Giải thích câu thành ngữ Ăn cháo đá bát
Bài làm
Lòng biết ơn từ lâu đã luôn là một trong những đạo lý của dân tộc. Thế nhưng, một số người hôm nay lại đi ngược lại với truyền thống ấy, vong ân, bội nghĩa, vô ơn với những người đã giúp ta đạt được thành công, bà ông cha ta đã gọi những kẻ ấy bằng câu tục ngữ “Ăn cháo đá bát “ . Câu tục ngữ có hai vế,”Ăn cháo” và “đá bát”, vế đầu tiên là chỉ sự hưởng thụ những thành quả, nhận những công lao mà người khác giúp đỡ mình , còn vế sau là chỉ sự bội bạc, vô ơn của người đã mang ơn đối với người làm ơn. Qua câu tục ngữ ngắn gọn, ông cha ta đã phê phán những kẻ vong ơn bội nghĩa trong xã hội, sống bội bạc với những người đã có công giúp đỡ ta. Lời phê phán này là hoàn toàn đúng đắn và giàu triết lý. Cần phải hiểu rằng, cuộc sống này vẫn luôn tồn tại muôn vàn khó khăn mà con người ta cần phải vượt qua, nếu không có sự trợ giúp hay giúp đỡ từ người khác, ta làm sao có thể tự mình vượt qua những chông gai trắc trở ấy. Bạn làm sao có thể nên người nếu như không có sự chăm sóc, nuôi dưỡng của bố mẹ? Bạn làm sao có thể tiếp nhận tri thức nếu không có thầy cô là người truyền đạt chúng? Bất kỳ một điều gì mà ta có được ngày hôm nay dù ít hay nhiều đều nhờ một phần công sức của những người xung quanh, không ai có thể tự mình mà vượt qua hết tất cả. Do đó, thử nghĩ mà xem, những kẻ vong ân bội nghĩa liệu có đáng chê trách hay không? Mỗi sự giúp đỡ ta trong cuộc sống đều xuất phát từ tình yêu thương, sự quý mến của người khác dành cho ta, họ hy vọng ta thành công, hy vọng ta sẽ được vui vẻ. Vậy nên khi ta đã có thể đạt được điều mình muốn, có những kẻ lại cố tình quay lưng đi với công lao giúp đỡ của người khác, cho rằng đó hoàn toàn là công sức của riêng bản thân mình, tự mình làm nên, cũng có những kẻ dù cũng ý thức được sự mang ơn nhưng khi chính người đó cần sự giúp đỡ ngược lại từ ta, họ lại phủ nhận sạch sẽ mối quan hệ, lạnh lùng quay lưng với người mà đã hết lòng vì mình. Điều đó không chỉ khiến cho chính bạn sẽ xấu đi ,không thể tin tưởng trong mắt người ấy và cả những người xung quanh mà còn làm cho mối quan hệ của đôi bên sẽ rạn nứt và khó có thể trở lại như trước. Nhân vật Lý Thông trong truyện cổ tích “Thạch Sanh” chính là một minh chứng tiêu biểu cho sự vong ơn bội nghĩa đối với Thạch Sanh đã hết lòng yêu thương, giúp đỡ hắn nhưng cuối cùng hắn đã quay lưng , hãm hại và cướp công của Thạch Sanh. Những kẻ bội bạc, vô ơn trong cuộc sống sẽ phải nhận một kết cục xứng đáng khi chính Lý Thông cũng phải chịu sự trừng phạt và hóa thành con cóc ghẻ. Vì vậy, lối sống “Ăn cháo đá bát” đáng bị lên án và phê phán. Bên cạnh đó, những người có lòng biết ơn, “uống nước nhớ nguồn”, kính trọng với người khác, sẽ luôn được yêu quý và tôn trọng, những con người ấy dù có lâm vào bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào cũng sẽ có luôn có người sẵn sàng giúp đỡ. Vậy nên, mỗi người chúng ta cần tránh lối sống vô ơn, bội bạc và hãy luôn kính trọng, biết ơn những người dù ít dù nhiều cũng đã giúp đỡ ta trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Con người ta một đã đá chiếc bát thì chiếc bát khi đã vỡ cũng vĩnh viễn chẳng thể nào lành lại như xưa. Đừng để chiếc bát của bạn vỡ hay làm vỡ chiếc bát của người khác. Đạo lý của ông cha ta thật đúng đắn và sâu sắc làm sao.