Phân tích nhân vật chiến trong tác phẩm Những Đứa Con Trong Gia Đình
Bài làm
Nguyễn Thi là một nhà văn trưởng thành trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ngòi bút của Nguyễn Thi thể hiện chân thực, giàu tình cảm, cùng với đó là ông đã tạc nên được bức chân dung lớn của người dân Nam Bộ trong cuộc kháng chiến oanh liệt thông qua nhiều tác phẩm. Đặc biệt không thể không nhắc đến Những Đứa Con Trong Gia Đình. Tác phẩm này thành công ở rất nhiều phương diện, nhưng lớn nhất có lẽ là thành công ở việc xây dựng nhân vật. Trong đó nhân vật Chiến hiện lên thật hay và hấp dẫn.
Chiến cũng được nuôi dưỡng không chỉ từ dòng sữa của mẹ, giọt nước hạt gạo quê hương hay hương thơm của một miền đất quanh năm trĩu nặng những bông lúa, rồi miệt vườn. Chiến được sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước và truyền thống anh hùng. Gia đình này có một mối thù sâu sắc với giặc Mỹ đó là ông nội bị lính tổng phòng bắn vào bụng, còn ba của Việt và Chiến làm cách mạng bị giặc bắt chặt đầu đem đi bêu ở khắp chợ trong chuyện. Thế rồi đến má cũng bị đại bác của giặc bắn chết. Và cho đến chú Năm bị mảnh đạn của thời Pháp thuộc vẫn còn găm trong người. Chưa hết, đến thím Năm cũng bị đại bác của Mĩ nguỵ giết hại. Chính vì mối thù này mà Chiến cũng như Việt đã xin đi đánh giặc để trả thì cho ba má, cho gia đình và cho cả quê hương.
Chị Chiến hiện lên là một người con gái mang vóc dáng của mẹ mình và đến cả Việt cũng như chú Nam đều nhận xét Chiến giống mẹ với hình ảnh “hai bắp tay tròn vo sạm đỏ màu cháy nắng…, thân người to và chắc nịnh”. Và nhà văn Nguyễn Thi đã miêu tả Chiến giống mẹ, giống dáng hình cho đến sự dũng cảm và có cả một sự tiếp nối nữa. Chiến giống mẹ hơn cái đêm sắp xa nhà đi bộ đội thì Việt cũng như độc giả nhận thấy được chị Chiến hiện lên là một cô gái biết lo liệu, biết toan tính việc nhà và lo việc đâu ra đấy. Các công việc được chị Chiến lo như từ em út, nhà cửa, giường ván, ruộng nương cho đến việc quan trọng đó là nơi gửi bàn thờ má. Chị Chiến liệu việc y hệt má mà chính Việt nhận ra rằng chị Chiến “nói nghe in như má vậy”. Việt đã không dưới ba lần thấy chị mình giống in người mẹ, và nếu như có sai khác thì cũng chỉ có chỗ chị Chiến không bẻ tay rồi đập vào bắp vế than mỏi mà thôi. Chính Chiến cô cũng thấy mình trong đêm ấy đang hòa vào trong mẹ vậy “Tao cũng lựa ý nếu má còn sống chắc má tính vậy, nên tao cũng tính vậy”. Nhà văn Nguyễn Thi muốn cho ta hiểu rằng cũng chính trong cái thời điểm thiêng liêng ấy, thì người mẹ sống hơn bao giờ hết trong những đứa con.
Chiến là một người biết lo toan mọi việc trong gia đình và cũng rất chăm chỉ mọi việc. Ngay cả việc học hành Chiến cũng chăm chỉ, điều này thể hiện ở việc Chiến có thể bỏ ăn để đánh vần cuốn sổ gia đình. Chị Chiến không chỉ “nói in như má” mà còn học được cách nói thật trọng trọng của chú Năm. Thế nhưng không thể phủ nhận được nếu như so với thế hệ mẹ thì người con gái ấy là khúc sông sau như cũng rộng hơn, chảy nhanh hơn, chảy xa hơn.
Hình ảnh Chiến hiện lên còn là một người con gái dũng cảm và vô cùng anh hùng. Điều này còn được thể hiện ở chỗ khi Chiến ra tận ngoài mặt trận, cũng không chỉ ở cái dáng trẻ trung, tươi tắn “kẹp một nhúm tóc mai vào miệng”. Chiến đã đi bộ đội để trả thù nhà, và cũng chính với quyết tâm như dao chém đá của Chiến đã thể hiện qua một câu nói: “Tao đã thưa với chú Năm rồi. Đã làm thân thân con gái thì giặc còn thì tao mất”.
Nhà văn Nguyễn Thi còn đặc tả đoạn chị em Chiến, Việt khiêng bàn thờ mẹ sang nhà chú là đoạn văn hay nhất, đoạn văn xúc động nhất tác phẩm “Những đứa con trong gia đình”’. Có thể nhận thấy được cũng chính với chỗ hay nhất của đoạn văn hay nhất ấy có lẽ là cái không khí thiêng liêng mà dường như nó cũng đã hoán cải cả cảnh vật lẫn con người. Trên con đường đi vốn cũng đã rất quen thuộc bỗng thấy có thêm mùi hoa cam thoảng lại tự chân vườn. Việt lúc đó đã như khôn lớn hơn và hiểu được lòng mình, anh như thương chị Chiến đến lạ lùng. Chị Chiến với vóc dáng to khỏe vác bổng bàn thờ lên vai mà như sức nặng của thù nhà. Mối thù với giặc Mỹ như nặng vai biết bao nhiêu. Chính Chiến dường như cũng nhận ra được trách nhiệm của mình. Thông qua đây người đọc cũng sẽ cảm nhận thấy được rằng chính những đứa con trong gia đình giờ đây cũng đã đủ sức để bay xa hơn thế hệ đi trước.
Trong truyện ngắn này thì tác giả Nguyễn Thi như cũng chỉ nói về một con sông nhưng chúng ta lại không thấy chỉ có một dòng sông. Mà lớn hơn, sâu hơn ở truyện ngắn chính là nói về một biển cả, đến đại dương rộng lớn hơn. Nguyễn Thi như muốn nói không chỉ là một gia đình mà còn là một tổ quốc với biết bao nhiêu điều to lớn, đất nước đang chung tay để có thể hào hùng chiến đấu bằng chính sức mạnh sinh ra từ chính nỗi thương đau.
Thông qua nhân vật chị Chiến nhà văn Nguyễn Thi cũng đã ngợi ca được những người con gái dũng cảm của miền Nam Bộ. Họ luôn kiêng cường, chân thật cũng như có một lòng yêu nước đến sâu sắc. Nhân vật Chiến như một vẻ đẹp bất khuất, một vẻ đẹp đại diện không chỉ cho người phụ nữ Nam Bộ mà còn là tất cả những người phụ nữ Việt Nam anh hùng.
Huệ Vũ