Bình luận câu thơ: Nhớ câu kiến nghĩa bất vi Làm người thế ấy cũng phi anh hùng của Nguyễn Đình Chiểu.
Hướng dẫn
Nguyễn Đình Chiểu được coi là ngôi sao sáng trên bầu trời văn học Việt Nam thế kỉ XIX. Là nhà thơ yêu nước tiêu biểu của nhân dân Nam Bộ, trong những ngày đầu chống Pháp xâm lược. Nguyễn Đình Chiểu đã nêu một tấm gương sáng về tinh thần yêu nước, một tấm lòng tuyệt vời về tình cảm yêu thương con người. Cuộc đời và sự nghiệp thơ văn của ông đã chứng minh cho quan niệm đúng đắn về tấm lòng yêu nước thương dân, về trách nhiệm của người anh hùng trước vận mệnh của đất nước và cuộc sống của nhân dân trong việc cứu người giúp đời: đã là người anh hùng không thể không hành động khi gặp việc nghĩa:
Nhớ câu kiến nghĩa bất vi
Làm người thế ấy cũng phi anh hùng.
(Lục Vân Tiên)
Người làm việc nghĩa coi việc xả thân cứu giúp người khác là sự thường trực trong hành động của mình, hễ thấy sự bất bình là can thiệp không hề tính toán cá nhân, khó mấy cũng làm. Nếu cần sẵn sàng hi sinh cả tính mệnh. Đã là người quân tử, người anh hùng không thể thấy việc nghĩa mà không làm bởi cái đạo của người quân tử, người anh hùng là luôn luôn hướng về điều thiện, về lòng nhân ái (lòng yêu thương con người). Làm việc nghĩa là hành động phù hợp với quan niệm và lí tưởng của người anh hùng.
Nếu người thấy việc nghĩa mà không làm thì không phải là nam nhi. Việc nghĩa ở đây là nhân nghĩa, là tình thương người là sự chở che bệnh vực người bị áp bức. Đã là anh hùng thì phải xả thân vì việc nghĩa, sẵn sàng hi sinh để bảo vệ lẽ phải, công lý ở đời. Những kẻ dửng dưng trước nỗi đau của người khác là những kẻ tâm thường đáng xấu hổ, không đáng mặt một đấng nam nhi.
Nguyễn Đình Chiểu đã khắc họa nhân vật thành công và từ nhân vật đó ông bày tỏ tâm tư nguyện vọng của chính mình. Lục Vân Tiên trên đường lên kinh đô đi thi, giữa đường gặp dân đang chạy cướp tán loạn, chàng đã bẻ cây làm gậy hỏi thăm vào sào huyệt của bọn chúng và đánh tan bọn cướp, cứu được Kiều Nguyệt Nga và Kim Liên. Đó là hành động nghĩa hiệp của đấng nam nhi biết quan tâm đến người khác, cứu giúp kẻ khác, không sợ hiểm nguy với một tinh thần hào hiệp:
Tôi xin ra sức anh hào
Cứu người cho khỏi lao đao buổi này.
Cuộc đấu tranh giữa Vân Tiên và bọn cướp diễn ra gay go, cuối cùng chính nghĩa đã thắng, Vân Tiên đã trừng trị đích đáng bọn hại dân, hết lòng thương yêu nhân dân, biểu hiện cao đẹp của tính cách vị nghĩa. Cũng như Lục Vân Tiên, Hớn Minh bạn chàng cũng có tính cách nhưvậy. Khi thấy con quan huyện làm điều xằng bậy, chàng đã bẻ đi một giò của hắn.
Các nhân vật của Nguyễn Đình Chiểu đều là những người hi sinh mình vì trượng nghĩa. Ông ngư, ông tiều cũng là người như vậy. Cứu Lục Vân Tiên là một hành động nhân nghĩa vô cùng trong sáng, thấy người gặp nạn là cứu, thấy việc nghĩa là làm ngay với một tinh thần hết mình, vô tư, không tính toán, không cần trả ơn bởi nhân nghĩa là bản chất sống, nhu cầu sống của họ: “ Dốc lòng nhân nghĩa há chờ trả ơn”. Các nhân vật ấy chính là biểu hiện tư tưởng của Nguyễn Đình Chiểu, tư tưởng dốc lòng nhân nghĩa, làm việc vì nghĩa, làm việc thiện với một thái độ vô tư, sẵn sàng trừng trị kẻ ác, giúp người hoạn nạn của người anh hùng. Nhưng muốn làm người anh hùng ngoài đức ra thì phải có tài và có tâm, có lòng dũng cảm, không ngại gian khó hiểm nguy, sẵn sàng hi sinh bản thân vì nghĩa lớn.
Trong cuộc đời thực của Nguyễn Đình Chiểu, ông luôn thể hiện tư tưởng cao cả đó của mình. Mặc dù bị mù lòa, bệnh tật, ông vẫn hết lòng giúp ích cho đời làm việc nghĩa như mở trường dạy học, bốc thuốc chữa bệnh, sáng tác thơ văn và tham gia kháng chiến cùng những người yêu nước. Ngòi bút của Nguyễn Đình Chiểu sắc bén khác nào viên đạn, thanh gươm góp phần giết giặc với một tấm lòng yêu nước tuyệt vời, lòng yêu dân thiết tha, vì nghĩa lớn ở đời với một trách nhiệm cao quý đối với Tổ quốc trong lúc lâm nguy. Quan niệm của Nguyễn Đình Chiểu cũng là thể hiện sự kế thừa truyền thống tốt đẹp của người xưa xuống đông đông tĩnh, lên đoài đoài yên, và những nhà thơ, nhà văn, nhà tư tưởng trước ông như Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ:
Anh hùng tiếng đã gọi rằng
Giữa đường dẫu thất bất bằng mà tha.
(Truyện Kiều – Nguyễn Du)
Tư tưởng cao cả đúng đắn của ông chẳng những có tác dụng lớn đối với thời ông sống, động viên người anh hùng xả thân vì nghĩa lớn đánh giặc Pháp, mà còn giúp chúng ta ngày nay có một phương hướng rèn luyện nhân cách, phấn đấu thành người tốt, người có tấm lòng và hành động cao cả.
Trong cuộc sống của chúng ta hôm nay, khi xã hội còn nhiều tiêu cực, không thiếu kẻ chỉ biết nghĩ đến mình, làm những điều xấu. Hành động dũng cảm bắt cướp chống tiêu cực và chống tham nhũng là thể hiện sự cần thiết của phẩm chất của con người mới, là phát huy quan niệm đúng đắn của cha ông, trong đó có Nguyễn Đình Chiểu.
Tư tưởng về anh hùng được Nguyễn Đình Chiểu khắc họa thành công qua nhân vật của mình. Tư tưởng đó gắn liền với đạo lí làm người, hướng về nhân dân của tất cả mọi người con của dân tộc Việt. Ngày nay khi xã hội đã phát triển, con người đã có những cách ứng xử khác nhau, nhưng tư tưởng của Nguyễn Đình Chiểu vẫn luôn có giá trị, nó là động lực thúc đẩy chủ nghĩa anh hùng Việt Nam.
Nguồn: Vietvanhoctro.com