Đề 61 – Về nhận định “Sự học không có quê hương nhưng người có học vấn phải có Tổ quốc” – Phát triển kỹ năng làm bài văn chọn lọc 9
Hướng dẫn
Suy nghĩ về nhận định về việc học
HƯỚNG DẪN LÀM BÀI
* Nội dung trọng tâm: Người học cần chú ý những ý chính sau:
Trước hết, em cần xác định đây là dạng đề bài: hiện tượng đời sống thông qua một câu nhận định (Sự học không có quê hương nhưng người có học vấn phải có Tổ quốc)
– Giải thích khái niệm sự học có nghĩa là gì?
– Giải thích người có học vấn là người như thế nào?
– Giải thích hiện tượng: Việc học không chỉ gói gọn trong đất nước của mình mà nên mở rộng ra bên ngoài thế giới nhưng người có học luôn ghi nhớ về quê hương, đất nước của mình, đem những kiến thức học được phục vụ cho Tổ quốc.
– Nguyên nhân nào dẫn đến: một số người khi đã tiếp thu được kiến thức của nhân loại và ở lại các đất nước đó để làm việc và sinh sống, chúng ta cần phải hạn chế tình trạng này như thế nào?
– Đưa ra biện pháp khắc phục: đưa ra các chính sách tốt để thu hút nhân tài, tạo điều kiện tốt để họ phát huy được năng lực nghiên cứu của mình…
– Bản thân em đã rút ra cho mình những bài học kinh nghiệm nào?
DÀN Ý CHI TIẾT
I. MỞ BÀI
– Trong quá trình chúng ta tiếp nhận tri thức của nhân loại, chúng ta nên có sự mở rộng kiến thức ra bên ngoài. Sau này thành tài ta sẽ dùng những kiến thức đó để xây dựng nước nhà ngày càng phồn vinh.
Trích dẫn câu nhận định.
II. THÂN BÀI
a. Giải thích: (Đặt câu hỏi: là gì?)
– Sự học có ý nghĩa là gì? => Nghĩa là việc chúng ta tiếp thu kiến thức của nhân loại bằng nhiều con đường khác nhau. Có thể do người khác truyền lại hoặc do ta tự tim hiểu.
– Sự học không có quê hương nghĩa là gì? => Nghĩa là việc học của chúng ta không chỉ gói gọn trong đất nước của mình, hay chì trong sách vở mà thôi mà bên cạnh đó ta cần mở rộng ra thế giới, vào đời sống thực tế.
– Người có học vấn phải có Tổ quốc có nghĩa là gì? => Nghĩa là dù chúng ta mở rộng ra kiến thức bên ngoài như thế nào thì trong tim ta lúc nào cũng luôn nhớ đến cội nguồn, quê hương, Tổ quốc của mình. Bản thân phải biết đem tài năng mà chúng ta học hỏi được để phục vụ, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh hơn.
– Một lời khuyên đúng đắn: Dù ta tài giỏi nhờ vào việc tiếp thu kiến thức thế giới nhưng cần phải biết sử dụng tài năng, kiến thức ấy vào việc xây dựng đất nước.
b. Nguyên nhân nào dẫn đến việc một số người khi đã tiếp thu được kiến thức của nhân loại đã ở lại các đất nước đó để làm việc và sinh sống?
+ Đó là do chính sách ưu đãi nhân tài của các đất nước đó đã thu hút được nguồn nhân tài mà họ có được.
+ Điều kiện tại các đất nước này giúp cho những người có kiến thức uyên bác để phát huy, không chỉ vậy, những nhân tài này còn được ưu đãi những điều khác như: chốn ăn, chốn ở, vật chất,…
c. Làm thế nào để khắc phục được tình trạng này?
+ Nhà nước ta cần phải có những chính sách thu hút nhân tài.
+ Tạo mọi điều kiện để họ được phát huy khả năng nghiên cứu của mình.
III. KẾT BÀI
– Nói chung, kiến thức nhân loại là vô bờ bến, ta cần phải luôn ý thức tự trau dồi, học hỏi thêm từ nhiều nguồn khác nhau.
– Khi đã học hỏi được những điều hay, chúng ta hãy cống hiến hết mình để Tô quốc, quê hương của mình ngày càng giàu đẹp và phát triển.
– Riêng em, em hứa rằng sẽ luôn phấn đấu học tập thật tốt, không chỉ trên trường lớp mà còn qua sách báo, phim ảnh và nhiều nguồn khác nữa để trong tương lai giúp ích cho nước nhà ngày càng đi lên.
BÀI VĂN THAM KHẢO
Trong cuộc sống, mỗi con người dù đang học tập ờ bất cứ nơi nào, hay dù có xa xôi như thể nào đi chăng nữa đều có một quê hương, một tố quốc để nhớ, để làm chỗ dựa tinh thần vững chắc. Vì vậy có câu nói cho rằng “Sự học không có quê hương nhưng người có học vấn phải có Tổ quốc”. Vậy qua câu nói trên ta rút ra được những điều gì?
Câu nói trên quả là một lời nhận định đúng đắn. “Sự học không có quê hương” là bởi vì kiến thức là vô bờ, không có giới hạn, chúng ta không thể nào học được hết tất cả kiến thức của nhân loại do vậy ta phải biết mở rộng việc học ra bên ngoài thế giới, “nhưng người có học vấn phải có Tổ quốc” ý muốn nhấn mạnh những con người dù học rộng và xa xôi phải luôn nhớ về quê hương, đất nước để hướng về. Đó là nơi mọi người sinh ra và lớn lên, là nơi chôn nhau cắt rốn của mỗi người. Câu nói trên ý muốn nhắn nhủ con người dù đi xa vẫn phải nhớ về quê hương về tổ quốc vì đây là thước đo cho nhân cách của mỗi con người.
Quả đúng như vậy, tổ quốc, quê hương là bệ phóng để con người vươn tới bầu trời của kiến thức, giúp cho con người bay lượn trên không gian rộng lớn đó; vì tổ quốc, quê hương đã có công nuôi dạy ta, là nơi chứa đựng mỗi con người, giúp ta lớn lên nên ta phải luôn nhớ về Tổ quốc; vì con người và đất nước là một phần không thể tách rời nhau được, đất nước quê hương đã có sẵn trong máu thịt của mỗi chúng ta. Để thể hiện tình yêu quê hương, không cần chúng ta phải đầu tư những dự án bạc tỷ vào quê hương, đất nước làm những điều lớn lao mà thật ra chỉ là những việc giản dị, đơn sơ. Yêu quê hương là luôn nhớ về quê hương, luôn hướng về nó cho dù có ở nơi xa xôi nào đi nữa. Tình yêu quê hương còn là việc nhớ về những truyền thống của dân tộc ta ở quê hương. Những người đi hải ngoại vẫn luôn nhớ về truyền thống của dân tộc ta đó là việc gói bánh chưng, bánh tét mỗi lần Tết cổ truyền đến. Cũng có rất nhiều người con đất Việt luôn hướng về đất nước. Tiêu biểu mới đây nhất là vụ việc Trung Quốc đặt giàn khoan ở vùng đặc quyền kinh tế của nước ta, tất cả những người Việt Nam trên toàn thế giới đều hướng về biển đảo và phản đối Trung Quốc ở khắp mọi nơi. Điều đó đã cho thấy tình yêu đất nước sâu đậm của người dân Việt Nam.
Đã biết bao người đã ngã xuống để bảo vệ hình dáng, xử sở của đất nước Việt Nam ta vì thế mà ta phải biết yêu thương quê hương đất nước. Vậy mà một số giới trẻ hiện nay lại đua đòi, chạy theo phong cách nước ngoài mà quên đi những truyền thống vốn có của dân tộc ta. Những hành động thật đáng lên án và tẩy chay. Và mọi người phải chung tay gần gũi truyền thống dân tộc.
Tóm lại, câu nói trên dạy ta phải biết yêu thương và hướng về quê hương không được một phút nào quên. Và bản thân tôi cũng phải luôn yêu quê hương và chung tay góp phần xây dựng quê hương và đất nước ngày càng phát triển.
(Bài làm của HS)
>> Xem thêm Đề 62: Suy nghĩ của em về vai trò của quê hương đối với đời sống tâm hồn của mỗi người tại đây.
Tags:Đề 61 · Văn chọn lọc 9
Theo Baivanhay.com