Home / Văn mẫu tiểu học / Văn mẫu lớp 5 / Kể lại một câu chuyện em đã được nghe hoặc được đọc về hòa bình

Kể lại một câu chuyện em đã được nghe hoặc được đọc về hòa bình

Kể lại một câu chuyện em đã được nghe hoặc được đọc về hòa bình

Hướng dẫn

Đề bài: Hòa bình là cuộc sống không còn chiến tranh, không có những mất mát, nơi con người sống với nhau bằng tình thương, sự gắn kết. Tuy nhiên, để có được đất nước hòa bình như ngày nay, ông cha ta đã phải đánh đổi bằng biết bao xương máu. Em hãy kể lại một câu chuyện em đã được nghe hoặc được đọc về hòa bình.

I. Dàn ý chi tiết

1. Dàn ý 1

a. Mở bài

Giới thiệu về câu chuyện em đã được nghe về hòa bình: Vào ngày Thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22 tháng 12, trường em có mời đến hai bác cựu chiến binh

b. Thân bài

  • Lí tưởng cách mạng của các bác cựu chiến binh: tất cả vì độc lập tự do của dân tộc, mang lại hòa bình cho nhân dân
  • Sự gian khổ và hi sinh của người chiến sĩ cách mạng vì hòa bình: Những đồng đội của các bác ngã xuống rất nhiều, khi ấy các bác càng có thêm sức mạnh và lòng căm thù để chiến đấu
  • Niềm hạnh phúc khi đất nước được hòa bình: chỉ có qua gian khổ, đau thương và mất mát với cảm nhận được niềm hạnh phúc đoàn viên, hòa bình

c. Kết bài

Em cảm nhận gì sau ki nghe những câu chuyện về hòa bình: em cảm thấy biết ơn và quý trọng những gì mình đang có, đặc biệt là được sống trong nền hòa bình độc lập dân tộc

2. Dàn ý 2

a. Mở bài

Giới thiệu về câu chuyện em đã được nghe về hòa bình: em đã từng được nghe một câu chuyện về một cô bé ngây thơ yêu chuộng hòa bình

b. Thân bài

  • Hoàn cảnh lịch sử chiến tranh: nước Mỹ đã chế tạo thành công bom nguyên tử và ném xuống hai thành phố của Nhật Bản là Hi-rô-si-ma và Na-ga-xa-ki
  • Hậu quả chiến tranh gây ra: Hai quả bom đã cướp đi tính mạng của gần nửa triệu người
  • Khát vọng hòa bình của trẻ thơ: Em đã lặng lẽ gấp với hi vọng nhỏ nhoi có thể khỏi bệnh
  • Sự đồng cảm và xót thương của mọi người, khát vọng hòa bình: Xót thương cho cái chết của em, học sinh toàn thành phố Hi-ro-si-ma đã quyên góp để xây dựng tượng đài tưởng niệm nạn nhân bị bom nguyên tử sát hại

c. Kết bài

Cảm nghĩ của em khi nghe xong câu chuyện: chúng ta không thể tránh khỏi sự xúc động trước ước nguyện hòa bình, sự khao khát nền hòa bình từ những tâm hồn bé nhỏ

3. Dàn ý 3

a. Mở bài

Giới thiệu về câu chuyện hòa bình đã được nghe kể: Đó là câu chuyện được nghe kể từ buổi nói chuyện của bác cựu chiến binh về những năm tháng chiến đấu gian khổ nhưng đầy máu lửa của những người chiến sĩ cũng như niềm hạnh phúc vô bờ của những người lính khi hòa bình lập lại.

Xem thêm:  Đề ôn luyện môn Tiếng Việt lớp 5 thi lên lớp 6 – Đề 8 (đề có đáp án)

b. Thân bài

  • Những người lính đều có lí tưởng chiến đấu, giành lại độc lập cho dân tộc, hòa bình cho nhân dân.
  • Những ngày tháng khói lửa, sống chung trong bom đạn, thiếu thốn đủ thứ, có thể bỏ mạng bất cứ lúc nào.
  • Người lính luôn vững tay súng, kiên định một lòng để quyết dành lại độc lập cho Tổ quốc.
  • Nhiều người đã hi sinh nhưng tinh thần bất khuất của những người lính thì mãi còn.
  • Khi hòa bình lặp lại thì đó là một hạnh phúc vô bờ bến, những hi sinh ấy đã được đền đáp để có một Việt Nam hòa bình, đọc lập.

c. Kết bài

Nêu cảm nghĩ về câu chuyện được nghe kể: Đó là một câu chuyện ý nghĩa. Chúng em rất biết ơn sự hi sinh của những người lính cách mạng để mang lại hòa bình cho dân tộc Việt Nam.

