Home / Văn mẫu THCS / Văn mẫu lớp 7 / Cảm nghĩ về bài thơ Cảnh khuya của Hồ Chí Minh

Cảm nghĩ về bài thơ Cảnh khuya của Hồ Chí Minh

Đề bài: Cảm nghĩ về bài thơ Cảnh khuya của Hồ Chí Minh.

Bài làm

Nhắc đến thơ của Hồ Chí Minh ta thường thấy thơ Người luôn mang một hơi thở rất riêng, rất hòa hợp với thiên nhiên và tràn ngập ánh trăng. Cái hòa hợp giữa thiên nhiên và lý tưởng Cách mạng của một con Người luôn vì dân vì nước. Và bài thơ Cảnh khuya cũng vô cùng hay như thế.

Bài thơ Cảnh khuya sáng tác năm 1947, thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp đầy khó khăn và gian khổ. Thế nhưng Hồ Chí Minh vẫn luôn giữ trong mình tư thế ung dung, tự tại, với một niềm tin tưởng sắt son vào chiến thắng của đất nước. Điều ấy đã trở thành một sức mạnh to lớn cổ vũ tinh thần quân và dân ta. Nhưng bên cạnh một niềm tin mãnh liệt, Hồ Chủ tịch vẫn không nguôi được nỗi lo lắng, thương dân. Và tất cả những niềm tin, yêu, lo lắng ấy, Người đã gửi hết vào thiên nhiên nơi núi rừng Việt Bắc.

Mở đầu bài thơ Người viết:

Tiếng suối trong như tiếng hát xa

Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa

Giữa cái tĩnh lặng của núi rừng khi về đêm, tiếng suối trở thành một âm thanh vô cùng thanh thúy, vang vọng khi gần khi xa. Tiếng suối trở nên vô cùng đặc biệt bởi nó là thứ âm thanh duy nhất của rừng già về đêm, khi vạn vật đang say giấc thì suối vẫn âm thầm, róc rách chảy. Tiếng suối gợi cho người ta cái cảm giác thanh bình, lại càng làm nổi bật sự tĩnh lặng của thiên nhiên. Không những thế, qua biện pháp so sánh tiếng suối với tiếng hát xa để thấy rằng suối cũng có một tâm hồn như con người, nó đang thay thiên nhiên cất lên tiếng hát cao vút, tiếng hát trong trẻo rất riêng, rất trữ tình. Mà Bác, phải yêu thiên nhiên nhiều lắm mới có thể cảm nhận được.

Xem thêm:  Soạn bài Đất nước

Cảm nghĩ về bài thơ Cảnh khuya

Không chỉ cảm nhận qua thính giác, Bác còn dùng thị giác để cảm nhận khung cảnh Việt Bắc về đêm. Ánh trăng chiếu lên cây cổ thụ, bóng cây cổ thụ lại trùm lên những cành hoa thấp phía dưới – hình ảnh rất thực qua cái nhìn của Bác như lồng vào với nhau. Từ lồng trong bài thơ trở nên vô cùng đắt giá, thể hiện sự tinh tế trong quan sát của Bác. Động từ lồng được lặp hai lần trong một câu thơ còn gợi sự đùm bọc che chở, tưởng chừng như thiên nhiên cũng đang dang tay bao bọc lấy nhau. Sự hòa quyện giữa trời và đất, giữa vũ trụ với thiên nhiên, giữa vầng trăng với cây cỏ,… tất cả tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp của núi rừng về đêm.

Vì thế mà Bác lại viết:

Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ

Câu thơ như được chia đôi thành hai vế rõ ràng. Một bên là về thiên nhiên, khi vị thi sĩ tài ba dùng những lời thơ của mình để tạo nên những gam màu tuyệt đẹp. Một bên là con người, một con người Cách mạng, con người hiện thực, Người vĩ đại giữa bao người, đang trằn trọc trong trạng thái chưa ngủ. Hai vế rõ ràng như khẳng định sự hòa quyện giữa tình yêu thiên nhiên và tình yêu đất nước, sự hòa hợp giữa một vị thi sĩ yêu trăng với một người chiến sĩ Cách mạng yêu nước. Sự hòa hợp đến bất ngờ ấy đã làm nên một phong cách Hồ Chí Minh, phong cách của vị lãnh tụ tài ba của dân tộc.

Xem thêm:  Giải thích một số câu tục ngữ nói về việc học

Quay trở lại với trạng thái của Người chưa ngủ. Là do thiên nhiên nơi núi rừng Việt Bắc hoang vu quá đẹp nên Người không thể ngủ được, hay bởi một lí do nào khác? Quả thật, thiên nhiên của núi rừng hùng vĩ luôn khiến lòng người phải mê mẩn, phải say đắm. Thế nhưng, Người chưa ngủ còn vì một điều khác. Và câu thơ cuối giống như một câu trả lời xác đáng cho câu hỏi của mỗi người đọc chúng ta:

Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà

Hóa ra, Người chưa ngủ là bởi vì Người lo cho đất nước. Người thương dân tộc chịu cảnh nô lệ lầm than khổ sở. Người mong một ngày đất nước hòa bình, nhân dân ấm no hạnh phúc. Giữa cảnh núi rừng yên tĩnh Người vẫn đang cần mẫn làm việc, luôn luôn suy tính kế sách đánh giặc, thắng giặc. Người mong muốn truyền tải con đường Cách mạng trở nên sâu rộng hơn nữa. Những tưởng Người giống như bao vị thi sĩ thời xưa sống ẩn dật, lánh đời, lánh người mà hòa mình vào thiên nhiên. Nhưng không. Người vẫn một lòng hướng đến Cách mạng, mang trong mình những lo lắng thầm kín, gửi vào thiên nhiên. Ngắm thiên nhiên mà lòng vẫn không nguôi nhớ về đất nước. Một chặng đường gian lao, vị lãnh tụ ấy đã dành cả cuộc đời cho dân tộc. Là một đêm không ngủ hay nhiều đêm không ngủ?

Xem thêm:  Dàn ý chứng minh đức tính giản dị của Bác Hồ

Có thể nói, chỉ với bốn câu thơ, Cảnh khuya không chỉ vẽ nên một bức tranh tuyệt đẹp của núi rừng Tây Bắc mà còn khắc họa rõ nét hình ảnh của vị lãnh tụ đáng kính Hồ Chí Minh – vị cha già của cả dân tộc.

Ánh Nguyên

Check Also

cuu hot girl h660height990 310x165 - Phân tích nhân vật chú bé Hồng trong đoạn trích Trong lòng mẹ của Nguyên Hồng

Phân tích nhân vật chú bé Hồng trong đoạn trích Trong lòng mẹ của Nguyên Hồng

Phân tích nhân vật chú bé Hồng trong đoạn trích Trong lòng mẹ của Nguyên …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *