điện của mình
+ Khi giặc kéo đến chân thành nhà vua vẫn ung dung ngồi đánh cờ–> Mất nước
=> Bài học về sự chủ quan khinh địch chính là nước mất, nhà tan.
– Mị Châu là người con gái mà An Dương Vương yêu quý nhất, đồng thời cũng là giặc như lời kết tội của thần Kim Quy.
–> cô gái dại khờ, vì quá yêu và tin tưởng chồng mà đặt vận mệnh của đất nước trên chảo lửa.
– Trọng Thủy là người lấy cắp Nỏ thần, một kẻ gián điệp trong mắt con dân Đại Việt. Tuy nhiên nếu đánh giá một cách công bằng, chàng là, là một người con có hiếu, người có công với đất nước của mình.
3. Kết bài
Cùng với bài học sâu sắc về quá trình dựng nước, giữ nước của An Dương Vương, người đọc cũng xót xa thương cảm với chuyện tình đẹp nhưng đầy bi kịch của Mị Châu và Trọng Thủy.
II. Bài tham khảo
Truyền thuyết An Dương Vương và Mị Châu- Trọng Thủy là câu chuyện dân gian nổi tiếng về quá trình dựng nước, mất nước của vua An Dương Vương, đồng thời truyền thuyết cũng đã thể hiện được quan niệm của nhân dân về bài học giữ nước, câu chuyện tình yêu đầy bi kịch của Mị Châu và Trọng Thủy.
Truyện An Dương Vương và Mị Châu- Trọng Thủy trước hết là lời ca ngợi về công lao dựng nước của vua An Dương Vương. Hình ảnh vị vua sáng giỏi tài thao lược thể hiện thông qua chi tiết dời đô đến Cổ Loa để ổn định và phát triển đất nước, xây dựng thành ốc để thủ thế trước móng ngựa xâm lược của kẻ thù. Công lao của An Dương Vương được trời xanh nhìn thấu, vì vậy nên An Dương Vương đã nhận được sự giúp đỡ của thần Kim Quy và được dạy cách làm Nỏ thần để giữ nước.
Tuy có công lao gây dựng đất nước nhưng bản thân An Dương Vương cũng tồn tại những hạn chế nhất định, mà hạn chế lớn nhất chính là thái độ chủ quan khinh địch. Ỷ vào Nỏ thần mà An Dương Vương dần lơ là đối với việc đề phòng với kẻ thù. Không chỉ dễ dàng chấp nhận lời cầu hôn của Triệu Đà mà còn để cho Trọng Thủy sinh sống trong chính cung điện của mình. Hành động này của An Dương Vương chẳng khác nào nuôi giặc trong nhà.
Khi Nỏ thần đã bị đánh cắp, An Dương Vương vẫn không hề hay biết, cả khi giặc kéo đến chân thành nhà vua vẫn ung dung ngồi đánh cờ và nói “Đà không sợ Nỏ thần nữa sao”. Khi phát hiện ra Nỏ thần đã mất thì mọi chuyện cũng đã quá muộn. Bài học về sự chủ quan khinh địch chính là nước mất, nhà tan.
Mị Châu là người con gái mà An Dương Vương yêu quý nhất, đồng thời cũng là giặc như lời kết tội của thần Kim Quy. Theo dõi câu chuyện ta có thể thấy đây là cô gái dại khờ, vì quá yêu và tin tưởng chồng mà đặt vận mệnh của đất nước trên chảo lửa. Người con gái này vừa đáng trách nhưng cũng rất đáng thương, đáng trách ở chỗ cả tin, mù quáng. Mị Châu không những trốn cha cho Trọng Thủy xem nỏ thần, vô tình tạo điều kiện cho Trọng Thủy đánh tráo mà ngay khi thành bị tấn công vẫn không hề hay biết chồng mình là kẻ phản bội mà rắc lông ngỗng trên đường đi để Trọng Thủy đuổi theo cha con mình.
Mị Châu cũng là người đáng thương bởi nàng quá yêu thương, tin tưởng và một lòng tin tưởng chồng mà không hề hay biết mình chính là người nối giáo cho giặc, trở thành tội nhân của đất nước. Sai lầm của Mị Châu cuối cùng phải trả giá bằng chính trái tim vỡ nát và mạng sống của mình.
Tác giả dân gian cũng đã thể hiện sự đồng cảm của mình với MỊ Châu bằng cách chứng minh tấm lòng sáng trong của nàng qua chi tiết máu nàng hóa thành ngọc trai.
Trọng Thủy là người lấy cắp Nỏ thần, một kẻ gián điệp trong mắt con dân Đại Việt. Tuy nhiên nếu đánh giá một cách công bằng, chàng là, là một người con có hiếu, người có công với đất nước của mình. Trong vai trò của người chồng chàng luôn yêu thương, trân trọng đối với Mị Châu. Tuy từng lợi dụng sự cả tin của Mị Châu để lấy được Nỏ thần nhưng tình cảm của chàng với MỊ Châu vẫn luôn chân thành, thủy chung.
Lường trước được kết cục phân li, trước khi về nhà, Trọng Thủy đã dặn Mị Châu rắc lông ngỗng một khi hai người lạc mất nhau để chàng có thể tìm được vợ của mình. Cuối cùng, ngay cả khi Triệu Đà đã cướp được nước,Trọng Thủy không hề vui sướng mà day dứt nỗi đau riêng, khi đi tắm, nhìn thấy hình bóng Mị Châu dưới giếng nước, chàng đã mải miết đuổi với mà chết đuối.
Cùng với bài học sâu sắc về quá trình dựng nước, giữ nước của An Dương Vương, người đọc cũng xót xa thương cảm với chuyện tình đẹp nhưng đầy bi kịch của Mị Châu và Trọng Thủy. Qua truyền thuyết này tác giả dân gian cũng mang đến những bài học giữ nước sâu sắc, về mối quan hệ giữa cái cá nhân và tập thể, giữa cái chung và cái riêng.
Theo Vanmautuyenchon.com