II. Bài tham khảo

1. Bài tham khảo 1

Vào ngày Thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22 tháng 12, trường em có mời đến hai bác cựu chiến binh để cùng chia sẻ và kể lại những câu truyện về năm tháng chiến đấu gian khổ của nhân dân ta. Những câu chuyện về hòa bình của các bác thực sự đã khiến em rất xúc động.

Trước hết các bác đã kể về lí tưởng cách mạng của mình, tất cả vì độc lập tự do của dân tộc, mang lại hòa bình cho nhân dân. Các bác ra đi, bỏ lại tất cả, mẹ già, vợ hiền, con thơ, sự hi sinh của các bác thật lớn lao và vĩ đại. Nhờ có lí tưởng cao đẹp, sự hi sinh lớn lao ấy của các bác mà chúng ta mới có được cuộc sống yên vui trong hòa bình như ngày hôm nay. Bác tâm sự rằng, chính sự nhớ thương quê nhà và tình yêu đối với Tổ quốc đã tạo cho các bác một sức mạnh niềm tin chiến thắng, vượt qua tất cả những gian khổ và hiểm nguy để chiến đấu.

Các bác sẵn sàng hi sinh để đổi lấy hòa bình cho dân tộc, cũng rất may mắn là các bác chưa phải đánh đổi lớn đến thế, nhưng biết bao người được may mắn như các bác ngồi đây. Những đồng đội của các bác ngã xuống rất nhiều, khi ấy các bác càng có thêm sức mạnh và lòng căm thù để chiến đấu. Đúng là chỉ có những người đã từng đi qua chiến tranh, nếm trải cảm giác chia li và nỗi đau mất nước mới cảm nhận được niềm hạnh phúc mà ngày hòa bình mang lại. Ngày hòa bình, những người chiến sĩ trở về với nụ cười tươi rói nhưng khi trong vòng tay và cái ôm của người thân họ lại khóc rất nhiều, khóc vì quá hạnh phúc. Bác nói chỉ có qua gian khổ, đau thương và mất mát với cảm nhận được niềm hạnh phúc đoàn viên, hòa bình.

Xem thêm:  Soạn bài: Tập đọc Sự sụp đổ của chế độ A-Pác-Thai

Qua câu chuyện của các bác cựu chiến binh, em tin rằng sẽ có rất nhiều người như em cảm thấy biết ơn và quý trọng những gì mình đang có, đặc biệt là được sống trong nền hòa bình độc lập dân tộc.

2. Bài tham khảo 2

Tất cả mọi người đều mong muốn được hòa bình và sống trong hòa bình, em đã từng được nghe một câu chuyện về một cô bé ngây thơ yêu chuộng hòa bình. Câu chuyện mang tên “Những con hạc bằng giấy”.

Bối cảnh câu chuyện là nước Mỹ đã chế tạo thành công bom nguyên tử và ném xuống hai thành phố của Nhật Bản là Hi-rô-si-ma và Na-ga-xa-ki. Hai quả bom đã cướp đi tính mạng của gần nửa triệu người, sau đó năm 1951 đã có thêm gần 100 nghìn người đã chết vì nhiễm độc phóng xạ. Hậu quả do bom nguyên tử gây ra không có gì nặng nề và đau thương hơn. Trong số những người bị nhiễm phóng xạ có cô bé tên là Xa-xa-cô Xa-xa-ki em đã lâm bệnh nặng sau 10 năm bị nhiễm.

Thật đáng thương khi em càng ngày càng yếu đi, chỉ biết nằm đếm những ngày còn lại của cuộc đời, cô bé đã ngây thơ tin vào một truyền thuyết rằng nếu gấp đủ một nghìn con hạc giấy treo quanh phòng thì em sẽ khỏi bệnh. Em đã lặng lẽ gấp với hi vọng nhỏ nhoi có thể khỏi bệnh. Trẻ em nước Nhật và ở khắp trên thế giới biết đến chuyện của em đã gấp và gửi tới hàng nghìn con đến cho Xa-xa-cô. Nhưng khi số hạc mới được 644 thì em đã mãi mãi ra đi. Xót thương cho cái chết của em, học sinh toàn thành phố Hi-ro-si-ma đã quyên góp để xây dựng tượng đài tưởng niệm nạn nhân bị bom nguyên tử sát hại. Trên đỉnh tượng đài là hình một em gái giơ cao hai tay lên trời nâng một con sếu.

