Giải thích câu thành ngữ Ăn đơm nói đặt
Bài làm
Kho tàng ca dao, thành ngữ, tục ngữ của ông cha ta bên cạnh những bài học đề cao truyền thống đạo lý, thì bên cạnh đó cũng tồn tại những câu nói truyền miệng phê phán những thói hư tật xấu trong xã hội , một trong số đó chính là “Ăn đơm nói đặt” . “Ăn đơm nói đặt” là cách nói đơn giản nhưng lại sâu sắc, nói về những kẻ hay bày chuyện bịa đặt, lừa bịp, vu khống người khác. Đó là những thành phần đáng phê phán trong cuộc sống này. Xã hội xung quanh ta bên cạnh những người tốt luôn biết quan tâm, giúp đỡ người khác thì vẫn tồn tại những kẻ đáng khinh thường, luôn làm những điều xấu xa, vô nghĩa cho xã hội. Những kẻ có thói lừa đảo, vu khống, bịa đặt cũng vậy, chúng vẫn là những con sâu, ẩn hiện ngày ngày trong cuộc sống mỗi người. Nhưng tại sao “ăn đơm nói đặt” lại là một thói xấu đáng phê phán? Nếu như sự trung thực là đức tính mà con người ta luôn muốn rèn luyện và hướng đến, giúp gặt hái được sự tin tưởng, yêu quý từ người xung quanh, tạo nên chữ “tín” trong mỗi mối quan hệ . Thì ngược lại, sự bịa đặt, vu khống, lừa đảo lại là điều mà con người ta luôn ghét bỏ, gây ra những hậu quả, ảnh hưởng đến người khác, làm rạn nứt mối quan hệ xung quanh. Thật vậy, một kẻ “ăn đơm nói đặt” luôn nói những điều không đúng với sự thật, bịa chuyện về bản thân hay người khác, lừa đảo để đạt được lợi ích cho mình. Cuộc sống này vẫn có rất nhiều kẻ lợi dụng lòng tin tưởng của người khác, thậm chí là người thân thiết, ruột thịt của mình để bịa đặt, nói những lời dối trá. Vậy họ có nghĩ đến hậu quả hay không? Có thể nói một lần, hai lần thế nhưng nếu là nhiều lần tiếp diễn như vậy, không chỉ là hình thành thói quen xấu ở chính mình mà còn khiến cho người đối diện bị tổn thương, ảnh hưởng về mọi mặt, mất niềm tin ở bạn. Câu chuyện về cậu bé chăn cừu, lợi dụng lòng tin, sự giúp đỡ của người xung quanh mà nhiều lần nói dối rằng sói đến ăn thịt đàn cừu chỉ để trêu đùa mọi người, để rồi cho đến ngày khi không còn ai tin tưởng cậu nữa, đàn sói xuất hiện thật , và cậu kêu cứu nhưng không một ai ra giúp đỡ, kết cục xứng đáng mà cậu phải chịu đó là đàn cừu của cậu bị đàn sói ăn thịt. Vì vậy, đây là thói quen mà chúng ta cần phê phán và phòng trừ. . Tôi đã từng nghe một câu nói rằng “ Lòng tin giống như một cục tẩy, nó sẽ mòn dần sau mỗi lỗi sai mà ta mắc phải.”, con người cũng vậy, không ai đủ vị tha để hết lần này đến lần khác trao đi niềm tin cho một kẻ đã làm họ tổn thương. Do đó, mỗi người cần cẩn trọng và ý thức được từng trường hợp cụ thể, đừng nên làm tổn thương người khác chỉ vì những lời “ăn đơm nói đặt của mình”. Câu nói của ông cha ta là hoàn toàn đúng đắn khi phê phán một thành phần những kẻ hay nói năng bịa đặt, vu khống người khác trong xã hội hôm nay.