Hướng dẫn làm đề tưởng tượng mình được nói chuyện với các chiến sĩ lái xe Trường Sơn trong bai “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” (Phạm Tiến Duật) – Tập làm văn 9
Hướng dẫn
Bài thơ về tiểu đội xe không kính. Văn 9
Đề bài: Em hãy tưởng tượng mình được nói chuyện vối các chiến sĩ lái xe Trường Sơn trong bài “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” (Phạm Tiến Duật).
Bài làm 1
Hôm ấy là một buổi sáng chủ nhật, tôi cùng gia đình về quê ngoại thăm ông bà và họ hàng. Tôi rất yêu quê bởi nơi ấy đã nuôi dưỡng tôi trong những ngày thơ bé. Gặp lại người thân, tôi vô cùng mừng rỡ và cảm động. Căn nhà ông bà rộn rã tiếng nói cười thăm hỏi. Mãi đến trưa, khi đã cơm nước xong, tôi một mình đi ra mảnh vườn đằng sau nhà, ngồi lên chiếc võng, tận hưởng không khí mát lành, trong trẻo của vùng quê. Đây là khoảng không gian mà tôi rất thích, nơi mà hồi bé hai bà cháu tôi thường ra đây nằm ngủ và hóng gió. Tôi đung đưa võng và cảm thấy mình giống các chú bộ đội Trường Sơn năm xưa, nằm nghỉ trên võng trong rừng, chờ giao liên đến dẫn đường ra mặt trận. Chợt, tôi nhớ đến Bài thơ về tiểu đội xe không kính của nhà thơ Phạm Tiến Duật mà cô vừa giảng hôm qua. Cao hứng, tôi đọc to:
“Không có kính không phái vì xe không có kính
Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi.”
Đọc hết bài thơ tôi mới nhận ra bác Hùng, anh ruột của bố tôi đang đứng đấy tự lúc nào. Bác khen bài thơ hay, tôi đọc diễn cảm, rồi bác ngồi xuống bên tôi, hỏi:
– Thế cháu có biết những người lính ấy bây giờ làm gì không?
Tôi im lặng, không biết trả lời thế nào. Bác nói tiếp:
– Bác chính là một trong những người lính ấy. Chắc cháu bất ngờ lắm phải không?
Tôi mừng quá, liền vòi bác kể lại chuyện xưa. Bác cũng vui lắm, nói:
– Bác cứ tưởng thế hệ các cháu bây giờ không còn quan tâm đến những giá trị thiêng liêng ấy nữa. Bác cảm ơn cháu. Cháu có biết không, những người lính lái xe như bác lúc đó chỉ độ mười tám, đôi mươi, còn trẻ và đầy nhiệt huyết. Ngày ấy, thanh niên ai cũng muốn được góp công sức nhỏ bé của mình vào công cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Nhiều lá đơn tình nguyện được viết bằng máu. Bác còn nhớ thời đó rất khó khăn, gian khổ. Mình còn rất nghèo trong khi đế quốc Mĩ thì có nhiều vũ khí tối tân hiện đại. Đọc bài thơ chắc cháu cũng phần nào hình dung ra sự khó khăn ấy: xe không kính, không mui xe, không đèn xe, thùng xe bị xước. Dường như tất cả những cái “không” ấy sẽ làm chùn bước bánh xe, nhưng không, thật không dễ gì làm nhụt ý chí, tinh thần quả cảm của những người lính lái xe, ngược lại, những khó khăn đó càng làm cho họ trở nên mạnh mẽ hơn, tin tưởng nhau hơn và vì miền Nam ruột thịt, xe họ vẫn nối nhau tiến về phía trước.
– Thế bác không thấy sợ à? – Tôi buột miệng hỏi.
Bác cười và nói:
– Không, các bác không một chút sợ hãi. Trong lòng các bác lúc đó tràn ngập một niềm tin vào chiến thắng, không có chỗ cho sự sợ hãi. Bác cùng đồng đội ngồi trên xe ra mặt trận, kể cho nhau nghe về quê hương, gia đình rồi cùng hát với nhau… Giờ nghĩ cũng thấy mình hồi đó lạc quan thật, chẳng có gì ngăn được niềm vui ra trận. Dù cho bom đạn quanh xe cũng không sợ, bởi vì trong xe đã có một trái tim, trái tim luôn tin tưởng vào tương lai trước mặt. Hồi ấy, cả nước lên đường. Tất cả mọi cánh quân đều chỉ có một con đường duy nhất: ra mặt trận, vì miền Nam thân yêu. Mọi người không quen biết nhau nhưng yêu thương nhau như ruột thịt. Tình cảm ấy đã xóa đi những khó khăn, gian khổ của cuộc chiến. Không có kính nên bụi bay đầy mắt, không có mui xe nên mưa ướt đẫm áo quần,… Người lính lái xe đã vượt qua tất cả, vượt qua những cái tưởng chừng không thể vượt qua được. Cháu còn nhớ chi tiết bếp Hoàng Cầm trong bài thơ không? Chính nó đã sưởi ấm, làm trỗi dậy bao tình cảm của người lính trong một gia đình. Bác sẽ không bao giờ quên được những tháng ngày đẹp đẽ ấy.
Tôi bỗng bất giác nhớ đến hình ảnh bắt tay nhau qua cửa xe không kính, bèn hỏi:
– Thế hồi ấy bác cũng bắt tay như lời trong bài thơ đã nói ạ?
Bác vỗ vai tôi:
– Dĩ nhiên rồi cháu ạ, bắt tay nhau qua khung cửa không có kính, các chiến sĩ nhìn nhau rồi cười vang vì không có kính rất… tiện lợi. Hơi ấm được truyền nhanh hơn qua các bàn tay nắm chặt. Đêm nào bác cũng cùng anh em bạn bè ra chiếc võng, nằm ngắm sao trời và rủ rỉ tâm sự với nhau. Gian khổ nhưng hạnh phúc, đầm ấm lắm, cháu à.
– Bác có biết những người lính của “tiểu đội xe khôríg kính ấy” sau này làm gì không ạ?
– Có người thì làm quản lí như bác, có người lại về với ruộng đồng, có người lại tiếp tục lái xe,… Họ lại sống cuộc đời bình thường như bao người dân khác.
Vừa lúc đó, tiếng bà từ trong nhà gọi vọng ra. Hai bác cháu tôi cùng vào nhà. Tôi thầm cảm ơn câu chuyện mà bác vừa kể, cảm ơn những chiến sĩ lái xe Trường Sơn năm xưa. Dù không được sống trong giai đoạn chống Mĩ cứu nước nhưng tôi đã phần nào hiểu được giá trị to lớn của những “anh bộ đội Cụ Hồ”. Chính họ đã cho tôi một niềm tin và ý chí quyết tâm học giỏi để mai sau có thể góp phần vào dựng xây đất nước.
Ngày mai trở lại trường, tôi phải kể cho cả lớp nghe về cuộc trò chuyện đầy thú vị này, Chắc tụi nó sẽ ghen tị lắm đấy. Tôi tự nhủ: “Bác hãy yên tâm, hãy tin tưởng vào chúng cháu. Chúng cháu luôn ghi nhớ công lao to lớn của những chiến sĩ, liệt sĩ và sẽ quyết tâm học tập tốt hơn, không bao giờ chùn bước trước khó khăn, gian khổ”.
Lã Thu Phương
( Trường THCS Lê Quý Đôn)
Bài làm 2
Tuần trước, ở trên lớp, em đã được học Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật. Bài thơ đã để lại nhiều ấn tượng cho em. Khâm phục những người lính lái xe năm xưa, em muốn được tận mắt nhìn thấy họ và những chiếc xe không kính ấy. Thật tình cờ, ngay ngày chủ nhật, em được bố mẹ đưa đi tham quan Bảo tàng Quân đội. Bước qua cổng là một khoảng sân rất rộng, ở đó em nhìn thấy rất nhiều xe tải, xe tăng của quân đội ta và xác máy bay Mĩ bị ta bắn rơi. Em thích thú đi xem khắp nơi rồi dừng lại trước “Chiếc xe vận chuyển lương thực và vũ khí trong kháng chiến chống Mĩ”. Chẳng lẽ đống sắt vụn han gỉ và cũ kĩ này lại là những chiếc xe tải ư? Bỗng nhiên, một bác đứng tuổi đứng ngay bên cạnh nói với em: “Chiếc xe này đã từng là bạn của bác trong những năm tháng chống đế quốc Mĩ. Những chiếc xe không có kính”. Em mừng quá. Đây đúng là người lính lái xe năm xưa và chiếc xe trong bài thơ em đã học.