Nghe câu chuyện này, chúng ta không thể tránh khỏi sự xúc động trước ước nguyện hòa bình, sự khao khát nền hòa bình từ những tâm hồn bé nhỏ. Mỗi quốc gia, dân tộc và mỗi người chúng ta cần chung tay bảo vệ và gìn giữ nền hòa bình và đẩy lùi những cuộc chiến tranh phi nghĩa.

3. Bài tham khảo 3

Để có được hòa bình, độc lập như ngày hôm nay, nhân dân Việt Nam đã phải hi sinh nhiều thứ. Em đã được nghe rất nhiều câu chuyện kể về công cuộc đấu tranh giành lại hòa bình của nhân dân Việt Nam nhưng có lẽ em ấn tượng nhất với câu chuyện của bác Chiến – một cựu chiến binh kể về những năm tháng chiến đấu gian khổ nhưng đầy máu lửa của những người chiến sĩ cũng như niềm hạnh phúc vô bờ khi hòa bình được lặp lại.

Xem thêm:  Dàn ý bài: Em có Suy nghĩ về ý kiến của Nguyễn Đình Thi “Văn nghệ phụng sự kháng chiến, nhưng chính kháng chiến đem đến cho văn nghệ một sức sống mới. Sắt lửa mặt trận đang đúc nên nền văn nghệ mới của chúng ta”

Em còn nhớ ngày hôm ấy nhà trường tổ chức lễ kỉ niệm ngày thành lập quân đội nhân dân Việt Nam và đã mời các bác cựu chiến binh đến trò chuyện. Câu chuyện mà bác Chiến kể thực sự khiến chúng em rất nể phục cũng như biết ơn về công lao to lớn của những người lính trong công cuộc giải phóng đất nước. Bác kể với chúng em về lí tưởng chiến đấu của những anh bộ đội cụ Hồ sẵn sàng hi sinh tất cả, bỏ lại sau lưng mẹ già, con thơ để tham gia kháng chiến giành lại độc lập dân tộc, hòa bình cho nhân dân.

Đó là những năm tháng sống trong khói lửa, mưa bom bão đạn, thiếu thốn đủ thứ và cái chết có thể đến bất cứ lúc nào không hay. Bác kể có những lần tận mắt chứng kiến đồng đội hi sinh nhưng cũng chẳng thể làm gì được, chỉ càng thêm quyết tâm chiến đấu đánh bại quân thù để đòi lại nền độc lập vốn có của nước nhà. Khó khăn là thế, nguy hiểm là thế nhưng những người lính luôn vững tay súng, kiên định một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ. Có những người lính bị địch bắt, địch tra tấn nhưng vẫn luôn khảng khái, không đầu hàng vì họ tin rằng nước Việt Nam sẽ có độc lập. Rất rất nhiều những người lính đã hi sinh, mãi nằm xuống với đất mẹ nhưng tinh thần bất khuất của họ còn mãi. Bác cựu chiến binh nói trong xúc động rằng cũng chính vì trải qua đủ mọi gian khổ ấy, mà khi hòa bình được lặp lại thì đó như một niềm hạnh phúc vô bờ bến, chẳng lời nào tả được.

Chỉ có những người đã từng đi qua chiến tranh, đã nếm trải cảm giác chia li, nỗi đau mất mát người thân, đồng đội mới thấy hết được những giá trị của hòa bình mang lại. Ngày chiến thắng, những người lính trở về trong vòng tay hân hoan, chào đón của cả dân tộc. Có những người lính còn lành lặn, có người thì không. Nhưng tất cả họ đều mang trên môi nụ cười tươi rói. Và cũng có những giọt nước mắt nhưng đó là những giọt nước mắt của hạnh phúc vì hòa bình đã phủ kín trên đất nước Việt Nam.

Câu chuyện mà bác cựu chiến binh kể mang một ý nghĩa hết sức to lớn. Chúng em rất biết ơn những người lính cách mạng đã dũng cảm hi sinh thân mình để giành lại hòa bình, độc lập cho dân tộc Việt Nam.

Theo Baivanhay.com

Check Also

7370 1494911290067 1020 310x165 - Tả về chiếc xe đạp của em

Tả về chiếc xe đạp của em

Tả về chiếc xe đạp của em Bài làm Nhắc về kỷ niệm tuổi thơ, …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *