Hãy phân tích bài thơ Xuân vọng của Đỗ Phủ.
Hướng dẫn
Đỗ Phủ (712 – 770) là nhà thơ lớn nhất đời Đường Trung Quốc, để lại gần 1500 bài thơ, được tôn vinh là “Thi thánh”.
Năm 755, loạn An – Sử nổ ra. Lúc bấy giờ, Đỗ Phủ chỉ làm một viên quan nhỏ, bị giặc bắt, giam tại Trường An. Cảnh núi xương sông máu, thân tù, xa gia đình vợ con, hoàn cảnh ấy, tâm trạng ấy được Đỗ Phủ ghi lại trong nhiều bài thơ kiệt tác như: "Đêm trăng", “Trôngxuân", “Nhớ con nhỏ”, "Nỗi đau xót ở đầu sông”,…
Bài thơ "Xuân vọng" được Đỗ Phủ viết vào tháng 3 năm 757, khi ông bị giặc giam tại Tràng An. Bài thơ được viết theo thể thơ ngũ ngôn bát cú Đường luật. Có nhiều người đã dịch bài thơ này. Nhan đề bài thơ, Tương Như dịch là “Trông Xuân”, Phan Ngọc dịch là “Ngóngxuân’’… Nếu có ai đó dịch thành ''Xuân trông" thì đó là dịch sai.
Bốn câu đầu (đề, thực) gợi tả cảnh núi sông, thiên nhiên điêu tàn trong chiến tranh, loạn lạc. Ba thanh trắc đầu cuối câu thơ thứ nhất như một lời than căm uất nghẹn ngào cất lên: “Quốc phá, sơn hà tại". Vó ngựa của hàng vạn quân An Lộc Sơn cuốn bụi mù trời, kinh đô Tràng An ngập chìm trong lửa khói. Hàng vạn ngườibị giết hại… Hai chữ "quốc phá ” gợi lên bao nỗi đau lòng trước cảnh đất nước bị quân giặc giày xéo, đốt phá tan hoang. "Sơn hà tại ” – sông núi còn; còn trong dáng vẻ tang thương, dù sao thì vẫn trường tồn, bền vững. Đó là niềm tin về sông núi, về đất nước thân yêu.
“Quốc’’ và “sơn hà" là từ đồng nghĩa; “phá” và "tại" là từ tương phản so sánh. Câu thơ hàm súc biểu lộ một niềm tin sắt đá về đất nước vững bền dù có bị quân thù tàn phá.
Cả bài thơ 40 chữ mà chỉcó một chữ "xuân ” trong câu thơ thứ hai:
"Thành xuân, thảo mộc thâm
Thành mùa xuân, cỏ cây um tùm – là hai hình ảnh bổ trợ cho ý thơ “sông núi còn ”, có giá trị gợi tả cảnh hồi sinh của đất nước. Ngóng thành xuân, nhìn cây cỏ um tùm mà hi vọng.
Hai câu 3, 4 trong phần thực đối nhau. Hoa và điểu là hai hình ảnh ẩn dụ tượng trưng giàu ý nghĩa. Hoa và chim thường tượng trưng cho sự tươi đẹp, tươi vui của cảnh vật và con người trong mùa xuân. Nhưng ở đây và lúc này, hoa thì đẫm lệ, chim thì khắc khoải kêu buồn. Đó cũng là tâm trạng của nhà thơ, của con người trong hoàn cảnh đất nước bị loạn lạc:
"Cảm thời, hoa tiễn lệ,
Hận biệt, điểu kinh tâm
(Biệt li, lòng chim hãi,
Cám cảnh, lệ hoa tuôn)
Tương Như đã dịch đảo lại hai câu 3, 4, có lẽ vi vần thơ? Hai chữ “cảm thời” và “hận biệt” là hai nhãn tự đứng đầu câu thơ đã làm nổi bật tình yêu sông núi, nỗi đau về sự tan tác, li biệt của bao gia đình thời chiến tranh và nỗi ngóng xuân vô cùng tha thiết, sâu nặng. Đau nỗi đau đất nước, buồn nỗi buồn biệt li, đó là tình sông núi. Càng ngóng xuân càng đẫm nước mắt. Càng ngóng xuân càng khắc khoải. Nỗi đau buồn như nén xuống bỗng oà ra.
Bốn câu cuối nói lên cảnh ngộ và tâm trạng của nhà thơ. Chiến tranh liên miên đã ba tháng rồi, vợ con thì ở Phu Châu, một mình nhà thơ thì đang bị giam cầm trong vùng giặc ở Tràng An. Tin tức gia đình biệt tăm hơi:
“Phong hoá liên tam nguyệt,
Gia thư để vạn câm (kim)”.
(Lửa hiệu liền ba tháng,
Thư nhà đáng mấy muôn).
Chiến tranh kéo dài, mỗi ngày một dữ dội. Mong mỏi một tin nhà, một bức thư của vợ con, nhưng càng trông mong càng tuyệt vọng. "Thư nhà đáng vạn lạng vàng” là một cách nói cực tả nỗi buồn nhớ gia đình vợ con. Vàng là quý hiếm. Một vạn lạng vàng quý hiếm biết bao. So sánh "Gia thư để vạn câm (kim)" để nói thư nhà, tin tức gia đình thật vô cùng quý hiếm, không bao giờ có thể có. Càng mong đợi càng buồn, càng buồn càng tuyệt vọng. Như có một tiếng thở dài cất lên.
Đau buồn, thao thức nên tóc thêm bạc, càng gãi tóc càng ngắn. Tóc rụng và thưa đi, đến nỗi không cài nổi cái trâm nữa:
"Bạch đầu tao cánh đoản,
Hồn dục bất thăng trâm”.
Càng đau buồn, càng thương nước thương dân, càng buồn trong cô đơn li biệt, con người càng trở nên tiều tụy đáng thương.
Đỗ Phủ,mái tóc sớm bạc. Ông có nhiều câu thơ nói lên mái tóc bạc của mình:
“Gian nan khổ hận đầu thêm bạc ”
(Lên cao)
"Ông lão Thiếu Lăngmới đángngán,
Áo vải cũ sờn đầu bạc phơ”.
(Bài hát lúc say)
"Người khách… người khách tên Tử Mĩ,
Tóc bù hạc quá hai tai trễ… ”
“Xuân vọng” là một bài thơ xuân đặc sắc của Đỗ Phủ. Nỗi đau chiến tranh, cảnh nước mất nhà tan hoà quyện với niềm tin và hi vọng, vào sự vững bền của non sông, sự hồi sinh của đất nước. Những vần thơ hàm súc như thấm đầy lệ và tiếng thở dài biểu lộ một trái tim giàu tình yêu nước thương dân. Ngóng xuân cũng là ngóng đất nước thanh bình, được đoàn tụ gia đình yên vui hạnh phúc.
Nguồn: Vietvanhoctro.com