Giải thích và chứng minh lời khuyên: “Có chí thì nên” – Bài văn hay lớp 8
Hướng dẫn
Có chí thì nên
Bài làm
Từ xưa đến nay, nhân dân ta đều có những chân lí sáng ngời, mà con cháu đời sau luôn phải noi theo. Một trong số vô vàn chân lí được đúc kết từ kinh nghiệm của nhân dân ta là “Có chí thì nên”.
Trong câu tục ngữ, nội dung chính được thể hiện qua hai từ “ chí” và “nên”. Vậy “chí”, “nên” là gì? “Chí” nghĩa là có hoài bão, lí tưởng, có lòng quyết tâm, ý chí, nghị lực, biết chinh phục khó khăn bằng mọi giá mà không nản lòng hay bỏ cuộc. Tóm lại, “chí” chính là lòng kiên trì. Còn “nên” có nghĩa là thành công, là một việc ta đã đạt được trong cuộc sống. Từ đó, ta thấy được ý nghĩa của toàn câu tục ngữ: có ý chí, nghị lực, lòng kiên trì thì mới có thành công. Với vai trò quan trọng, ý nghĩa to lớn, ý chí là yếu tố cần thiết dẫn ta đến thành công.
Những ai có tính kiên trì thì sẽ thành đạt nhưng không có người nào mới trải qua gian nan một lần mà đã làm được mọi việc. Có được thành công là do sự tích luỹ kinh nghiệm qua một quá trình dài học hỏi. Ai càng kiên trì thì càng tích lũy được nhiều kinh nghiệm và thành công đạt được sẽ càng lớn, càng vẻ vang, càng khiến cho mình cảm thấy tự hào hơn.
Không ít người vội vàng dùng sức mạnh của đồng tiền từ bố mẹ, người thân để mua địa vị xã hội khi mới qua một thời gian ngắn tự thân vận động nhưng không có kết quả. Họ đã không hề biết rằng sự kiên trì, ý chí quyết tâm mới là sức mạnh lớn nhất của con người trên con đường chinh phục đỉnh cao. Trên thực tế, những ai không có chí thì hay nản lòng và chẳng làm được điều gì nên hồn. Họ thường “ thấy sóng cả mà ngã tay chèo”, thấy việc khó thì đùn đẩy cho người khác nên không bao giờ có thể chạm tới hai từ “thành công”.
Có quyết tâm, ý chí là ta cố gắng hết sức mình nên kết quả tất nhiên sẽ tốt hơn nhiều so với việc mà mình không đặt quyết tâm vào. Chân lí này không chỉ được nhắc đến một lần qua câu tục ngữ trên, chúng ta còn bắt gặp trong câu tục ngữ:
“Có công mài sắt, có ngày nên kim ”
hay lời dạy của Bác:
“ Không có việc gì khó,
Chỉ sợ lòng không bền.
Đào núi và lấp biển,
Quyết chí ắt làm nên”.
Qua đời sống thực của những con người thông thái, ta cũng học được nhiều điều về lòng kiên trì. Anh Nguyễn Ngọc Ký là tấm gương sáng nhất cho học sinh Việt Nam về phương diện này. Từ nhỏ, anh đã bị liệt cả hai tay và phải tập viết bằng chân, nhưng nhờ có nghị lực và sự kiên trì, anh đã tốt nghiệp đại học và trở thành một Nhà giáo Ưu tú, được mọi người kính trọng. Hay thiên tài Thomas Edison ngày xưa là một cậu học trò chuyên đội sổ trong lớp nhưng vì có lòng kiên trì, đam mê tìm tòi, tính tò mò sẵn có mà tạo ra được bao phát minh vĩ đại cho nhân loại.
Ta cũng quên sao được câu chuyện về lòng kiên trì có tên “Ngu Công dời núi”. Trước nhà ông Ngu Công nọ chẳng may có hai ngọn núi chắn ngang khiến ông phải đi đường vòng oan uổng. Theo lời ông, con cháu và họ hàng ngày đêm kiên trì dọn núi. Khi có người chê cười và can ngăn, Ngu Công nói: “Ta chết đã có con ta, con ta lại có cháu ta, cháu ta lại đẻ con, đời đời tiếp nhau bạt núi. Còn núi thì không lớn thêm, làm gì mà không bạt được”. Cuối cùng nhờ có Ngu Công mà về sau ở vùng ấy không còn núi non trở ngại, đường đi thuận lợi. Qua đó, ta rút ra được bài học về lòng kiên trì, ý chí của Ngu Công đối với việc thực hiện ước muốn của mình.
Những tấm gương trên đã cho ta thêm động lực, thúc đẩy tinh thần kiên trì của ta. Vì vậy, nếu muốn có đức tính kiên trì, mọi người cần tu dưỡng ý chí từ nhỏ thì trưởng thành mới làm được việc lớn. Ta phải tự đặt ra mục đích để tập trung tiến thẳng tới nó, kiên trì không nản lòng, quan trọng là phải biết đứng lên sau mỗi lần thất bại.
Qua câu tục ngữ “Có chí thì nên”, ta học được một chân lí đáng quý: bất kể gặp phải việc khó khăn ra sao miễn là có quyết tâm, có nghị lực làm thì có thể thành công. Như thiên tài Edison đã từng nói: “1% là nhờ trí thông minh còn 99% là nhờ cố gắng”.
Đặng Phan Anh
(Trường PTDL Lương Thế Vinh)
>> Xem thêm Py-ta-go: “Hoa quả của đất chỉ nở một hai lần trong năm, còn hoa quả của tình bạn thì nở suốt bốn mùa” tại đây.
Tags:”Có chì thì nên” · Bài văn hay lớp 8
Theo Baivanhay.com