Nhà văn Nga Macxim- Gorki từng nói: Mỗi quyển sách là một bậc thang nhỏ mà khi bước lên, ta tách rời con thú để đến với con người”.
Hãy phân tích một trong các tác phẩm “Lão Hạc” ( Nam Cao), “ Tắt đèn” (Ngô Tất Tố) “Chiếc lá cuối cùng” (O-Hen ri) để làm sang tỏ nhận điịnh trên.
Bài làm
Văn học đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống con người. Văn học chân chính mở mang tầm mắt, giúp ta có một lối sống tốt đẹp để hoàn thiện nhân cách. Sâu sắc hơn nữa, văn học có khả năng nhân đạo hóa con người. Bàn về vấn đề này, nhà văn Mác xim Gorki từng nói: “Mỗi quyển sách là một bậc thang nhỏ mà khi bước lên, ta tách rời con thú để đến với con người”.Điều mà câu nói truyền tải đã được thể hiện một cách chân thực và cảm động qua “ Chiếc lá cuối cùng” của O- Hen ri.
Sách là kho tàng tri thức của nhân loại, là nơi lưu giữ kiến thức. Sách trong câu nói của Gorki là chỉ những tác phẩm văn học- những đứa con tinh thần của nhà văn, những tác phẩm lay động trái tim người đọc bằng những quan niệm, suy nghĩ của tác giả. “Con thú” ở đây chỉ những suy nghĩ, những quan niệm tầm thường, sự ích kỉ chỉ nghĩ cho bản thân mà quên đi người khác. “ Tách rời khỏi con thú” phải chăng chỉ rằng sách, tác phẩm văn học giúp ta xa rời những cái xấu, xa rời những điều không nên để đến đâu? Đến với “con người”. “ Con người” ở đây chỉ những đức tính của con người, là sự cảm thông, chia sẻ, là thế giới của lòng tốt, thế giới của tinh thần nhân đạo, biết nhìn người, nhìn đời bằng đôi mắt của tình thương. Một thế giới của cảm xúc đẹp đẽ, của kỉ niệm chứa chan. Câu nói của Gorki muốn khẳng định rằng: mỗi một tác phẩm nghệ thuật giúp ta xa rời những cái tầm thường, cái đáng chê trách để đến với những cái tốt đẹp nên được lan truyền trong cuộc sống. Đó âu cũng chính là cái thiên chức cao cả, cái cầu nối nối đúng đắn nhất khi bàn về văn học. Những tác phẩm làm được điều này chính là những tác phẩm chân chính., bởi chúng nhân đạo hóa con người, chúng giúp ta đẩy lùi cái xấu, đến với cái tốt đẹp.
“ Chiếc lá cuối cùng” kể về câu chuyện của một họa sĩ nghèo mắc căn bệnh sưng phổi. Bệnh tật và nghèo túng khiến cô sống một cách ích kỉ, luôn nghĩ đến cái chết. Một họa sĩ già ở cùng khu trọ biết chuyện của cô, nên khi vừa nghe Xiu, chị gái kết nghĩa của cô gái bất hạnh tên Giôn- xi kia nói rằng: khi chiếc lá cuối cùng trên cấy thường xuân rụng xuống, cô sẽ buông xuôi lìa đời.. Cụ họa sĩ già Bơ-men đã vẽ chiếc lá thường xuân trên bức tường vào đêm chiếc lá rụng làm thay đổi suy nghĩ của Giôn-xi. Nhưng không may, cũng chính vào đêm đó, cụ đã qua đời.
Cái ích kỉ của Giôn-xi phải chăng là bậc thang đầu tiên dẫn người đọc vào thế giới của tình thương. Vốn gia cảnh nghèo khó, tiền kiếm được từ việc vẽ những bức tranh cũng chỉ đủ sinh sống qua ngày. Vậy mà ông trời giáng xuống cô bé nhỏ bé kia căn bệnh sưng phổi- một căn bệnh khó chữa bấy giờ và có chữa được thì cũng tốn rất nhiều chi phí. Thử hỏi mà xem, cô có tuyệt vọng, có đớn đau không chứ? Con đường trước mắt như sụp đổ, Giôn-Xi quên đi mọi thứ, quên đi tình bạn giữa cô và Xiu, quên đi bao nhiêu thứ níu giữ cô với cuộc đời. Giôn-xi tuyệt vọng, và một điều đáng sợ hơn khi giương mắt nhìn những chiếc lá thường xuân yếu ớt ngoài cửa sổ, cô nghĩ rằng: vào cái hôm chiếc lá cuối cùng rụng, cũng là lúc mình qua đời. Để rồi cái suy nghĩ đó bám chặt lấy cô, Giôn- xi ăn uống như “ cho có”, uống thuốc một cách miễn cưỡng, luôn ngắm nhìn những chiếc lá mỏng manh ngoài kia. Mặc cho chị Xiu đau lòng, mặc cho bao nhiêu người dõi theo, Giôn-xi không còn một chút niềm tin vào cuộc sống. Những chuỗi ngày kia quả là những ngày đáng sợ đối với Giôn-xi, với Xiu và với cả cụ Bơ-men. Sự bàng quan, thờ ơ đó của Giôn-xi phải chăng đó là “con thú” ở con người, cái ích kỉ, xấu xa, cái suy nghĩ chỉ cho bản thân mình là nấc thang đầu tiên xuất phát đưa người đọc vào câu chuyện.
Tình yêu thương, sự hy sinh của cụ Bơ-men là thế giới của tình thương mà tác phẩm đưa người đọc đến. Vốn không phải người quen thân thích, cũng không phải người “ vào sinh ra tử” với Giôn-xi nhưng cụ Bơ-men với trái tim của lòng nhân ái đã có một quyết định mang tính cột mốc trong cuộc đời cụ. Khi nghe Xiu kể chuyện, trong tâm trí của cụ Bơ-men dường như đã có một suy nghĩ gì đó mà chỉ có độc giả chúng ta mới là người hiểu được. Cụ bắt đầu có ý định vẽ chiếc lá cuối cùng , chiếc lá đó từ khi có trong tâm trí cụ đã là một minh chứng cho tình yêu thương. Và cái lúc cụ vẽ lên chiếc lá cũng là lúc tình yêu thương trở nên mãnh liệt nhất. Vào cái đêm mưa gió đó, tác giả dù không hề kể đến nhưng lại để chúng ta- người đọc tự liên tưởng: vào cái đêm mưa gió ào ào, cụ Bơ-men đã tự lấy một chiếc thang. Với một cụ già mà nói việc làm này thực sự khó khăn, nhưng cụ đã làm được. Để leo lên chiếc thang đó , cầm bảng pha màu trộn giữa hai màu vàng và xanh, đôi tay run run của một cụ già cầm chiếc cọ vẽ lên tường cùng với gió mưa mới khiến ta xúc động làm sao! Khi chiếc thang kia có thể ngã xuống bất cứ lúc nào, cây cọ kia có thể rơi xuống khi gió thổi qua. Có lẽ trước khi thực hiện việc làm này cụ Bơ-men đã từng nghĩ đến điều xấu nhất: cụ qua đời. Nhưng tình thương trong cụ quá lớn lao. Cụ quên đi những suy nghĩ đó và tiếp tục vẽ chiếc lá mặc dù cụ có thể hy sinh ngay tại thời khắc đẹp đẽ kia. Chiếc đèn kia có đủ để soi sang cụ trong đêm tối không , hả cụ? Gió bấc kia có khiến cụ lạnh không, hả cụ? Và rồi, cụ Bơ-men ra đi để lại bao xúc cảm, bao nhiêu biết ơn trong chúng ta. Cụ ra đi nhưng đã để lại kiệt tác là chiếc lá để cứu sống Giôn-xi. Cụ quá cao cả! Càng đọc, càng ngẫm nghĩ về nhân vật Bơ-men, ta càng lên được nhiều nấc thang đến với “con người”, với tình thương hơn bao giờ hết.
Bên cạnh nhân vật cụ Bơ-men, có thể nói Xiu cũng là một con người đáng quý khi luôn luôn chăm sóc người em gái kết nghĩa, luôn khổ đau khi suy nghĩ về cái chết luôn hiện hữu trong tâm trí Giôn-xi., dù cô và Giôn-xi cũng không phải là chị em ruột thịt. Tình thương yêu giữa những con người nghèo khổ, đặc biệt là hành động hy sinh cả tính mạng để vẽ chiếc lá cứu sống Giôn-xi của cụ Bơ-men đã đưa người đọc đến thế giới của tình thương, lên được nhũng nấc thang cao nhất.
Hình ảnh vẽ chiếc lá- kiệt tác của cụ Bơ-men và sự tác động của chiếc lá đến tâm trí Giôn-xi đã góp phần không nhỏ trong việc đưa người đọc đến với thế giới của tình thương, của “ con người”. Khi thấy chiếc lá thường xuân vẫn còn hiện hữu ngoài kia, ngoài cửa sổ, vẫn cái màu sẫm ở cuống lá, rìa lá hình răng cưa đã nhuốm vàng, lúc đó trong tâm trí của Giôn-xi đã có những suy nghĩ, những sự giằng xé lớn lao lắm. Khi một chiếc lá mỏng manh quanh nó là gió, mưa mà nó vẫn vượt qua, vẫn bám lấy cành. Còn Giô-xi- cô thì sao chứ? Có chị Xiu, có cụ Bơ-men, có bác sĩ có những người luôn bên cạnh cô cùng vượt qua khó khăn. Tại sao cô không thể? Để rồi cô lấy lại niềm tin vào sự sống , xin chị Xiu gương, cháo để tiếp tục sống, để hoàn thiện bản thân, khao khát vẽ vịnh Naplơ trong cô lại bùng cháy. Phải nói rằng sự tác động của chiếc lá đến Giôn-xi đã thay đổi tất cả. Cô lấy lại niềm tin, chiến đấu với bệnh tật, không còn sợ sệt, không còn lo âu. Chiếc lá ấy thực sự là một kiệt tác không phải là nó giống thậtt y đúc mà nó đã cứu sống Giôn-xi, cứu sống tính mạng của một con người, hoàn thành thiên chức “ nghệ thuật vị nhân sinh”. Chiếc lá đó được vẽ bằng sự hy sinh hết mình, sự cống hiến thầm lặng của cụ Bơ-men. Đó là những lí do quá đủ để khẳng định chiếc lá cuối cùng là một kiệt tác. Những tác động của chiếc lá đến Giôn-xi là một nấc thang cuối cùng đưa người đọc đến thế giới đẹp đẽ vô ngần của tình thương, của “ con người”.
Qua tác phẩm của O-hen-ri, chúng ta đã đi qua biết bao nhiêu nấc thang, từ sự ích kỉ thờ ơ của Giôn-xi với sự sống, đến cái thế giới tươi đẹp của tình thương và cái tác động của chiếc lá cuối cùng- kiệt tác tốt đẹp của cụ Bơ-men với sự sống của một con người. Và để đến thế giới đó , một phần cũng nhờ vào cách dẫn dắt, nghệ thuật tạo tình huống của tác giả. Ban đầu đến cái kết của câu chuyện đều liên quan đến chiếc lá và căn bệnh sưng phổi. Nếu như ban đầu là một cô gái Giôn-xi tuyệt vọng, buông xuôi tất cả thì cái kết là một Giôn-xi khỏe mạnh với khát khao với đời. Nếu ban đầu là một cụ Bơ-men khỏe mạnh thì kết thúc là một cụ Bơ-men đã chấm dứt cuộc đời với một kiệt tác. Tất cả từ nghệ thuật đến nội dung đều tập trung dẫn dắt người đọc lên từng nấc thang một, đến với “ con người” , với thế giới của tình thương.
Mỗi nghệ sĩ, mỗi nhà văn phải hiểu được cái thiên chức cao cả đó để mỗi tác phẩm của mình đều là một câu chuyện, một thong điệp với cuộc sống . Để văn học chỉ chọn lọc những cái tinh hoa, cái có ý nghĩa cho đời. Còn với người đọc chúng ta họ gửi vào tác phẩm cái thế giới của con người nhưng chúng ta có đến được hay không lại là một chuyện khác. Phải biết đặt mình vào nhân vật, phải nhìn mọi việc bằng con mắt nhân đạo, con mắt của tình thương, phải thực sự tiếp nhận mọi việc bằng xúc cảm mới khai phá thế giới của của lòng nhân đạo, của sự yêu thương. Để lên được nấc thang cao nhất, phần lớn là phụ thuộc vào cách ta tiếp nhận . Tác giả và người đọc phải là những tri âm của nhau.
Đọc “ Chiếc lá cuối cùng” của O-hen-ri, ta càng thấm thía việc tác giả đưa ta lên nấc thang cao nhất bằng tình yêu thương của nhũng con người nghèo khổ, đặc biệt là sự hy sinh của cụ Bơ-men, bằng sự thờ ơ, bang quan ban đầu đến một cái kết đẹp. Từng nấc, thừng nấc ta càng thấm thía, thấu hiểu cái thế giới của con người. Tác phẩm văn học nào cũng vậy, truyền tải thông điệp và khiến ta tự ngẫm nghĩ cái tốt đẹp mà nó đưa đến ta. Vậy nên chẳng hề sai lầm khi nhà văn Nga Mac-xim Gorki đã khẳng định: “Mỗi quyển sách là một bậc thang nhỏ mà khi bước lên, ta tách rời con thú để đến với con người”.