Cảm nghĩ của em về một người thân trong gia đình
Bài làm
“Kí ức” là hai từ nhằm diễn tả sự hoài niệm của con người về những gì đã qua. Có những kí ức vui sướng, buồn khổ, chúng đan xen và hòa quyện vào nhau để tạo nên một bản hòa tấu với các cung bậc khác nhau về tình cảm của mỗi cá nhân trong cuộc đời.
Đối với tôi, chiếc đèn “xếp” là một hình ảnh đẹp luôn ngự trị trong kí ức tuổi thơ, ở đó ẩn hiện tình thương yêu bao la của một người bà, cuộc sống bình dị nơi thôn dã mang dáng vẻ thuần khiết của một làng quê Việt Nam với những cánh đồng lúa mênh mông, đàn trâu nối đuôi nhau thủng thẳng trên con đê quai, những nong tằm đầy nhộng, hàng cau cao chót vót bên những “đụn” rơm, những đứa trẻ đùa nghịch, những đàn én lượn lập lờ trên không trung và con sông xanh trong vắt…
Một mùa hè cách đây hơn hai mươi năm, tôi được một người chú đưa về quê nội. Nếu có những chuyên đi dài thì đối với tôi luôn là niềm hân hoan, háo hức tột cùng. Ngồi trên xe, tôi được ngắm nhìn khung cảnh làng quê thỏa thích. Con đường đất đỏ rộng thênh thang hằn lên những vết bánh xe đạp, xe trâu của khách lữ hành chằng chịt. Cánh đồng lạc (đậu phộng) xanhrờn chia thành những ô vuông thẳng tắp như tấm thảm nhung cứ lùi dần về phía sau. Xa xa, hàng cọ chĩa thẳng tàn lá lên bầu trời cao chót vót như những chiếc quạt đang che chắn hàng ngàn tia nắng chói chang của mặt trời.
Mải mê ngắm cảnh cho đến khi về tới nhà lúc nào không hay, xuống xe rồi nhưng tôi không thể nhấc nổi hai chân, dường như chúng bị tê liệt toàn bộ, tôi ngồi thụp xuống đầu ngõ. Bà từ trong nhà đi ra, dáng vẻ bận rộn, quần xăn ông thấp ống cao, bồng tôi vào trong đặt xuống chiếc ghế giữa nhà. Tôi chưa kịp ngồi, bà đã lấy nước và bê ra một nồi cháo khoai tây như thể đã chờ sẵn từ bao giờ. Vừa đói vừa khát, tôi ăn uống ngấu nghiến, ngon lành, mặc đù cái món này tôi chưa bao giờ ăn cả. Bà ngồi cạnh quạt liên hồi, hỏi thăm đủ thứ về gia đình, nhất là về bố (vì bố là con nuôi của bà). Bây giờ mới có thời gian để ngắm bà kĩ hơn, tôi thấy khuôn mặt bà nhỏ nhắn sạm đen, sống mũi cao, mắt sâu, tóc lốm đốm bạc, răng đen nhánh. Bà mặc chiếc áo bà ba nâu cộc tay, cổ tròn, sờn vai, thân áo loang lổ mồ hôi, Bà rót thêm nước trà xanh để nguội ra chén, nước sánh đóng thành váng trên bề mặt, bảo tôi uống và nghỉ một lát rồi đi tắm.
Không hiểu sao, mặc dù chỉ mới gặp bà lần đầu tiên nhưng tôi cảm thấy gần gũi và thân thiết từ khi nào. Ngay ngày hôm đó tôi đã trở thành “cái đuôi” của bà, theo bà vào bếp nấu cơm. Cái bếp chật chội, thấp lè tè đầy mạng nhện và bồ hóng. Bà tới chỗ cái “nấm” rơm moi ở phía trong ra một mớ đem vào trước cửa bếp. Có lần phụ bà làm bếp, một mình nhét đầy rơm vào cửa bếp, không có ôxi, rơm không cháy, bếp khói mịt mù, mồ hôi vã ra như tắm, mắt cay xè chảy nước đỏ hoe. Nắp vung đen thui đầy tro bụi, cái nồi đất kho cá cơm trộn dưa cải muôi khét lẹt. Bà chỉ tôi cách nồng rơm bằng chiếc que sắt dài nhọn hoắc, dùng que này lùa tro ra hai bên để cho bếp thoáng, rồi khẩy vài cọng rơm vào. Thật là hữu hiệu, lần sau tôi có thể tự nấu ngon lành. Bữa cơm, tôi thích nhất là món cá cơm kho dưa, ăn vừa bùi vừa chua, có vị gừng và đặc biệt không thấy mùi tanh của cá. Vào những buổi trưa, tôi thường đòi bà cho món “bã hèm” (bã rượu) sau khi đã cất rượu xong, cái này dùng để cho heo ăn thì lớn nhanh lắm.
Ngay từ đêm đầu tiên, bà kể tôi nghe chuyện về bố tôi. Ngày ấy, bố học trung cấp thủy sản ở trọ nhà bà. Qua hai năm ăn học trong nhà, bố luôn thể hiện mình là một người anh cả trong gia đình, mặc dù không nói nhận làm con nuôi, nhưng bố gọi bà là mẹ và bà gọi bố là con. Bà còn kể cho tôi nghe rất nhiều câu chuyện cổ tích, có các hoàng tử, công chúa, ác quỷ… Những câu chuyện đó theo tôi đi vào trong giấc ngủ. Bà hứa, hôm nào tới phiên chợ sẽ mua cho tôi chiếc “đèn xếp”. Tôi chưa biết đèn xếp là gì, chỉ nghe bà tả lại là nó có nhiều hình dáng (tròn, vuông, bầu dục…) có nếp xếp, khi nào muôn thắp sáng thì mở nó ra. Mãi sau này, tôi mới biết được nó chính là chiếc đèn lồng. Kể từ hôm bà hứa mua cho tôi, hễ bà đi chợ là tôi đòi theo cho bằng được. Nhưng lần nào đi cũng đều thất vọng. Có hôm,lợi dụng cơ hội bà dang mua hàng, tôi chạy một mình lùng sục khắp chợ, bà phải đi tìm bở cả hơi tai. Do không mua được đèn xếp, nên sự tò mò của tôi đối với nó càng tăng lên gấp bội.
Những tháng ngày tươi đẹp trôi đi thật nhanh, mới ngày nào mà đã hết ba tháng hè rồi. Tôi không muốn về nhà, tuy nhiên ngày đi học đã cận kề, chú tôi cương quyết đưa tôi trở lại nhà bằng được, tôi nằm lăn xuống nền đất ăn vạ. Bà vỗ về và hứa sang năm sẽ đón tôi trở lại, sẽ mua sẵn đèn xếp cho tôi. Tôi tạm biệt bà, tạm biệt những kỉ niệm không thể nào quên.
Sau này, do đi học xa nhà, bà mất tôi không thể theo bốvề được. Nhưng tình cờ, người chú ra chơi, khi ấy chú đã có gia đình và có con, tôi đã theo chú về lại. Tôi không tin vào mắt mình nữa, ngôi nhà đã khác, chỉ còn lại cái bếp xưa, hàng rào xây bằng tường gạch.
Bà không còn nữa, trong góc bếp tôi đưa mắt tìm một hình bóng quen thuộc, cái lưng còng, đôi chân trần với những chiếc ngón “trạng” ra. Màu áo nâu thơm mùi khói bếp mà hằng đêm tôi thường rúc đầu vào nghe bà kể chuyện. Vậy là cháu vẫn chưa biết được hình hài của chiếc đèn xếp như thế nào. Sao bà lại không mua gửi về cho cháu?
Bà đã ra di thật xa mang theo cả lời hứa chưa thực hiện của mình. Cho dù tôi chưa trông thấy chiếc đèn ấy, nhưng thật sự nó đã tồn tại trong kí ức của tôi từ những tháng ngày thơ dại, chiếc đèn của tình thương yêu, chiếc đèn thắp sáng trong trái tim non dại của tôi hơn cả tình máu mủ. Hơn hai mươi năm trôi qua, tôi cứ để chiếc đèn xếp ấytrong hoài niệm của mình, mỗi khi buồn, khi cô đơn tôi lại thắp nó lên để sưởi ấm tâm hồn.