Chứng minh câu tục ngữ Lời nói gói vàng
Bài làm
Sống là kết nối. Để có thể kết nối thì con người cần giao tiếp. Và một trong những hình thức cơ bản và thiết yếu là lời nói. Lời nói giúp ta bộc lộ tình cảm, cảm xúc, suy nghĩ của bản thân, giúp ta thể hiện đánh giá thái độ của mình về một người hay một sự vật, sự việc trong đời sống… Lời nói giúp cho con người trao đi những lời yêu thương, đồng cảm và sẻ chia. Nhưng, lời nói cũng như con dao hai lưỡi, lời nói ra nếu không được suy nghĩ thận trọng có thể rước đến những tai bay vạ gió cho mỗi chúng ta. Bởi vậy mà ông cha ta từng rằn dạy: “ Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói.” Lời nói là một phần không thể thiếu trong đời sống nhân loại. Có lẽ chính vì nhận thức được tầm quan trọng ấy mà ông bà ta có câu: “ Lời nói gói vàng.”
Câu tục ngữ “Lời nói gói vàng” khẳng định mỗi lời nói ra đều quý như vàng, quý như một thứ của cải vật chất quý giá, gắn liền với sinh mạng, với cuộc sống con người. Nhưng giữa lời nói và vàng có điểm khác biệt là: vàng mất tiền mua còn lời nói thì “ chẳng mất tiền mua”. Sở dĩ con người khác với con vật ở chỗ con người biết sử dụng lời nói làm phương tiện giao tiếp với người khác, bộc lộ suy nghĩ, cảm xúc của mình. Lời nói là xuất phát từ tâm mà ra, ta muốn nói điều gì , ta không muốn nói điều gì, điều đó phụ thuộc vào suy nghĩ, cảm xúc và tình cảm của mỗi con người. Vàng là một vật phẩm quý già và đắt đỏ,trải qua một quá trong khai thác và đúc luyện gian khổ và tốn kém mới tạo nên những món đồ trang sức bằng vàng tinh tế và giá trị. Để có thể sở hữu những món đồ đó, chúng ta phải mất rất nhiều tiền. Nhưng tự thân mỗi chúng ta tự có khả năng kiến tạo nên những giá trị cao quý ấy đó chính là nói ra những lời vàng ý ngọc.
Vậy tại sao lời nói lại quý như vàng? Mỗi lời nói ra có thể trở thành động lực tinh thần, trở thành sức mạnh giúp cho con người vượt lên những khó khăn thử thách của cuộc sống. Đó là những lời nói để trao đi yêu thương, là lời nói tràn đầy âu yếm, thương yêu của bà của mẹ,là lời động viên khích lệ tinh thần của cha mỗi lần ta vấp ngã,… Chính nhờ có những câu nói yêu thương ấy, ta mới biết mình được yêu thương, ta thấy mình như được tiếp thêm sức mạnh để vững vàng bước tiếp trên đường đời vốn nhiều chông gai trắc trở,…Hay một lời động viên khích lệ, an ủi khi ta vô tình làm không tốt một việc gì sẽ không làm tổn thương tinh thần cho con người bằng những lời quở trách , sát phạt vô tình,…
Lời nói là con dao hai lưỡi, nó không chỉ là liều thuốc hay nọc độc đối với người nghe mà con là bạn hoặc thù của chính người nói. Một người khéo ăn khéo nói sẽ được mọi người yêu mến, trân trọng hơn, có nhiều cơ hội trong học tập cũng như công việc. Và lời đã nói ra thì không thể rút lại. Trước khi nói mà không suy nghĩ cho thật chín thì những lời nói bộc trực có thể dẫn đến những hậu quả không đáng có.
Chúng ta cần phải biết chọn lời nói thích hợp, nhưng phải là những lời đúng đắn, chân thành chứ không phải chỉ quan tâm đến sự đồng tình của người nghe. Khéo ăn khéo nói không có nghĩa là nịnh hót, xu nịnh, nói những lời giả dối không đúng sự thật để vụ lợi. Người ta thường nói” sự thật mất lòng”. Quả đúng như vậy.để có thể nói ra những lời đúng sự thật mà không làm tổn thương người khác không phải là một điều dễ dàng. Giao tiếp là cả một nghệ thuật mà mỗi con người cần phải học tập và trau dồi suốt cả đời. Để trở thành một người giao tiếp giỏi, mỗi chúng ta phải biết “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, biết điều nên nói và điều không nên nói nhưng cũng phải là một người dũng cảm biết nói ra những suy nghĩ của mình.
Như vậy, có thể thấy lời nói là vô cùng quan trọng. Mỗi chúng ta cần phải biết duy trì và phát huy những lời ăn tiếng nói đẹp đẽ của dân tộc,giữ gìn ngôn ngữ dân tộc, tránh sử dụng những ngôn ngữ ngoại lai, tạo ra một lối giao tiếp đáng buồn.