Em cuống quýt ờhào hỏi bác và nói muốn được nghe bác kể lại chuyện chiến trường năm xưa. Những người đứng quanh em cũng có nguyện vọng đó. Bác đồng ý và từ tốn kể: “Những chiếc xe bị biến dạng trở nên xấu xí thế này cũng là do hậu quả của chiến tranh. Bom đạn địch đã làm cho kính bị vỡ, đèn xe bị mất, mui xe bị phá hỏng”. Em thắc mắc, nếu không có kính thì nào gió, nào mưa, nào bụi bay vào, chắc khó khăn, gian khổ lắm nhưng sao các bác vẫn hoàn thành nhiệm vụ? Bác cười bảo rằng không có kính bác lại nhìn thấy rõ hơn con đường đang tiến về phía trước, nhìn rõ hơn bầy công đang múa, nhìn rõ hơn những ngôi sao đang nhấp nháy,… tất cả cứ như ùa vào buồng lái. Và vì không có kính nên bụi bay vào buồng lái, bám vào tổc trông trắng xoá như những ông già, các bác nhìn nhau, lạ lẫm rồi cười rung buồng lái, Em biết cuộc sống của các bác lúc đó rất nguy hiểm nhưng các bác vẫn lạc quan yêu đời. Xe không có kính, mưa tuôn xối xả ướt đẫm áo quần nhưng các bác vẫn lái xe với ý nghĩ vui vẻ. Mưa ngừng gió tạnh, quần áo sẽ khô, chẳng cần giặt giũ. Xe không có kính, rất tiện cho đồng đội bắt tay khi gặp nhau. Những cái bắt tay truyền cho nhau sức mạnh và niềm tin. Bác quả quyết, sở dĩ các bác vượt qua được mọi khó khăn gian khổ vì các bác tin vào ngày chiến thắng – một niềm tin không gì lay chuyển nổi.
Chợt bác chỉ cho mọi người xem, gần đấy là cái bếp Hoàng Cầm. Bác bảo những lúc nghỉ ngơi, nhóm bếp Hoàng Cầm vừa nấu cơm vừa chuyện trò vui lắm. Nấu xong, mọi người quây quần bên nhau, chung bát chung đũa như anh em một nhà, thật đầm ấm, chẳng thấy gian nguy đâu nữa. Bây giờ, các bác chỉ ước ao lại được như ngày ấy.
Nghe bác kể, em nghĩ mình phải cố gắng học tập sao cho tốt để xứng đáng với công lao, sự hi sinh mà các bác đã dành cho thế hệ trẻ. Đã đến giờ phải về, em chia tay bác đầy luyến tiếc.
Cuộc gặp gỡ đã làm em hiểu rõ hơn về những người lính lái những chiếc xe không kính trên tuyến đường Trường Sơn năm xưa. Cuộc gặp thật bất ngờ và thú vị. Hôm nào được nghỉ học, em sẽ đến chỗ bác, tìm hiểu thêm về cuộc sống, chiến đấu của các chiến sĩ lái xe trên tuyến đường Trường Sơn năm xưa.
Ngô Thị Thu Uyên
(Trường THCS Đông Thái)
Bài làm 3
Mười một giờ đêm, tôi đang ngồi soạn văn bản Bài thơ về tiểu đội xe không kính củạ Phạm Tiến Duật. Đây quả là một bài thơ rất hay và giàu ý nghĩa… Mải ngồi suy nghĩ miên man về người chiến sĩ lái xe, chợt đèn điện tắt. Tôi chơi vơi trong bóng đêm. Rồi bỗng, một lực đẩy vô hình cuốn tôi vào không gian mênh mông, cứ như đây không phải là phòng học của tôi nữa vậy… Một cơn gió lớn thốc vào mặt làm tôi như bừng tỉnh. Không thể tin được! Cơn gió đã đưa tôi đến một nơi xa lạ: xung quanh tôi bây giờ là lá, là cây, là cả một khu rừng rậm rạp trong ánh hoàng hôn ngả bóng.
Quá bất ngờ, tôi dường như không biết phải làm gì. Tôi chẳng khác nào một vị viễn khách nơi xa tới và lạc vào rừng mà không có một chiếc la bàn hay bản đồ. Chợt tôi nghe thấy một tiếng động “xoạt” ngày một rõ và gần tôi hơn. Tôi sợ hãi núp vào một gốc cây cổ thụ lớn và tìm một cành cây nhỏ để tự vệ. Chợt đi tới từ trong bụi rậm là một chiếc xe xanh màu quân đội, trên xe chỉ có một người lái xe mà thôi. Nhưng điều đặc biệt làm tôi chú ý đến nhiều nhất vì đây là một chiếc xe không có kính.
Trời đã ngả chạng vạng, màu đen huyền của màn đêm đang bao trùm lên cả khu rừng. Có vẻ anh thanh niên đã chú ý thấy tôi lấp ló sau cây, chiếc xe dừng lại cách tôi không xa. Nhìn nó hiện giờ chẳng khác gì một tảng sắt gỉ cả, nó có cả cái vẻ hoang sơ và trần trụi của thiên nhiên. Nhưng vì sao xe lại không có kính nhỉ? Tôi chưa thấy một chiếc xe nào không có kính mà vẫn chạy được cả.
Cửa xe bật mở. Trên xe bước xuống một anh bộ đội mới chỉ mười tám, đôi mươi, còn rất trẻ. Trong bộ quân phục màu xanh, anh tuy cao, gầy nhưng lại toát lên một vẻ nhanh nhẹn, tháo vát. Anh mỉm cười hỏi:
– Em bị lạc à? Có cần anh giúp gì không? – Giọng nói của anh vang lên vô cùng ấm áp làm tôi cảm thấy yên tâm hơn rất nhiều.
– Em cũng không biết em đang ở đâu nữa.
– Thôi không sao — anh mỉm cười an ủi – lên xe anh, khi đi qua làng nào thì em xuống cũng được.
Hai anh em cùng lên xe đi tiếp. Hoá ra, anh là người lái xe vận tải để chở hàng hoá, thuốc men vào chiến trường miền Nam. Chiếc xe lăn trên đường, chầm chậm, không phát ra tiếng động to. Tôi hỏi anh điều mình thắc mắc:
– Anh ơi, sao kính lại chẳng có thế này?
– À! Dĩ nhiên ban đầu, chú xe chiến này có kính đàng hoàng chứ. Thế nhưng đi dưới bom giật, bom rung của kẻ thù, kính bị vỡ mất rồi em ạ! – Anh dịu dàng trả lời.
– Ôi!. Xe thì đi để che nắng, che mưa. Thế xe không có kính thì làm thế nào hả anh? Ngoài trời gió bụi thì mù mịt, lại có những hôm mưa xối xả nữa chứ – Tôi lo lắng hỏi.
Trước mặt tôi, anh lính vẫn ung dung nhìn thẳng phía trước. Anh không hề lo lắng, ngại ngần vì những chiếc cửa kính. Trái lại, anh còn tự tin trả lời:
– Ôi dào! Có gì mà phải lo hả em. Bụi vào cùng lắm thì bám lên tóc. Mấy hôm anh đi với đồng chí của anh, mọi người còn tưởng mình thành người già tóc bạc ấy chứ, rồi cùng phá lên cười, vui lắm em ạ. Gió với mưa cũng thế. Mưa làm ướt áo, thì gió lại hong khô. Mà nhờ những chiếc xe không kính thế này, anh mới có cảm giác hoà mình vào thiên nhiên ấy chứ. Cảm giác cũng hay lắm nhé! Giống như cả vũ trụ, thiên nhiên cùng anh ra trận ấy! Còn lo gì nào!
Anh phá lên cười vô tư và sảng khoái. Tiếng cười ấy làm tôi khựng lại. Ôi các anh lính mới lạc quan làm sao! Anh không quản gió mưa, bão bùng, vẫn điều khiển chiếc xe băng băng trên rừng núi tiến vào Nam để chi viện cho bộ đội. Không hề run sợ, anh vẫn mỉm cười đầy tự tin, mặc kệ cho bom đạn của kẻ thù có phá huỷ như thế nào. Chưa hết, các anh còn xem đây là một cơ hội tốt để con người gần gũi với thiên nhiên. Oi những người lính, dù trong hoàn cảnh nào, tâm hồn các anh vẫn đậm chất lãng mạn. Những chiếc xe không kính, những sự thực dù có trần trụi đến mức riào thì với người lính, nó vẫn rất đẹp, rất tiện dụng. Các anh quả là đáng khâm phục!
– Anh thật dũng cảm! Một mình trên chiếc xe thế này mà chở bao nhiêu thuốc men nữa chứ. Thế bạn bè anh đâu cả rồi? Khi nào sẽ gặp nhau hả anh?
– Lính mà em – anh nháy mắt tinh nghịch rồi nói tiếp – bọn anh sợ là sợ khône bảo vệ được Tổ quốc chứ mấy cái này thì nhằm nhò gì! Còn đồng đội của anh thì phân ra các xe khác nhau rồi. Thỉnh thoảng gặp nhau trên đường, bọn anh dừng lại, bắt tay qua cửa kính vỡ rồi đấy! Em thấy tuyệt không? Không có kính, bọn anh không có rào cản nào cả. Những người chiến sĩ là một gia đình lớn, gần gũi và thương nhau hơn cả anh em. Anh chưa bao giờ hối hận vì mình đã nhập ngũ để đi chiến đấu vì Tổ quốc.
Cái bắt tay! Cái bắt tay của các anh lính sao mà ấm áp thế! Đó là cái bắt tay để truyền cho nhau hơi ấm, tinh thần đồng đội và ý chí quyết thắng. Các anh chiến sĩ an ủi nhau và tự an ủi chính mình bằng cái bắt tay ấy- cái bắt tay gắn kết trái tim, tâm hồn và ý chí của họ lại chứ không phải là cách xã giao thông thường. Phải chăng chính tinh thần đoàn kết mạnh mẽ đã chiến thắng bom đạn huỷ diệt của kẻ thù, đã giúp các anh vượt qua mọi khó khăn?
– Điều gì giúp anh luôn điều khiển xe để tiến lên phía trước hả anh?
Tôi cất tiếng hỏi, đinh ninh là mình đoán đúng, nhưng câu trả lời của anh đã làm tôi bất ngờ:
– Đó chính là vì miền Nam thân thương, vì nền độc lập nước nhà em ạ. Anh tiến xe về phía trước để được nhanh chóng hoà mình vào đại gia đình. Đại gia đình ấy không chỉ là những đồng chí, đồng đội của anh mà còn là cả nước Việt Nam mình. Chỉ nghĩ đến điều này là lòng anh lại thôi thúc muốn đi thật nhanh để kịp chi viện cho đồng đội.
Anh đang nói bằng cả trái tim mình. Đó là một anh thanh niên còn rất trẻ, trước mặt anh còn biết bao mơ ước lớn lao. Cháy trong tim anh đang là tấm lòng yêu nước nồng nàn và mãnh liệt. Với tấm lòng yêu nước, anh đã vượt qua những khó khăn, mưa gió bão bùng để lạc quan, dũng cảm tiến bước cùng đồng đội tiến vào giải phóng miền Nam. Bỗng trong tôi có một cảm giác tự hào vô cùng về những “anh bộ đội Cụ Hồ”— những người lính bình dị, khiêm tốn nhưng lại thật cao cả, đáng trân trọng. Tôi chợt cảm thấy xấu hổ khi so sánh với bản thân mình: tôi đã nản chí trước một bài toán khó, tôi oà khóc vì một bài văn điểm kém. Chỉ những khó khăn bé nhỏ ấy đã làm tôi nhụt chí rồi. Nhìn gương “anh bộ đội Cụ Hồ”, tôi tự nhủ mình cần phải cố gắng tiếp tục vươn lên để theo đuổi ước mơ của mình…
– Trang! Dậy đi học đi con! – Chợt có tiếng mẹ tôi gọi.
Thì ra tất cả chỉ là một giấc mơ. Tôi giật mình tỉnh giấc. Mẹ đang đứng trước mặt tôi rõ nét. Tôi ôm chầm với mẹ và nói:
– Mẹ ơi! Từ nay con sẽ noi gương anh bộ đội, cố gắng học tập tốt hơn. Con xin hứa…
Hôm nay là một ngày mới, ta cần phải sống lạc quan, tin tưởng vàọ tương lai tươi sáng với một ý chí và tinh thần bất diệt. Tôi đến trường với một niềm vui phơi phới. Tôi sẽ luôn nhớ mãi giấc mơ này và “Bài thơ về tiểu đội xe không kính’.
“Không có kính rồi xe không có đèn
Không có mui xe, thùng xe có xước
Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước
Chỉ cần trong xe có một trái tim.”
Trần Hà Trang
(Trường THCS Trưng Vương)
Xem thêm Trương Sinh kể lại “Chuyện người con gái Nam Xương”
Tags:Bài thơ về tiểu đội xe không kính · nói chuyện với các chiến sĩ lái xe · Tập làm văn 9 · Văn tự sự
Theo Baivanhay.com