Home / Văn mẫu THCS / Văn mẫu lớp 7 / Giải thích câu nói Có tài mà không có đức là người vô dụng

Giải thích câu nói Có tài mà không có đức là người vô dụng

Giải thích câu nói Có tài mà không có đức là người vô dụng

Giải thích ngắn gọn ý nghĩa câu “Có tài mà không có đức là người vô dụng”:

Đây là câu nói của chủ tịch Hồ Chí Minh, bàn về mối quan hệ giữa tài và đức luôn. “Tài” là tài năng, sự tài giỏi về bất kỳ một lĩnh vực nào trong đời sống của một người nào đó, trong khi ấy “đức” là đạo đức, nhân phẩm của mỗi người. Bác Hồ đã khẳng định “Có tài mà không có đức” là “người vô dụng”, tức là người không có khả năng làm một điều gì có ý nghĩa cho cuộc sống này. Qua đó, câu nói đã đề cao vai trò của việc tu rèn đạo đức, nhân cách sống của mỗi cá nhân bên cạnh việc trau dồi tri thức cho chính mình. Người có tài nhưng không có đức thì cũng chẳng có ý nghĩa, giá trị gì.

Bài văn mẫu giải thích câu “Có tài mà không có đức là người vô dụng”:

Tài và đức luôn là hai khái niệm đi song song và gắn liền với nhau. Đó đều là hai phẩm chất mà con người ta cần có trong cuộc sống hôm nay. Bàn về mối quan hệ giữa tài và đức, chủ tịch Hồ Chí Minh thân yêu đã cho rằng “Có tài mà không có đức là người vô dụng”.

Trước hết, chúng ta cần hiểu, Bác Hồ muốn gửi gắm điều gì qua câu nói trên? Muốn cảm nhận được, ta cần phải hiểu “tài” ở đây tức là tài năng, là sự hiểu biết, thông minh, nhạy bén trong bất kỳ một công việc, một hoàn cảnh nào, người có tài là người luôn sở hữu một khả năng, một trí tuệ đặc biệt hơn người khác. “Đức” là nhân phẩm, đạo đức tốt đẹp của mỗi con người, người có “đức” là người luôn biết hướng về những điều tốt đẹp trong cuộc sống, sống vị tha, đúng với đạo lý. Bằng cách nói phủ định “Có tài mà không có đức” và so sánh với “người vô dụng”, tức là người không có khả năng làm được một điều gì có ích, có ý nghĩa cho bản thân và cuộc đời, Bác đã đề cao vai trò của đạo đức, nhân cách con người trong bất kỳ một hành động gì. Người có tài mà không có đức sẽ chẳng có một ý nghĩa gì đối với cuộc sống này.
Lời nhắn nhủ mà Bác Hồ gửi gắm là hoàn toàn đúng đắn và hợp lý. Thật vậy, trước hết, cần phải công nhận rằng, tài năng luôn là một điều gì đó mà mỗi con người đều khao khát sở hữu, nó giúp ta giải quyết được những vấn đề khó khăn, vượt qua được những gian nan, thử thách một cách dễ dàng hơn. Thế nhưng, nếu chỉ có tài năng không thôi mà con người không biết trau dồi về đạo đức, luôn cư xử lỗ mãng với người xung quanh, làm điều xấu, tha hóa về nhân phẩm,…thì dù cho bạn có tài năng đến đâu, những giá trị ấy của bạn cũng không được công nhận. Một công ty không thể nhận vào một người nhân viên dù tài giỏi nhưng lại hay đi trễ, làm việc cẩu thả; một học sinh không thể đạt được danh hiệu Giỏi nếu như học lực của bạn ấy là Giỏi nhưng hạnh kiểm lại chỉ là Khá hay Yếu. Tài năng nếu như không có đạo đức đi kèm để trau dồi, tìm kiếm những cơ hội để phát huy tài năng ấy thì một ngày nào đó, nó cũng sẽ dễ bị thụt giảm và phai mờ đi.
Trong khi đó, đạo đức của bạn chính là cách để người khác đánh giá về chính con người bạn. Một người có đức tốt là luôn biết quan tâm, để ý, hy sinh vì người khác, sống đúng đạo lý, không làm những điều sai trái, đi ngược lại với tiêu chuẩn về nhân cách. Những người như vậy sẽ luôn được mọi người xung quanh yêu quý, tin tưởng, và đặt trọn niềm tin. Cho dù bạn có thể không tài giỏi, nhưng kỹ năng thì có thể được tạo điều kiện để trau dồi theo thời gian mà tốt dần lên, chỉ có đạo đức, nếu như không được rèn luyện từ sớm thì khi đã làm tổn thương người khác, sống một cách vô tâm, thiếu trách nhiệm, làm những điều xấu xa, thì khó mà có thể quay trở lại vạch xuất phát để làm lại từ đầu.
Lời nhắn nhủ của Bác đặt ra cho mỗi người bài học cần biết không ngừng trau dồi bản thân, đặc biệt là đạo đức để ngày một tốt lên và đạt được những gì mà mình mong muốn. Tuy vậy, đề cao vai trò của đạo đức nhưng cũng không phải vì thế mà bỏ bê, không trau dồi về tri thức, tài năng của mình. Chặng đường thành công sẽ dễ đi hơn rất nhiều nếu con người ta biết dung hòa cả về đạo đức lẫn tài năng của chính mình để trở thành một con người tài đức vẹn toàn.
Có tài mà không có đức cũng giống như một bông hoa tuy rực rỡ sắc màu nhưng lại không có hương thơm. Có thể nói , dù là trong quá khứ hay hiện tại, giá trị của câu nói trên vẫn còn sống mãi trong trái tim của mỗi người, như một lời dặn dò, nhắn nhủ đối với mỗi con người nói chung, đặc biệt là thế hệ trẻ nói riêng để hoàn thiện bản thân mình.

Check Also

7140 1494911290048 1014 310x165 - Phân tích nhân vật chú bé Hồng trong đoạn trích Trong lòng mẹ của Nguyên Hồng

Phân tích nhân vật chú bé Hồng trong đoạn trích Trong lòng mẹ của Nguyên Hồng

Phân tích nhân vật chú bé Hồng trong đoạn trích Trong lòng mẹ của Nguyên …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *